Tiêu chuẩn của người lái tàu đường sắt quốc gia, không có giấy phép lái tàu thì bị xử phạt ra sao?

Chủ đề   RSS   
  • #606594 03/11/2023

    lvkhngoc
    Top 200
    Lớp 3

    Vietnam
    Tham gia:10/07/2022
    Tổng số bài viết (446)
    Số điểm: 4249
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 84 lần


    Tiêu chuẩn của người lái tàu đường sắt quốc gia, không có giấy phép lái tàu thì bị xử phạt ra sao?

    Cho tôi hỏi nhân viên lái tàu đường sắt cần đáp ứng những tiêu chuẩn và nhiệm vụ gì? Có yêu giấy phép lái tàu không? Trường hợp không có giấy phép khi đang điều khiển phương tiện trên đường sắt thì bị phạt như thế nào?

    1. Tiêu chuẩn của người lái tàu đường sắt quốc gia mới nhất

    Tại Điều 7 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn và nhiệm vụ của lái tàu đường sắt quốc gia như sau:

    Tiêu chuẩn

    - Có giấy phép lái tàu còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật;

    - Có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

    - Đối với lái tàu đoàn tàu hàng không bố trí trưởng tàu thì phải được bồi dưỡng nghiệp vụ trưởng tàu hàng; có chứng chỉ đào tạo trưởng tàu hàng do cơ sở đào tạo đủ điều kiện cấp và đạt yêu cầu sát hạch nghiệp vụ lái tàu đoàn tàu hàng không bố trí trưởng tàu do doanh nghiệp sử dụng chức danh lái tàu tổ chức.

    Nhiệm vụ

    - Thông hiểu và thực hiện đúng các quy định liên quan đến phạm vi công tác của mình trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt, tín hiệu đường sắt, quy trình chạy tàu và công tác dồn đường sắt;

    - Thành thạo quy trình tác nghiệp của ban lái tàu, phương pháp sử dụng đầu máy, tình hình cầu đường, vị trí tín hiệu và biểu đồ chạy tàu;

    - Vận hành đầu máy an toàn, không vượt quá tốc độ quy định, theo đúng lịch trình của biểu đồ chạy tàu, mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu;

    - Khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt phải thực hiện các thao tác dừng tàu khẩn cấp;

    - Chỉ được phép điều khiển tàu chạy khi có giấy phép lái tàu tương ứng với loại phương tiện điều khiển;

    - Trước khi cho tàu chạy, lái tàu phải kiểm tra, xác nhận chứng vật chạy tàu cho phép chiếm dụng khu gian, xác nhận chính xác tín hiệu cho tàu chạy của trưởng tàu và của trực ban chạy tàu ga kể cả khi đầu máy chạy đơn;

    - Trong khi chạy tàu, lái tàu có trách nhiệm kiểm tra trạng thái kỹ thuật đầu máy và các vấn đề khác có liên quan đến an toàn đầu máy và an toàn chạy tàu theo quy định, tỉnh táo theo dõi và thực hiện đúng chỉ dẫn của các biển báo, biển hiệu, mốc hiệu trên đường, quan sát tình hình cầu đường và biểu thị của tín hiệu, kiểm tra tác dụng của hệ thống hãm tự động theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt, đặc biệt trong trường hợp khi tàu lên, xuống dốc cao và dài;

    - Hướng dẫn, giám sát phụ lái tàu thực hành lái tàu và chịu trách nhiệm chính về an toàn chạy tàu trong quá trình phụ lái tàu thực hành lái tàu.

    Quyền hạn

    - Từ chối cho đầu máy, cho tàu chạy nếu xét thấy đầu máy, tàu chưa đủ điều kiện an toàn cần thiết và báo cáo ngay cho Thủ trưởng doanh nghiệp của mình, trực ban chạy tàu ga biết để giải quyết;

    - Đình chỉ công tác đối với phụ lái tàu khi có hành vi vi phạm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt, quy trình tác nghiệp uy hiếp an toàn chạy tàu và báo ngay cho lãnh đạo trực tiếp phụ trách để bố trí người thay thế;

    - Đối với đoàn tàu hàng không bố trí trưởng tàu thì lái tàu có thêm các quyền hạn sau: từ chối cho tàu chạy khi chưa đủ điều kiện an toàn chạy tàu; từ chối tiếp nhận nhân viên không đủ trình độ chuyên môn, sức khỏe làm việc theo chức danh trên tàu; Quyết định cho tàu dừng tại ga hoặc địa điểm thuận lợi nhất để cấp cứu người bị thương, chuyển giao người bị thương, bị chết cùng tài sản, giấy tờ liên quan cho trưởng ga hoặc công an, bệnh viện, chính quyền địa phương để giải quyết tiếp.

    => Theo đó, tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của lái tàu đường sắt quốc gia được quy định như trên. Một trong những điều kiện phải đảm bảo tiêu chuẩn của lái tàu đó chính là phải có giấy phép lái tàu còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật. 

    2. Xử phạt người lái tàu điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà không có Giấy phép lái tàu

    Căn cứ tại Điều 62 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm quy định về Giấy phép lái tàu, bằng, chứng chỉ chuyên môn như sau: 

    - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lái tàu thực hiện hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà không mang theo Giấy phép lái tàu hoặc sử dụng Giấy phép lái tàu quá hạn hoặc Giấy phép lái tàu không phù hợp với phương tiện điều khiển.

    - Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn giả, Giấy phép lái tàu giả hoặc không có Giấy phép lái tàu.

    - Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 62 Nghị định 100/2019/NĐ-CP còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu bằng, chứng chỉ chuyên môn giả, Giấy phép lái tàu giả.

    => Như vậy, đối với người lái tàu không có Giấy phép lái tàu khi điều khiển phương tiện giao thông đường sắt thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. 

     
    191 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận