Thủ tục xin học vượt lớp đối với học sinh các cấp như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #614925 07/08/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 19004
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 401 lần


    Thủ tục xin học vượt lớp đối với học sinh các cấp như thế nào?

    Việt Nam có cho phép học vượt lớp không? Thủ tục xin học vượt lớp như thế nào? Hiện nay có trường hợp nào học vượt lớp tại Việt Nam chưa? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé

    (1) Việt Nam có cho phép học vượt lớp không?

    Theo khoản 1 Điều 28 Luật Giáo dục 2019, độ tuổi các học sinh cấp giáo dục phổ thông được quy định như sau:

    - Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 05 năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm

    - Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 04 năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là 11 tuổi và được tính theo năm

    - Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi và được tính theo năm

    Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 28 Luật Giáo dục 2019, trường hợp học sinh được học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Giáo dục 2019 bao gồm:

    - Học sinh học vượt lớp trong trường hợp phát triển sớm về trí tuệ;

    - Học sinh học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp học sinh học lưu ban, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh là người khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, Việt Nam hoàn toàn cho phép các em học sinh được học vượt lớp trong trường hợp em đó có sự phát triển sớm về trí tuệ.

    Theo đó, phát triển sớm về trí tuệ là quá trình kích thích và nuôi dưỡng tiềm năng trí não của trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. 

    Đây là giai đoạn vàng để não bộ trẻ phát triển nhanh chóng và hình thành các kết nối thần kinh quan trọng. Khi trẻ được kích thích một cách phù hợp, các kỹ năng như ngôn ngữ, tư duy, nhận thức, cảm xúc và xã hội sẽ phát triển toàn diện hơn.

    (2) Thủ tục xin học vượt lớp như thế nào?

    Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 35 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, học sinh tiểu học có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau:

    Bước 1: Cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường.

    Bước 2: Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội.

    Bước 3: Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng hoàn thiện hồ sơ và báo cáo trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định.

    Đối với học sinh cấp THCS và THPT, theo quy định tại khoản 4 Điều 33 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông về trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Việc xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau:

    Bước 1: Cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị với nhà trường.

    Bước 2: Hiệu trưởng thành lập Hội đồng khảo sát, tư vấn gồm thành phần cơ bản sau: đại diện của Lãnh đạo trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang theo học.

    Bước 3: Căn cứ kết quả khảo sát của Hội đồng khảo sát, tư vấn, hiệu trưởng xem xét, quyết định

    Theo đó, nếu cha mẹ hoặc người đỡ đầu của học sinh nhận thấy con mình có khả năng, có sự phát triển sớm về trí tuệ thì hoàn toàn có thể làm đơn đề nghị cho con học vượt theo thủ tục trên.

    (3) Hiện nay có trường hợp nào học vượt lớp tại Việt Nam chưa?

    Vừa qua, trường hợp của một em học sinh L.H.T học vượt 2 lớp từ lớp 1 lên thẳng lớp 3 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được mọi người đặc biệt quan tâm.

    Khi biết em T được học vượt 02 lớp từ lớp 1 lên thẳng lớp 3, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi với trường hợp của em, tuy nhiên theo kết quả học tập của em trong năm học lớp 4 và lớp 5 đã chứng minh rằng quyết định đề nghị cho con mình học vượt của phụ huynh  và sự chấp thuận của Nhà trường, Bộ Giáo dục là đúng đắn.

    Ở năm học lớp 4, em đã đạt các thành tích đáng kể sau: Giải Vàng Toán VioEdu Cấp Tỉnh lớp 4; Giải Vàng Toán Quốc Tế FMO Lớp 4; Giải Bạc Toán Quốc Tế PANGEA lớp 4; Giải Đồng Toán Quốc Tế IMOCSEA lớp 4; Giải Đồng Cuộc thi Toán Quốc Tế SASMO lớp 4; Giải Nhất Cuộc thi Violympic Toán Tiếng Anh cấp thành phố; Giải Nhất Cuộc thi Violympic Toán Tiếng Việt cấp thành phố.

    Từ đầu năm học 2022 - 2023 đến tháng 11 năm 2022, ở lớp 5, em gặt hái nhiều thành công trong học tập như: Giải Vàng Toán Quốc Tế IMC Lớp 5-6; Giải Bạc Toán quốc tế ASMO lớp 5; Giải Bạc Toán Quốc Tế SEAMO lớp 5; Giải Nhì Chung kết Cuộc thi Toán Hoa Kỳ Mathnasium lớp 5 khu vực phía Nam; Giải cá nhân Ấn tượng tốt trong cuộc thi “Hùng biện Tiếng Anh” lớp 5 do thành phố Cao Lãnh tổ chức.

    Thành tích hiện tại của em L.H.T đã cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất đúng đắn khi mạnh dạn ban hành quy định về việc cho học sinh được học vượt.

    Có thể thấy, việc học vượt lớp là một giải pháp tốt của Bộ Giáo dục để phát huy tối đa năng lực của học sinh, tuy nhiên cần được thực hiện một cách thận trọng và có kế hoạch để đảm bảo việc học vượt lớp mang lại hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

     
    329 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (03/10/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận