Thử việc: Những điều người lao động phải biết

Chủ đề   RSS   
  • #430554 12/07/2016

    nguyenanh1292
    Top 25
    Female
    Dân Luật bậc 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/04/2014
    Tổng số bài viết (3079)
    Số điểm: 68071
    Cảm ơn: 576
    Được cảm ơn 4262 lần


    Thử việc: Những điều người lao động phải biết

    Hiện nay, thường xuất hiện tình trạng người sử dụng lao động lạm dụng lao động thử việc bởi lẽ trả lương cho người lao động thử việc rẻ hơn, hoặc lao động thử việc thì không có nghĩa vụ phải thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT…

    Để giúp người lao động nắm rõ những quy định liên quan đến thử việc. Sau đây, mình chia sẻ những quy định liên quan đến thử việc mà người lao động phải biết.

    Trong trường hợp bạn có thắc mắc ngoài những nội dung mình đề cập dưới đây. Bạn có thể đặt câu hỏi tại topic này nhé.

    Bài viết này không áp dụng đối với người lao động nhận công việc về nhà làm theo hình thức gia công, hoặc người giúp việc nhà theo hình thức khoán việc.

    I. Trước khi thử việc

    1. Cần phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc làm thử, quyền và nghĩa vụ của 2 bên trong thời gian thử việc.

    Dưới đây là 1 số điều bạn cần phải thỏa thuận chắc chắn với người lao động:

    - Công việc và địa điểm làm việc.

    - Thời hạn thử việc: phải thỏa thuận thời gian, thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc.

    Nên nhớ: Chỉ được thử việc 01 lần duy nhất đối với một công việc

    Thời gian thử việc tối đa 60 ngày (tức 02 tháng) đối với công việc yêu cầu trình độ từ Cao đẳng trở lên, 30 ngày (tức 01 tháng) đối với công việc yêu cầu trình độ trung cấp, công nhân và 06 ngày đối với công việc khác.

    Lưu ý: Công việc mang tính thời vụ KHÔNG PHẢI thử việc.

    - Mức lương: lương thử việc chỉ bằng 85% lương chính thức.

    - Hình thức trả lương: có 3 hình thức có thể thỏa thuận

     + Theo thời gian.

    + Theo sản phẩm.

    + Khoán việc.

    - Phương thức trả lương: 2 phương thức chính hiện nay

    + Tiền mặt trực tiếp.

    + Thẻ ATM.

    - Thời hạn trả lương: Có thể trả 1 tháng/1 lần hoặc nửa tháng/1 lần. Thời điểm trả lương do 2 bên thỏa thuận.

    - Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:

    Thời giờ làm việc: Không quá 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Có thể làm thêm giờ nhưng không quá 12 giờ/ngày và không quá 30 giờ/tháng.

    Thời giờ nghỉ ngơi: nếu làm việc liên tục 8 giờ hoặc 6 giờ vào ban ngày thì đựơc nghỉ ít nhất 30 phút, còn làm việc vào ban đêm được nghỉ ít nhất 45 phút.

    Nghỉ hàng tuần: Được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trường hợp đặc biệt có thể không nghỉ hàng tuần, nhưng 01 tháng ít nhất phải có 04 ngày nghỉ.

    Nghỉ phép năm: thử việc không áp dụng quy định nghỉ phép năm như đối với lao động chính thức.

    - Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động

    Tùy theo tính chất công việc mà có thêm thỏa thuận này. Trường hợp đó là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì buộc phải đáp ứng yêu cầu về bảo hộ lao động.

    2. Sau khi đã thỏa thuận các nội dung trên, bạn và người sử dụng lao động có thể ký kết hợp đồng thử việc bằng văn bản hoặc không. Nhưng để chắc chắn và bảo đảm quyền lợi của mình, cũng như là cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh xảy ra trong và sau khi thử việc, bạn nên yêu cầu ký kết hợp đồng thử việc bằng văn bản với người sử dụng lao động.

    3. Có thể gộp hợp đồng thử việc và hợp đồng chính thức thành 1 không?

    Câu trả lời là được, bạn và người sử dụng lao động vẫn có thể gộp 2 loại hợp đồng thử việc và hợp đồng chính thức thành 1. Tuy nhiên, phải đảm bảo có đầy đủ nội dung liên quan đến thử việc và chính thức làm việc tại doanh nghiệp, chẳng hạn như thời hạn thử việc, thời điểm bắt đầu và kết thúc thử việc, thời hạn làm việc chính thức, các quyền lợi và nghĩa vụ…

    II. Trong khi thử việc

    Trong thời gian thử việc, bạn có quyền nghỉ - không làm việc nữa mà không cần báo trước cho phía doanh nghiệp, cũng như không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu đã thỏa thuận trước đó.

    Đồng thời, phía doanh nghiệp cũng có quyền cho bạn nghỉ ngang nếu công việc làm thử không đạt yêu cầu mà họ không phải báo trước và không phải bồi thường về việc này.

    Lưu ý: Trong 2 trường hợp nêu trên, phía doanh nghiệp đều phải thanh toán đầy đủ khoản lương trong thời gian bạn đã thử việc nhé.

    III. Sau khi thử việc

    Trong vòng 03 ngày trước khi kết thúc thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả về việc làm thử của người lao động. Nếu đạt yêu cầu thì phải ký kết hợp đồng lao động chính thức ngay khi kết thúc thời gian thử việc.

    Còn nếu không thông báo về kết quả làm việc cũng như không ký kết hợp đồng lao động chính thức khi kết thúc thời gian thử việc mà vẫn để người lao động tiếp tục làm việc thì nghiễm nhiên, hợp đồng thử việc đó trở thành hợp đồng lao động chính thức. Và lúc này, lương thực nhận của phải phải là 100% chứ không phải 85% như trong thời gian thử việc nữa.

    Một số quy định xử phạt vi phạm liên quan đến thử việc:

    - Yêu cầu thử việc đối với công việc mang tính thời vụ: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng, đồng thời, buộc người sử dụng lao động phải trả đủ 100% lương công việc đó.

    - Không thông báo kết quả công việc làm thử: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng.

    - Yêu cầu thử việc quá 01 lần đối với một công việc, thử việc quá hạn quy định, trả lương cho người lao động thấp hơn mức 85% mức lương của công việc đó: phạt tiền từ 2 – 5 triệu, đồng thời, buộc người sử dụng lao động phải trả đủ 100% lương công việc đó.

    - Kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà không ký kết hợp đồng lao động: phạt tiền từ 2 – 5 triệu.

    Căn cứ pháp lý:

    - Bộ luật lao động 2012.

    - Nghị định 05/2015/NĐ-CP

    - Nghị định 88/2015/NĐ-CP

     
    10969 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenanh1292 vì bài viết hữu ích
    Yennhi1 (21/09/2016)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #430565   12/07/2016

    Như vậy thì đối với trường hợp người sử dụng lao động ép người lao động làm việc quá giờ quy định thì người lao động cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình ạ.

     
    Báo quản trị |