Trình tự, thủ tục thực hiện xác nhận đối tượng cư trú của Việt Nam 2024? Hồ sơ cần chuẩn bị để xin xác nhận là đối tượng cư trú thuê của Việt Nam gồm những gì?
Thủ tục xác nhận đối tượng cư trú của Việt Nam 2024
- Trình tự thực hiện:
+ Bước 1. Tổ chức, cá nhân yêu cầu xác nhận là đối tượng cư trú thuế của Việt Nam theo quy định tại Hiệp định thuế chuẩn bị hồ sơ đề nghị gửi đến Cục Thuế nơi đăng ký thuế.
+ Bước 2. Cơ quan thuế tiếp nhận:
++ Trường hợp hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc hồ sơ được gửi qua đường bưu chính: cơ quan thuế thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ và trả kết quả theo quy định.
++ Trường hợp hồ sơ được nộp đến cơ quan thuế thông qua giao dịch điện tử, việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận, giải quyết hồ sơ thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan thuế.
- Cách thức thực hiện:
+ Nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế;
+ Hoặc gửi qua hệ thống bưu chính;
+ Hoặc gửi bằng hồ sơ điện tử qua cổng giao dịch điện tử của cơ quan thuế.
- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân
- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cục Thuế.
Hồ sơ cần chuẩn bị để xin xác nhận là đối tượng cư trú thuê của Việt Nam gồm những gì?
Thành phần hồ sơ, gồm:
- Đối với các đối tượng đang là người nộp thuế:
+ Giấy đề nghị xác nhận cư trú của Việt Nam theo mẫu số 06/HTQT ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính;
+ Giấy ủy quyền (trong trường hợp người nộp thuế ủy quyền cho đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục áp dụng Hiệp định thuế) đến Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký thuế.
- Đối với các đối tượng không phải là đối tượng khai, nộp thuế:
+ Giấy đề nghị xác nhận cư trú của Việt Nam theo mẫu số 06/HTQT ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính;
+ Xác nhận của cơ quan quản lý hoặc giấy đăng ký thành lập đối với các tổ chức;
+ Xác nhận của cơ quan chi trả thu nhập (nếu có). Trường hợp không có xác nhận này, đối tượng nộp đơn tự khai trong đơn và chịu trách nhiệm trước pháp luật;
+ Giấy ủy quyền trong trường hợp người nộp thuế ủy quyền cho đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục áp dụng Hiệp định thuế.
+ Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)
- Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Trong quá trình giải quyết hồ sơ còn thiếu thông tin cần giải trình, bổ sung tài liệu thì cơ quan thuế gửi Thông báo giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu theo mẫu số 01/TB-BSTT-NNT ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, cho người nộp thuế để yêu cầu giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế ban hành Thông báo, người nộp thuế có trách nhiệm gửi văn bản giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu theo thông báo của cơ quan thuế.
- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy chứng nhận cư trú mẫu số 07/HTQT ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính.
Trường hợp để áp dụng Hiệp định thuế tại nước hoặc vùng lãnh thổ đối tác Hiệp định thuế với Việt Nam (sau đây gọi là đối tác Hiệp định thuế), cơ quan thuế đối tác Hiệp định thuế yêu cầu đối tượng cư trú Việt Nam cung cấp giấy chứng nhận cư trú do Cơ quan thuế Việt Nam phát hành theo mẫu của đối tác Hiệp định thuế đó: nếu mẫu Giấy chứng nhận cư trú này có các chỉ tiêu và thông tin tương tự như Giấy chứng nhận cư trú mẫu số 07/HTQT nêu trên hoặc có thêm các chỉ tiêu và thông tin thuộc phạm vi quản lý của cơ quan thuế (thông tin về quốc tịch, ngành nghề kinh doanh của đối tượng) thì Cục Thuế xác nhận vào mẫu Giấy chứng nhận cư trú này.
- Lệ phí: Không có.
- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Trường hợp người nộp thuế lựa chọn và gửi hồ sơ đến cơ quan thuế thông qua giao dịch điện tử thì phải tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định và điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế tại Thông tư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.