Chào bạn.
Qua thư của bạn, xin trao đổi với bạn một số ý như sau:
1. Vì “Chủ quyền nhà vẫn còn đứng tên bà nội” và bà nội của bạn đã mất. Đồng thời, các cô chú của bạn khi trở về Mỹ đã mang theo giấy chủ quyền nhà nên không thể khai nhận di sản thừa kế thừa kế.
Uỷ ban nhân dân quận/huyện có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân (khoản 2 điều 14 Luật Nhà ở). Như vậy, bạn có thể làm đơn trình bày và cam đoan trước pháp luật về nguồn gốc nhà (có xác nhận của chính quyền địa phương) và gởi đến Uỷ ban nhân dân quận/huyện nơi có nhà để xin xác nhận lại nguồn gốc nhà trước khi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
2. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào. Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị huỷ bỏ (theo điều 662 Bộ Luật Dân sự 2005).
Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc (theo điều 666 Bộ Luật Dân sự 2005).
Theo quy định tại Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 8-12-2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực, khi người để lại di sản qua đời không để lại di chúc, thì những người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật có quyền yêu cầu công chứng, chứng thực văn bản thoả thuận phân chia di sản, nếu không có tranh chấp.
Nếu như có tranh chấp, không hoà giải được, các bên thì bạn có quyền gửi đơn yêu cầu toà án nơi có di sản (bất động sản) giải quyết.
Trong trường hợp người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật định cư ở nước ngoài, thì cần liên hệ Cơ quan Đại diện của Việt Nam tại quốc gia đó lập văn bản uỷ quyền cho công dân trong nước thực hiện thủ tục kê khai di sản.
3. Nghị định số 84/2007/NĐ-CP quy định trường hợp người nhận thừa kế là nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì người nhận thừa kế không được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, những người này được chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất ở được thừa kế.
Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất ở thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng thực hiện theo điều 148 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP. Theo đó, người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất ở, người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để cập nhật vào sổ địa chính và theo dõi.
Tuy nhiên, trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất ở, những người thừa kế (là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam) phải hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định chung.
Một vài ý trao đổi cùng bạn.
Ls - ĐANG THANH LIEM