Thuộc lòng 7 số điện thoại khẩn cấp hỗ trợ trẻ em

Chủ đề   RSS   
  • #606198 18/10/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2153)
    Số điểm: 75129
    Cảm ơn: 63
    Được cảm ơn 1599 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Thuộc lòng 7 số điện thoại khẩn cấp hỗ trợ trẻ em

    Trong những trường hợp khẩn cấp, trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cần được hỗ trợ khẩn cấp thì người dân nhanh chóng gọi đến tổng đài, đường dây nóng để được can thiệp.

    Ngày 17/10/2023, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM phối hợp với Tổ chức Save The Children tổ chức Hội thảo với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp”.

    Hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết: Dự án “Hỗ trợ thanh niên và trẻ em trong ứng phó với COVID-19” do tổ chức Save The Children tài trợ đã được thực hiện hơn một năm qua. Dự án này với ba mục tiêu hoạt động lớn. Thứ nhất là nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội trên địa bàn TP.HCM. Thứ hai, bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp. Thứ ba, hỗ trợ thanh niên về hướng nghiệp, học nghề và khởi sự kinh doanh".

    Việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em là điều quan trọng và cần thiết, nhất là trong tình hình diễn biến xã hội hiện nay. Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ được sống an toàn, lành mạnh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại, trợ giúp trẻ phát triển tốt nhất.

    Phó trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), cho biết khi trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cần được can thiệp và trợ giúp thì hãy gọi một trong những số điện thoại sau:

    - Đường dây nóng 111 tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (do Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH quản lý

    Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em là dịch vụ công đặc biệt thành lập theo quy định của Luật Trẻ em 2016, chịu sự quản lý của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền Thông thuộc Cục Trẻ em

    Tổng đài 111 là đường dây khẩn cấp có nhiệm vụ thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại, kiểm tra thông tin tố giác ban đầu. Những thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ ngay lập tức được chuyển tới các cá nhân, cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em. Tổng đài không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến.

    - Số 1900.54.55.59 - Trung tâm Công tác xã hội Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM).

    - Số 1800.90.69 - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.

    - Số 113 - Lượng lực phản ứng nhanh cơ quan Công an.

    - Số 028.3855.8532 nhánh 240- Bệnh viện Hùng Vương.

    - Tổng đài 1022 - Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng.

    - Số 0917708530 - Women's House Tâm Nhung

    Xem bài viết liên quan: Tổng đài bảo vệ trẻ em (số 111) và một số mức phạt về xâm hại trẻ em

    Một số quy định của pháp luật về xử lý hành vi xâm hại trẻ em

    Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. 

    Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, người thực hiện hành vi xâm hại trẻ em có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ và Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể như sau:

    Xử phạt vi phạm hành chính 

    Căn cứ tại Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP như sau:

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    + Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

    + Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

    + Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

    + Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

    - Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) và buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em.

    Truy cứu trách nhiệm hình sự

    1. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

    Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, thì bị phạt tù mức thấp nhất là 06 tháng, mức cao nhất là 02 năm (Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015).

    2. Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ

    Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người dưới 16 tuổi do dùng vũ lực thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm

    Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 127 BLHS).

    3. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

    Người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả gây ra, bị phạt tù, mức thấp nhất là 07 năm, cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

    Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015).

    4. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

    Người phạm tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả gây ra, bị phạt tù, mức thấp nhất là 05 năm, cao nhất là 20 năm, tù chung thân.

    Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015).

    5. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

    Người phạm tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, bị phạt tù, mức thấp nhất là 01 năm, cao nhất là 15 năm.

    Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015).

    6. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

    Người phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, bị phạt tù, mức thấp nhất là 06 tháng, cao nhất là 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015).

    7. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm

    Người nào phạm tội sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, bị phạt tù, mức thấp nhất là 06 tháng, cao nhất là 12 năm.

    Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 147 Bộ luật Hình sự 2015.

    8. Tội mua bán người dưới 16 tuổi

    Người phạm tội mua bán người dưới 16  tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, thì bị phạt tù, mức thấp nhất là 07 năm, cao nhất là 20 năm, tù chung thân.

    Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015).

    9. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

    Người phạm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, bị phạt tù, mức thấp nhất là 03 năm, cao nhất là 15 năm.

    Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015).

    10. Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi

    Người phạm tội đánh tráo người dưới 01 tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, bị phạt tù mức thấp nhất là 02 năm, cao nhất là 12 năm.

    Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 152 Bộ luật Hình sự 2015).

    11. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

    Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, thì bị phạt tù, mức thấp nhất là 03 năm, cao nhất là 15 năm

    Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015).

    Ngoài các tội phạm cụ thể nêu trên, người thực hiện hành vi phạm tội cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội phạm khác với các tình tiết định khung, khi nạn nhân là người dưới 16 tuổi.

     
    1330 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận