Thủ tục, thẩm quyền hủy kết quả bán đấu giá tài sản

Chủ đề   RSS   
  • #386162 03/06/2015

    Thủ tục, thẩm quyền hủy kết quả bán đấu giá tài sản

    Chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự Quỳnh Lưu ký họp đồng bán tài sản kê biên của người phải thi hành án với Trung tâm bán đấu giá M với giá trị tài sản 1,4 tỷ. Ngày 22/4/2015 TT bán đấu giá M tổ chức bán tài sản trên tại Chi cục thi hành án huyên Quỳnh Lưu vói 6 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá hợp lệ. Sau vòng đấu thứ 2, 5 khách hàng rút, Anh B trúng đấu giá tài sản với giá trị : 1,470.000.000 đ. Chi cục thi hành án thông báo kết quả bán đấu giá tài sản cho đương sự thì người phải thi hành án có đề xuất nhờ Chi cục thi hành án tổ chức buổi làm việc với người trúng đấu giá để người phải thi hành án chuộc lại tài sản đã bán thành. Tại buổi hòa giải anh B cho người phải thi hành án chuộc lại tài sản đã mua với yêu cầu :

    1. Trả lại tiền đã đặt cọc mua tài sản 80 triệu đồng.

    2. Tiền chi phí giàn xếp giá để thắng thắng đấu giá mỗi khách hàng 20 triệu tổng : 100.000.000 đ.

    3. Tiền lệ phí mua hồ sơ đấu giá, tiền phí phụ và khoản chênh lệch tổng cộng : 40 triệu.

    Sau khi có biên bản trên, người phải thi hành án làm đơn khiếu nại đi khắp nơi yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản với lý do có gian lận trong việc bán đấu giá tài sản gây thiệt hại cho người phải thi hành án. 

    Chấp hành viên xác minh những khách hàng tham gia đấu giá thì 3 khách hàng thừa nhận việc nhận 20 triệu đồng của anh B để rút lui sau vòng 2 cuộc bán đấu giá. 2 khách hàng còn lại tù chối làm việc và phủ nhận việc nhận 20 triệu để rút lui.

    Với tư cách là Chấp hành viên đang giải quyết hồ sơ thi hành án và với tình huống như trên, Chấp hành viên phải làm gì tiếp theo? nếu muốn hủy kết quả bán đấu giá trên thì cơ sở pháp lý đã đủ chưa ? trình tự, thủ tục hủy như thế nào khi không cần yêu cầu Tòa án giải quyết? Rất mong sớm nhận được kết quả phản hồi của Thư viên pháp luật. 

     
    33713 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #449032   08/03/2017

          Chào bạn! Dựa vào những thông tin bạn cung cấp tôi có một số góp ý như sau:

         1. Với tư cách là chấp hành viên, bạn làm đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo khoản 7 Điều 20 Luật thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014), lập biên bản và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hành vi thông đồng trong quá trình đấu giá.

         “Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên

          […]

         7. Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm. […].”

         2. Căn cứ hủy kết quả bán đấu giá theo điều 48 nghị định 117/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản, kết quả bán đấu giá sẽ bị hủy theo quyết định có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

         “Điều 48. Hủy kết quả bán đấu giá tài sản

          […]

         c) Kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo quy định tại khoản 3 Điều 56 Nghị định này. […].”

          Hành vi vi phạm ở đây là hành vi của người tham gia đấu giá cố tình thông đồng, dìm giá, cơ sở chứng minh thông qua chính yêu cầu của anh B và sự thừa nhận của 3/5 khách hàng tham gia phiên đấu giá căn cứ Điều 20 Nghị định 110/2013/NĐ-CP.

          “Điều 20. Hành vi vi phạm quy định về người tham gia đấu giá tài sản

          1. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi gian lận về điều kiện tham gia đấu giá tài sản.

         2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thông đồng, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá.

         3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

         a) Hủy bỏ kết quả bán đấu giá tài sản đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp người mua được tài sản là người có hành vi gian lận;

         b) Hủy bỏ kết quả bán đấu giá tài sản đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.

          3. Trình tự, thủ tục hủy khi không cần yêu cầu tòa án giải quyết, bạn có thể theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính căn cứ Điều 54 Nghị định 117/2010/NĐ-CP.

         “Điều 54. Xử lý vi phạm đối với tổ chức bán đấu giá tài sản, đấu giá viên và người tham gia đấu giá

         […]

         3. Người tham gia đấu giá tài sản có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

          4. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức, thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm hành chính về bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính khác có liên quan.”

         + Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, các điều 66, 67, 72, 73 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Điều 12 Nghị định số 54/2014/NĐ-CP ngày 29/5/2014 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Ngành Tư pháp, bao gồm: 

           (i) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; 

         (ii) Thanh tra viên, Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp;

        (iii) Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp

          Ngoài những người có thẩm quyền xử phạt nêu trên, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao mà phát hiện các hành vi vi phạm hành chính quy định theo Nghị định số 110/2013/NĐ-CP thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý của mình cũng có quyền xử phạt.

         + Thủ tục xử phạt, căn cứ các điều 55, 58, 67, 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, các bước cơ bản thực hiện như sau: buộc chấm dứt hành vi, lập biên bản xử phạt, ra quyết định xử phạt và thi hành quyết định xử phát.

         “Điều 55. Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính

         Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được người có thẩm quyền đang thi hành công vụ áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra nhằm chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

          “Điều 58. Lập biên bản vi phạm hành chính

          1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.

         Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành ngay khi xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm.

         Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.

          2. Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý; tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình.

          Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.

          3. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.

          Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.

         Trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.”

         “Điều 67. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

         1. Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần thì chỉ ra 01 quyết định xử phạt, trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính.

         2. Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng cá nhân, tổ chức.

          3. Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm của từng cá nhân, tổ chức.

          4. Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày ký, trừ trường hợp trong quyết định quy định ngày có hiệu lực khác.”

         “Điều 73. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

          1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

           Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.

           2. Người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong quyết định cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương.”

     

           Hiện tại, do các thông tin bạn cung cấp còn hạn chế, nên tôi chỉ trả lời sơ bộ cho bạn như vậy. Để có được câu trả lời chính xác hơn bạn nên liên hệ trực tiếp với luật sư để cung cấp thêm những thông tin cụ thể.

           Chuyên viên tư vấn: Nguyễn Hương Giang.

     

    BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM

    M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com

    Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.

     
    Báo quản trị |