Quy định về hàng thừa kế thứ hai trên chỉ áp dụng khi không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất (quy định này trong Bộ luật dân sự 2015 không có gì khác so với Bộ luật dân sự 2005 trước đó). Do đó, ví dụ trong hàng thừa kế thứ nhất vẫn còn người thừa kế thì sẽ không phát sinh quyền thừa kế đối với những người trong hàng thừa kế thứ hai. Cụ thể, khoản 3 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 có quy định
"3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Tuy nhiên, đối với thừa kế thế vị thì cho dù phát sinh quyền thừa kế theo pháp luật đối với những người trong hàng thừa kế thứ nhất đi chăng nữa mà đủ điều kiện theo luật định thì người cháu đó vẫn sẽ được quyền thừa kế theo quy định tại thừa kế thế vị. Cụ thể, Điều 652 của Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Mình xin lấy một ví dụ để bạn dễ nắm bắt. Ông nội chết để lại di sản là 1 tỷ đồng mà không có di chúc. Theo đó những người trong hàng thừa kế thứ nhất như bà nội, các người con của ông nội vẫn còn sống vào thời điểm ông nội chết. Nếu trong các con của người ông nội đó có người chết trước hoặc cùng thời điểm với ông nội thì những người cháu sẽ có quyên đối với phần di sản mà lẽ ra nếu con sống thì người cha của những đứa cháu đó sẽ nhận được.