Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là một trong những biện pháp tư pháp được nêu ra trong Bộ luật hình sự Việt Nam
Biện pháp tư pháp là một trong các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, được quy định trong Bộ luật Hình sự, do các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có năng lực trách nhiệm hình sự hay đối với pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm, nhằm hỗ trợ, thay thế hình phạt, có ý nghĩa quan trọng thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo giải quyết triệt để vụ án hình sự; góp phần ngăn ngừa tội phạm, loại bỏ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội; khắc phục thiệt hại, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại.
Điều 46 Bộ luật hình sự đã liệt kê các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người phạm tội và pháp nhân thương mại phạm tội. Trong đó, biện pháp “Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm” (Điều 47 BLHS) được áp dụng với cả hai đối tượng là người và pháp nhân thương mại phạm tội
Điều 47. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:
a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;
c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.
2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.
Thứ nhất, đối tượng bị thu là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật, tiền do phạm tội hoặc do mua bán, trao đổi các thứ mà có; khoản thu lợi bất chính do phạm tội mà có; vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, lưu hành như mà túy, pháo nổ, hàng giả, văn hóa phẩm đồi trụy...
Thứ hai, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Thứ ba, vật, tiền là tài sản của người khác, có thể bị tịch thu nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm. Đây không phải là trường hợp đương nhiên bị áp dụng biện pháp tư pháp như đối với các mục được nhà làm luật liệt kê tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự. Việc có tịch thu hay không cần phải được xem xét, đối chiếu dựa trên nhiều yếu tố khác nhau để từ đó mới ra quyết định cuối cùng về việc tịch thu hay không tịch thu.Trên thực tế, hiện tượng này thường xảy ra do lỗi thiếu trách nhiệm trong việc quản lý tài sản của người đó.
Như vậy, tịch thu vật, tiền bạc trực tiếp liên quan đến tội phạm không những loại bỏ điều kiện vật chất của tội phạm mà còn góp phần cải tạo, giáo dục người phạm tội, ngăn ngừa tội phạm, ổn định và đảm bảo trật tự xã hội.
Cơ quan có thẩm quyền quyết định tịch thu sung ngân sách, tịch thu tiêu hủy hoặc trả lại vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm (khoản 1 Điều 106 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015):
- Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra;
- Viện kiểm sát nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố;
- Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử;
- Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử.