Tiêu chuẩn đánh giá phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất

Chủ đề   RSS   
  • #616725 24/09/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20048
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 442 lần


    Tiêu chuẩn đánh giá phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất

    Cùng tìm hiểu các tiêu chuẩn đánh giá phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất mới nhất năm 2024 qua bài viết dưới đây nhé!

    (1) Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Nghị định 115/2024/NĐ-CP, việc đánh giá về kỹ thuật trong phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư trong dự án có sử dụng dụng đất dựa trên các tiêu chuẩn sau:

    (i) Yêu cầu về sự phù hợp của phương án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất (gồm phạm vi, quy mô, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án, thời gian, tiến độ, phân kỳ đầu tư xây dựng công trình, sơ đồ tổ chức không gian và kiến trúc, cảnh quan đảm bảo đồng bộ với tổng thể công trình) với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý ngành, lĩnh vực và pháp luật có liên quan;

    (ii) Yêu cầu về tính khả thi của giải pháp ứng dụng công nghệ do nhà đầu tư đề xuất (nếu có); yêu cầu về chuyển giao công nghệ (nếu có);

    (iii) Yêu cầu về sự phù hợp với điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực (nếu có); yêu cầu về phương án tổ chức vận hành, kinh doanh.

    Theo đó, tùy vào loại dự án mà các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật được quy định như sau:

    - Đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp:

    + Các tiêu chuẩn (i), (ii) và (iii);

    + Yêu cầu về sự đồng bộ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý đô thị, nhà ở để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị;

    + Yêu cầu về sự phù hợp của phương án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.

    - Đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư:

    + Các tiêu chuẩn (i), (ii) và (iii);

    + Yêu cầu về thời gian thực hiện dự án, thời gian hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời;

    + Yêu cầu về sự phù hợp của phương án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở.

    - Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt:

    + Các tiêu chuẩn (i), (ii) và (iii);

    + Yêu cầu về sự phù hợp của công nghệ do nhà đầu tư đề xuất với quy định về tiêu chí công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt;

    + Yêu cầu về chất lượng xử lý chất thải rắn mà nhà đầu tư cung cấp theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

    - Đối với dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó:

    + Các tiêu chuẩn (i), (ii) và (iii);

    + Yêu cầu về sự phù hợp của phương án đầu tư hệ thống đặt cược, phương án kinh doanh đặt cược với quy định của pháp luật về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.

    - Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước:

    + Các tiêu chuẩn (i), (ii) và (iii);

    + Yêu cầu về chất lượng nước sạch, giảm tỷ lệ thất thoát nước và bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục, ổn định theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

    - Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay:

    + Các tiêu chuẩn (i), (ii) và (iii);

    + Yêu cầu về công năng chính của công trình, hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan bảo đảm đồng bộ với tổng thể công trình, yêu cầu về tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ (nếu có).

    - Đối với dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa:

    + Các tiêu chuẩn (i), (ii) và (iii);

    + Yêu cầu về chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà nhà đầu tư cung cấp;

    + Yêu cầu sự phù hợp của phương án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất với quy định về loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa; yêu cầu về giải pháp áp dụng các thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao (đối với dự án thuộc lĩnh vực y tế).

    - Đối với dự án đầu tư xây dựng chợ:

    + Các tiêu chuẩn (i), (ii) và (iii);

    + Yêu cầu về sự phù hợp của phương án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất với tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về chợ, yêu cầu kỹ thuật, giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

    - Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình năng lượng:

    + Các tiêu chuẩn (i), (ii) và (iii);

    + Các tiêu chuẩn khác theo hướng dẫn của Bộ Công Thương (nếu có).

    Ngoài các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về xã hội và môi trường.

    (2) Tiêu chuẩn đánh giá về xã hội

    Theo đó, tiêu chuẩn đánh giá về xã hội đối với phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư được quy định tại khoản 2 Điều 47 Nghị định 115/2024/NĐ-CP như sau:

    (i) Yêu cầu về phương án, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai (nếu có);

    Lưu ý: Trường hợp dự án có yêu cầu nhà đầu tư ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì hồ sơ mời thầu phải quy định nguyên tắc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai.

    Nhà đầu tư phải cam kết trong hồ sơ dự thầu việc ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu trong hồ sơ mời thầu của cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai;

    (ii) Yêu cầu về khả năng đóng góp phúc lợi xã hội cho người lao động tại địa phương thông qua việc sử dụng lao động địa phương, đào tạo nguồn nhân lực, mức thu nhập bình quân và tốc độ tăng thu nhập bình quân; hoạt động trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội hoặc các hoạt động phúc lợi xã hội khác mà nhà đầu tư đóng góp cho địa phương, phù hợp với nhu cầu của địa phương nơi thực hiện dự án;

    Tương tự ,tùy theo từng loại dự án mà tiêu chuẩn đánh giá về xã hội được quy định như sau:

    - Đối với dự án khuyến khích xã hội hóa thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục:

    + Các tiêu chuẩn (i) và (ii);

    + Yêu cầu đáp ứng nhu cầu và lợi ích chăm sóc sức khỏe, lợi ích về giáo dục đào tạo cho người dân.

    - Đối với dự án đầu tư xây dựng chợ:

    + Tiêu chuẩn (i);

    + Yêu cầu đóng góp về mặt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội phù hợp với nhu cầu của địa phương (đáp ứng nhu cầu mua bán tiêu thụ hàng hóa của người dân địa phương; tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương; đóng góp về mặt tài chính, cam kết về phát triển chợ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khi được lựa chọn);

    + Yêu cầu về phương án, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tại chợ (đào tạo cho người lao động tại chợ, các đối tượng kinh doanh tại chợ, hộ kinh doanh tại chợ về an toàn thực phẩm, văn minh thương mại, kỹ năng bán hàng, ứng dụng kỹ năng số trong bán hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tại chợ).

    - Đối với dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư:

    + Tiêu chuẩn (ii);

    + Yêu cầu về phương án bồi thường, tái định cư gồm một số nội dung được bên mời thầu đề xuất theo quy định của pháp luật về nhà ở căn cứ từng dự án cụ thể, phù hợp với phương án đã được phê duyệt trong hồ sơ mời quan tâm.

    Như vậy, việc đánh giá về xã hội đối với dự án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư sẽ thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn nêu trên.

    (3) Tiêu chuẩn đánh giá về môi trường

    Về tiêu chuẩn đánh giá về môi trường, theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định 115/2024/NĐ-CP, bên mời thầu, tổ chuyên gia xác định một hoặc các tiêu chí sau đây để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về môi trường trong hồ sơ mời thầu phù hợp với yêu cầu thực hiện dự án:

    - Yêu cầu về sự phù hợp của hàng hóa, dịch vụ cung cấp với quy định của pháp luật về môi trường; ưu tiên giảm phát sinh chất thải, thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường;

    - Yêu cầu về bảo vệ môi trường, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng;

    - Yêu cầu về chỉ tiêu sử dụng đất, hệ số sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng; yêu cầu về việc sử dụng tài nguyên theo quy định của pháp luật; khả năng bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện đất, tài nguyên, hệ sinh thái tự nhiên tại khu vực thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

    - Yêu cầu áp dụng giải pháp giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất (đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường).

    Trên đây là các tiêu chí để đánh giá phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất mới nhất được quy định tại Nghị định 115/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 16/9/2024.

     
    73 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận