Trong các quyền của người thừa kế thì quyền từ chối nhận di sản là một trong những quyền đáng được quan tâm, là quyền cơ bản của người thừa kế nên cả Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 và BLDS 2005 đều ghi nhận người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, chỉ trừ trường hợp từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác (khoản 1 Điều 642 BLDS 2005 và khoản 1 Điều 620 BLDS 2015). BLDS 2015 có sự thay đổi rõ nét so với BLDS 2005 về quyền từ chối nhận di sản ở quy định thủ tục từ chối và thời hạn từ chối – đây cũng là hai vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau từ trước đến nay.
Tại khoản 2 Điều 642, BLDS 2005 quy định thủ tục để người thừa kế từ chối nhận di sản là “người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản”. Xuất phát hình thành quy định này là vì tầm quan trọng của việc từ chối di sản, khi một người thừa kế từ chối nhận di sản sẽ ảnh hưởng đến quyền của những người thừa kế khác, nên pháp luật muốn đảm bảo từ chối phải minh bạch, công khai, rõ ràng về ý chí. Tuy nhiên, quy định này của BLDS 2005 tồn tại nhiều vấn đề bất hợp lý:
Thứ nhất, điều luật dùng từ “báo”, vậy báo là như thế nào? Thông báo bằng văn bản hay bằng miệng? Việc thông báo này có yêu cầu gửi văn bản từ chối (bản sao) đã lập đến từng chủ thế hay không?
Thứ hai, điều luật liệt kê nhiều chủ thể được thông báo là những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế. Người từ chối nhận di sản phải thông báo đến đầy đủ tất cả những người này hay có thể chỉ thông báo đến một hoặc một số trong những chủ thể này? Bởi vì những người thừa kế ở đây có thể được hiểu là cả ba hàng thừa kế trong trường hợp chia di sản theo pháp luật; hoặc cả người thừa kế theo di chúc lẫn các hàng thừa kế theo pháp luật trong trường hợp di sản vừa chia theo di chúc vừa chia theo pháp luật, nên khái niệm này rộng và có thể bao gồm rất nhiều đối tượng.
Thứ ba, điều luật quy định là người từ chối “phải” báo, nghĩa là việc thông báo là nghĩa vụ và thủ tục bắt buộc, phải thực hiện. Nhưng lại không cho biết hệ quả nếu không thông báo thì như thế nào, có làm cho việc từ chối nhận di sản vô hiệu hay không? Bởi vì việc thông báo là yêu cầu về trình tự, thủ tục chứ không phải là điều kiện có hiệu lực về hình thức của giao dịch dân sự. Nếu xem xét trong các quy định của phần giao dịch dân sự thì không thấy trường hợp nào vô hiệu văn bản từ chối khi không thông báo.
Với các nhược điểm trên, khi ban hành BLDS 2015 nhà làm luật đã có sự sửa đổi cần thiết để khắc phục những điểm bất hợp lý vừa nêu. Theo đó, khoản 2 Điều 620 BLDS 2015 quy định thủ tục từ chối nhận di sản là: “Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết”. Quy định của BLDS 2015 ngắn gọn, đơn giản mà phù hợp hơn BLDS 2005.
Người từ chối nhận di sản sẽ lập thành văn bản thể hiện rõ ý chí của mình và gửi chính văn bản này đến các chủ thể luật yêu cầu, không còn sự mơ hồ của việc thông báo như BLDS 2005 nữa. Các chủ thể được thông báo cũng sửa đổi, bỏ đi cơ quan công chứng, UBND xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế; bổ sung vào người quản lý di sản và giữ nguyên những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản.
Mặc dù chưa khắc phục được cụm từ “những người thừa kế khác” hiểu như thế nào, nhưng dù sao quy định của BLDS 2015 cũng đã tiến bộ hơn khi loại bỏ hai chủ thể không có liên quan và bổ sung chủ thể cần thiết vào. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 620 BLDS 2015 còn bỏ từ “phải” và bổ sung thêm mục đích của việc thông báo là “để biết”. Thay đổi tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng vì hóa giải được vấn đề là, việc thông báo không phải điều kiện bắt buộc, không ảnh hưởng đến hiệu lực của việc từ chối nhận di sản, vì chỉ mang tính chất “thông báo để biết”.