Giao hàng ăn ở Hà Nội: Lách luật vẫn bị xử phạt - Minh họa
Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội xảy ra thực trạng một số hàng quán, người bán hàng ăn online bất chấp các quy định phòng chống dịch bệnh, thuê shipper giao bưu phẩm để giao các mặt hàng ăn vặt không được phép tiếp tục hoạt động. Hành vi này hoàn toàn có thể bị xử phạt!
Chỉ thị 17/CT-UBND về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội để phòng chống dịch COVID-19 có quy định trong vòng 15 ngày kể từ 24/7/2021:
Đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các trường hợp sau:
- Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho Nhân dân trên địa bàn.
- Cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch;
- Cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.
- Hoạt động tang lễ: chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, không tổ chức các đoàn viếng.
Như vậy, hiện nay các loại hàng quán trên không được tiếp tục hoạt động, việc vẫn bán hàng trong thời điểm này hoàn vi phạm tinh thần Chỉ thị 17 của UBND thành phố. Không cần biết hình thức giao hàng là gì, chỉ cần thực hiện hành vi bán hàng trong thời điểm này, cơ quan chức năng có thể căn cứ Điểm ah hoặc Điểm b Khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP để xử phạt như sau:
“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch”
b) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh;”
Nếu pháp nhân vi phạm quy định trên thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi, tức từ 20 đến 40 triệu đồng.