Dân gian ta từ xưa đến nay luôn có quan niệm: "Thuyền theo lái, gái theo chồng", thế nhưng ở hiện tại được cho là đã không còn đúng trong nhiều trường hợp. Vậy cùng tìm hiểu "Thuyền theo lái, gái theo chồng" là gì? Có bắt buộc rút hộ khẩu nhà mẹ đẻ theo chồng không?
Thuyền theo lái, gái theo chồng là gì?
Đầu tiên, hãy cùng giải nghĩa câu thành ngữ “Thuyền theo lái, gái theo chồng”.
- Thuyền theo lái là một điều hiển nhiên khi thuyền luôn phải dựa vào bánh lái, bánh lái rẽ sang bên nào thì thuyền sẽ sang bên đấy.
- Gái theo chồng có nghĩa là người con gái khi lấy chồng thì phải nghe theo ý của chồng, không tự quyết định hay cãi lời.
Hình ảnh người phụ nữ xưa được ví như hình ảnh chiếc thuyền. Người phụ nữ khi đã lấy chồng phải đi theo chồng, không được có ý nghĩ chống đối, hay có ý kiến cá nhân, cũng giống như chiếc thuyền luôn dựa vào bánh lái để đi theo hướng nhất định.
Thuyền theo lái, gái theo chồng là tư tưởng, quan niệm cổ hủ từ xa xưa của ông bà ta. Giống như thuyết “tam tòng” của Nho giáo thì người phụ nữ khi còn ở nhà theo bố, khi lấy chồng thì theo chồng, còn nếu chồng chết thì phải theo phục tùng con (Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử). Điều này cũng cho thấy, ở chế độ phong kiến, đa số người phụ nữ luôn phải chịu chung số phận gian truân và bất hạnh.
Bên cạnh đó, câu thành ngữ “Thuyền theo lái gái theo chồng” cũng diễn tả sự hy sinh, vất vả của người phụ nữ. Hình ảnh người vợ trong gia đình luôn toát lên sự yêu thương, hết lòng vì chồng con. Đó vừa là bổn phận, vừa là trách nhiệm, vừa là hạnh phúc của người phụ nữ.
Tựu chung lại, thành ngữ “Thuyền theo lái, gái theo chồng” khơi gợi tình cảnh của người phụ nữ xưa và cho ta hiểu toàn diện hơn về khuôn khổ và áp đặt của cuộc đời. Đồng thời, câu thành ngữ cũng nhằm ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn cao quý của phái yếu khi đã xuất giá theo chồng.
Có bắt buộc rút hộ khẩu nhà mẹ đẻ theo chồng không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
Tuy nhiên, Điều 20 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.
Ngoài ra, tại Điều 14 Luật Cư trú 2020 cũng có quy định về nơi cư trú của vợ, chồng như sau:
- Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống;
- Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy, không bắt buộc phải rút hộ khẩu nhà mẹ đẻ chuyển hộ khẩu về nhà chồng sau khi kết hôn.
Nếu đang chung sống cùng chồng thì chỉ cần đăng ký tạm trú khi đáp ứng các điều kiện của Điều 27 Luật Cư trú 2020 như sau:
- Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
- Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần
- Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại các địa điểm sau:
+ Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.
+ Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.
+ Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.
+ Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
+ Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Từ những nội dung trên, có thể thấy hình ảnh người phụ nữ xưa được ví như hình ảnh chiếc thuyền. Người phụ nữ khi đã lấy chồng phải đi theo chồng, làm theo ý chồng và không được có ý nghĩ chống đối, hay có ý kiến cá nhân, cũng giống như chiếc thuyền luôn dựa vào bánh lái để đi theo hướng nhất định không tách ra được.