Bỏ nhà đi vì hận bố
Ngay từ thuở lọt lòng, Hồng đã là đứa trẻ thiếu thốn tình cảm. Bố Hồng, một lái xe đường dài, giỏi tán gái nhưng thiếu trách nhiệm với gia đình. Cưới mẹ Hồng chỉ vì trót làm mẹ cô mang bầu mà không thể hủy thai nhưng chỉ mấy tháng sau, người đàn ông đã cho Hồng hình hài ấy đã ép mẹ cô phải ra tòa. Mặc dù sinh ra trong hoàn cảnh chỉ có một mẹ một con nhưng Hồng vẫn được ông bà nội đón nhận như một thành viên trong dòng tộc.
|
Phạm nhân Nguyễn Thị Hồng cười tươi trước lời trêu chọc của cô bạn cùng buồng giam |
Mẹ làm công nhân may, thu nhập thấp nên phải thường xuyên làm tăng ca, thêm giờ để lo cuộc sống cho cả hai mẹ con.
Năm học lớp 9, Hồng nghe mọi người nói con trai của bố cũng học cùng trường với Hồng, thế là Hồng bỏ học, mặc cho mẹ khóc lóc van xin. Rồi Hồng nghĩ mọi người vẫn quan tâm đến mình tức là bố vẫn biết tin về mình, phải làm một điều gì đó để bố phải ân hận, xấu hổ và đau đớn.
Vậy là Hồng kết bạn với những kẻ lang thang, hư hỏng. Cô cố tình kết bạn và rủ họ đàn đúm, ăn chơi ở những điểm gần nhà ông bà nội. Trong một buổi sinh nhật người anh xã hội mà Hồng kết thân, cô đã dùng thuốc lắc. “Cứ có tiền là chúng em kéo nhau đi chơi, lúc thì tụ tập ở gần nhà, cao hứng thì kéo nhau xuống Hải Phòng rồi ra Quảng Ninh. Lần bị bắt, chúng em đang ở Uông Bí”, Hồng kể.
Để có rượu uống, có thuốc lắc cắn, Hồng phải tham gia vào việc bán ma túy. Hồng bảo nhóm của cô có 7 người thì Hồng và một cô gái nữa là ít tuổi nhất. Bọn con trai có nhiệm vụ đi mua ma túy về, nhận tiền và cảnh giới còn Hồng và cô gái này cầm ma túy và giao cho khách. Một buổi tối cách đây 2 năm, Hồng và cô gái kia đang ngồi phân loại gói ma túy bao gồm cả heroin, thuốc lắc và hàng đá thì công an ập vào. Cả nhóm 7 người đều đi tù, 2 cô gái trong đó có Hồng chịu mức án thấp nhất là 5 năm 6 tháng tù. “Vào đây rồi em mới nhận ra rằng những người anh xã hội ấy không tốt, chỉ có người ruột thịt mới thương mình”, Hồng tâm sự.
Ân hận và thương mẹ
Một tháng đôi lần, mẹ Hồng lại xuống trại thăm cô con gái bé bỏng, duy nhất với những món đồ mà ngày còn nhỏ Hồng đã rất thích như kẹo dẻo và ô mai. Hồng bảo ngày trước mỗi lần tạt về qua nhà, thấy mẹ tất tả đi chợ mua về kẹo và ô mai, cô còn bĩu môi chê mẹ quê mùa. Giờ đây cầm gói quà quê của mẹ trên tay, Hồng cảm nhận được tình thương của mẹ dành cho mình.
Hỏi Hồng có còn giận bố không, cô gật đầu. “Em giận bố lắm vì bố ở rất gần nhưng chưa một lần trò chuyện với em. Ngay cả bây giờ, em vào đây rồi nhưng vài tháng một lần ông bà nội và các cô chú lại xuống thăm em nhưng bố thì không. Nhìn cô chú em, em biết mình thừa hưởng nét đẹp từ bên nhà nội nhưng như thế em lại càng thương mẹ hơn. Mẹ đen và xấu, vậy mà em còn làm khổ mẹ”, Hồng nói rồi cúi xuống. Cô gái bắt đầu thổn thức khóc.
Vào trại Hoàng Tiến cải tạo được 2 năm, chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi, Hồng sẽ được đoàn tụ với gia đình. Hỏi cô bé nếu có một điều ước, Hồng sẽ ước gì, cô bé trả lời không do dự: “Em sẽ ước quay lại ngày đang học lớp 9 để tiếp tục đi học, không chơi bời đua đòi nữa”.
Hỏi Hồng dự định sau này ra trại sẽ làm gì, cô tỏ ra chín chắn: “Em sẽ đi học nghề cắt tóc gội đầu và cả trang điểm cô dâu. Ngày trước nghỉ học rồi, em xin mẹ cho đi học nghề này nhưng mẹ không đồng ý. Những lúc buồn bực, em hay ra hàng gội đầu ở gần nhà xem thợ cắt tóc chỉnh sửa tóc cho khách. Thấy nghề đó cũng hay mà”.
Nghe Hồng nói về mơ ước và cả dự định sau này của mình, tôi thấy cô bé không còn là đứa trẻ chỉ thích quậy phá nữa mà đã trưởng thành. Mong sao những năm tháng trong trại giam là bài học để những cô bé như Hồng nhớ mãi để sửa mình.
Nguồn: Báo Phụ nữ