Việc ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 được hiểu là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Quan hệ vợ chồng ở đây phải được pháp luật thừa nhận và thể hiện bằng giấy đăng ký kết hôn.
Như vậy trong trường hợp anh nêu về quan hệ vợ chồng của 2 người này trên thực tế không được pháp luật thừa nhận (không đăng ký kết hôn). Do đó không thực hiện thủ tục ly hôn trong trường hợp này; cũng không thực hiện việc hủy việc kết hôn trái pháp luật (tại bản chất chưa có việc đăng ký kết hôn).
Trường hợp này, nếu như 2 người đã có con chung, có tài sản chung của vợ chồng và không thể tự thỏa thuận với nhau thì có thể khởi kiện ra tòa án căn cứ theoBộ luật tố tụng dân sự 2015:
Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
7. Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật.
(Anh lưu ý việc khởi kiện ra tòa ở đây mục đích liên quan đến việc tranh chấp quyền nuôi con, phân chia tài sản chung; chứ không phải vì lý do ly hôn).
Liên quan đến quy định về xử phạt vi phạm hành chính, ở đây gia đình người chồng (hoặc những người có liên quan) có thể bị xử phạt vì tội tảo hôn theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP:
Điều 47. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.