Qua thư của bạn xin được trao đổi với bạn một số ý như sau:
1. Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công nhận được dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền đều là thu nhập chịu thuế (Điểm a Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/09/2008 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân).
Cá nhân có thu nhập chịu thuế thực hiện đăng ký thuế để được cơ quan Thuế cấp mã số thuế (Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 100/2008/NĐ-CP).
Như vậy, các cá nhân có thu nhập chịu thuế đều phải thực hiện đăng ký thuế để được cơ quan Thuế cấp mã số thuế (thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng vẫn phải đăng ký cấp mã số thuế).
2. Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân thực hiện các dịch vụ mà không ký hợp đồng lao động như tiền nhuận bút; tiền dịch sách; tiền giảng dạy; tiền tham gia các Hiệp hội, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban quản lý,...; tiền thực hiện các dịch vụ khoa học kỹ thuật; dịch vụ văn hoá; thể dục thể thao; các dịch vụ tư vấn thiết kế xây dựng, dịch vụ pháp lý,... (còn gọi là khoản thu nhập vãng lai) có tổng mức trả thu nhập từ 500.000 đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế trước khi trả cho cá nhân theo hướng dẫn sau:
- Khấu trừ 10% trên thu nhập áp dụng đối với các cá nhân đã có mã số thuế.
- Khấu trừ 20% trên thu nhập áp dụng đối với các cá nhân không có mã số thuế.
(Thông tư 84/2008/TT-BTC ngày 30/09/2008 của Bộ Tài chính)
Tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập đã khấu trừ thuế theo hướng dẫn trên phải cấp chứng từ khấu trừ thuế theo yêu cầu của cá nhân bị khấu trừ. Dù cơ quan chi trả có khấu trừ 10% hay 20% đối với các khoản thu nhập vãng lai thì cũng sẽ được quyết toán lại vào cuối năm theo biểu lũy tiến từng phần.
Những người hành nghề tự do, thực hiện các dịch vụ mà không ký hợp đồng lao động, còn gọi là khoản thu nhập vãng lai là nhóm cần gấp mã số thuế để giao dịch, có thể liên hệ với bất kỳ cơ quan thuế nào tại địa phương để được ưu tiên cấp trước mã số thuế.
Thân.