Để giúp các bên có cơ sở để thực hiện hợp đồng hoặc cơ quan có thẩm quyền có cơ sở giải quyết tranh chấp phát sinh khi ký kết hợp đồng trong thương mại. Luật thương mại năm 2005 đã quy định một số trường hợp cụ thể như sau:
Thứ nhất: Trường hợp không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận rõ về giá
Luật thương mại 2005 ( Điều 52 ) quy định “ Trường hợp không có thỏa thuận về giá hàng hóa, không có thỏa thuận về phương thức xác định giá và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá của hàng hóa được xác định theo giá của loại hàng hóa đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng tới giá cả.
Bộ luật dân sự 2005 ( Điều 412) cũng quy định: “ Trong trường hợp thỏa thuận mức giá hoặc phương thức xác định giá không rõ ràng thì giá của tài sản được căn cứ vào giá thị trường tại địa điểm và thời điểm giao kết”.
Thứ hai: Trong trường hợp không thỏa thuận về hàng hóa.
Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa, là nội dung không thể thiếu trong thỏa thuận.
Nhưng trên thực tế có nhiều trường hợp thỏa thuận không rõ ràng tên, chất lượng của hàng hóa. Ví dụ: Một hợp đồng mua bán chỉ quy định: “Tên hàng: Cát xây dựng” mà không đề cập chất lượng cát xây dựng. Trong khi đó cát xây dựng có rất nhiều loại: Cát vàng, cát đen, trong đó riêng về chất lượng của cát đen cũng rất khác nhau tùy theo từng khu vực khai thác, cách thức khai thác… Việc thỏa thuận về hàng hóa không rõ ràng như trên dẫn tới rất khó có thực hiện hợp đồng và dễ xảy ra tranh chấp. Để giải quyết vấn đề này luật quy định như sau:
Luật thương mại 2005 (Điều 39) quy định: “ Trong trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hóa được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hóa đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các loại hàng hóa cùng chủng loại:
+ Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;
+ Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hóa mà bên bán đã giao cho bên mua;
+ Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hóa đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hóa trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.
Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hóa không phù hợp hợp đồng thuộc trong các trường hợp trên”
Bộ luật dân sự năm 2005 ( Điều 430 ) quy định về chất lượng của vật mua bán như sau:
+ Trong trường hợp chất lượng của vật đã được công bố hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì chất lượng của vật được xác định theo các tiêu chuẩn đã công bố hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Khi các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định về chất lượng thì chất lượng thì chất lượng của vật mua bán được xác định theo mục đích sử dụng và chất lượng trung bình của vật cùng loại.
Tương tự, đã từng có tranh chấp giữa hai bên khi tham gia giao kết hợp đồng vì không thỏa thuận rõ rangf về hang hóa: Công ty A yêu cầu công ty B sản xuất lô hang 500 chiếc giày. Theo lý thông thường, 500 chiếc giày sẽ là 250 đôi. Tuy nhiên, phía công ty B chỉ sản xuất 500 chiếc giày ở 1 phía chân (bên trái). Công ty A đã yêu cầu công ty B xem xét lại vấn đề giao hang không đúng quy định, nhưng thật ra hợp đồng chưa có điều khoản thỏa thuận cụ thể rằng 500 chiếc giày = 250 đôi.
Trường hợp này được xử lý theo các quy định vừa trình bày ở trên.
Thứ ba: Trường hợp không thỏa thuận địa điểm giao hàng.
Địa điểm giao hàng là một nội dung quan trọng trong hợp đồng vì nó liên quan đến vấn đề chuyển rủi do, liên quan đến chi phí vận chuyển. Trên thực tế, đối với những hợp đồng mua bán hàng hóa với số lượng lớn, vận chuyển đường dài hay hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì vấn đề này không thể có thỏa thuận trước. Còn các trường hợp khác nhau thì cũng có thể các bên sơ xuất hoặc các bên đã từng mua bán theo thói quen với nhau nên không có thỏa thuận về địa điểm giao hàng.
Luật thương mại 2005 ( Điều 35 ) đã có quy định về vấn đề này như sau: “ Trường hợp không có thỏa thuận về địa điểm giao hàng thì điạn điểm giao hàng được xác định như sau:
-
Trường hợp hàng hóa là vật gắn liền với đất đai thì bên bán phải giao hàng tại nơi có hàng hóa đó.
-
Trong trường hợp hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hóa thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên.
-
Trường hợp trong hợp đồng không có quy định về vận chuyển hàng hóa, nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng các bên biết được địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hóa thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó.
-
Trong các trường hợp khác, bên bán phải giao hàng tại địa điểm kinh doanh của bên bán, nếu không có địa điểm kinh doanh thì phải giao hàng tại nơi cư trú của bên bán được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán”
Bộ luật dân sự 2005 ( Điều 284 và Điều 443 ) quy định “ Trong trường hợp không có thỏa thuận thì địa điểm thực hiện nghĩa vụ dân sự được xác định như sau;
-
Nơi có bất động sản, nếu đối tượng có nghĩa vụ là bất động sản;
-
Nơi cư trú hoặc trú của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ dân sự không phải là bất động sản.”
Cuối cùng: Trường hợp không có thỏa thuận về địa điểm, thời hạn thanh toán.
– Về địa điểm thanh toán: Luật thương mại năm 2005 ( Điều 54 ) quy định : “trường hợp không có thỏa thuận về địa điểm thanh toán cụ thể thì bên mua phải thanh toán cho bên bán tại một trong các địa điểm sau;
-
Địa điểm kinh doanh của bên được xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng, nếu không có địa điểm kinh doanh thì tại nơi cư trú của bên bán:
-
Địa điểm giao hàng hoặc chứng từ, nếu việc thanh toán được tiến hành đồng thời với việc giao hàng hoặc giao chứng từ”
– Về thời hạn thanh toán: Luật thương mại năm 2005 ( Điều 55 ) quy định: “ nếu không có thỏa thuận về thời hạn thanh toán thì bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc chứng từ liên quan tới hàng hóa”
Theo Pháp luật về hợp đồng trong thương mại và đầu tư – những vấn đề pháp lý cơ bản – TS: Nguyễn Thị Dung – NXBCTQG tr110 -116