Gần đây, trên mạng Trung Quốc đang lan truyền một việc khá hy hữu, làm dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều về quyền thừa kế và quyền lợi của trẻ em
(1) "Tiểu tam" đòi quyền thừa kế cho con được sinh ra từ phôi đông lạnh của người quá cố
Tòa án thành phố Thanh Viễn, thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) có nhận được đơn kiện của một người phụ nữ họ Lăng, yêu cầu chia sẻ bảo hiểm nhân thọ, tài sản và cổ phần công ty của người đàn ông họ Văn cho con trai Tiểu Văn của hai người.
Điều đáng chú ý ở đây, là người đàn ông họ Văn kia đã có gia đình, người này đã qua đời do tai nạn giao thông vào tháng 01/2021, đến tháng 12/2021 thì Lăng mới hạ sinh Tiểu Văn từ một phôi đã được thụ tinh và đông lạnh trước đó tại một phòng khám tư nhân.
Tòa án đã tiến hành xét xử và đưa ra phán quyết không ủng hộ Lăng. Các thẩm phán xác định rằng cô không thể cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng phôi được thụ tinh bởi Văn hoặc rằng người đàn ông đã cho phép sử dụng tinh trùng của mình cho mục đích này. Hơn nữa, trong di chúc của mình, Văn không để lại bất kỳ điều khoản nào liên quan đến việc sử dụng phôi sau khi chết.
Dù vậy, trường hợp của Tiểu Văn mở ra một hướng tranh luận mới về quyền lợi của những đứa trẻ được sinh ra từ phôi đông lạnh. Mặc dù Bộ Luật Dân sự năm 2021 của Trung Quốc công nhận quyền thừa kế của thai nhi, nhưng không đề cập rõ ràng đến phôi đông lạnh.
(2) Pháp luật Việt Nam quy định về thừa kế như thế nào?
Theo Điều 613 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế như sau:
“Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”
Theo đó, luật pháp nước ta quy định người thừa kế phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế, trẻ em được sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Chiếu theo sự việc trên, nếu vụ việc diễn ra ở Việt Nam, thời gian cô Lăng mang thai và hạ sinh Tiểu Văn là sau khi ông Văn qua đời, do đó, nếu áp dụng luật pháp Việt Nam cho sự việc trên thì cô Văn và con của mình là Tiểu Văn sẽ không phải là người thừa kế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu ông Văn chết mà không có di chúc, việc phân chia di sản được chia theo pháp luật thì có khả năng, Tiểu Văn sẽ được hưởng phần di sản bằng ⅔ suất của một người thừa kế theo pháp luật.
Cụ thể tại Điều 644 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Như vậy, theo pháp luật Việt Nam, Tiểu Văn có thể sẽ được chia thừa kế nếu ông Văn chết không để lại di chúc và có các kết quả kiểm chứng Tiểu Văn là con ruột của ông Văn.
Vụ kiện của Lăng và Tiểu Văn không chỉ là tranh chấp về mặt pháp lý mà còn là một bài học sâu sắc về những hệ lụy mà công nghệ hỗ trợ sinh sản mang lại.
Sự việc này đặt ra nhiều vấn đề cần được quy định rõ ràng hơn trong tương lai để tránh những tình huống tương tự, đồng thời bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là đứa trẻ vô tội.