Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Đào Thị Liên công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Trước khi bàn về việc góp vốn, xin có một vài chia sẻ với bạn về việc đăng ký hoạt động kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo quy định của pháp luật, mọi hoạt động kinh doanh phải được đăng ký với cơ quan nhà nước trừ những trường hợp cá nhân thực hiện các hoạt động kinh doanh sau được nêu tại điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP như dưới đây:
"a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác."
Như vậy, để cùng người khác tham gia đầu tư vào cơ sở sản xuất sắt, bạn nên bàn bạc với đối tác cân nhắc các loại hình tổ chức kinh doanh để đăng ký với cơ quan nhà nước. Pháp luật hiện nay quy định nhiều loại hình tổ chức kinh doanh cho bạn lựa chọn, bạn có thể góp vốn cùng với cá nhân hoặc tổ chức khác thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, công ty cổ phần hoặc cùng cá nhân khác đăng ký hộ kinh doanh cá thể để thực hiện các hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Về việc góp vốn đầu tư cùng người khác để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh:
Căn cứ pháp lý cho vấn đề này là Luật Dân sự tại điều 128, nếu vốn góp là quyền sử dụng đất thì được quy định từ điều 727 đến 732 và các quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành.
Để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc góp vốn nhât thiết phải được hai bên thỏa thuận và thể hiện trong biên bản họp, theo đó xác định tỷ lệ góp vốn, số lượng vốn, loại tài sản góp, các chức danh quản lý, điều hành và các nội dung khác, sau đó tập hợp bộ hồ sơ thực hiện đăng ký tại Phòng đăng ký kinh doanh - Sở KHĐT tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Căn cứ hồ sơ này, Sở KHĐT sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty của bạn, trong nội dung giấy chứng nhận sẽ xác định tỷ lệ vốn góp các bên. Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp sẽ xác định cơ chế phân chia lãi và xử lý lỗ cũng như các cơ chế điều hành cty.
Trường hợp, mô hình tổ chức kinh doanh được bạn và đối tác lựa chọn là hộ kinh doanh cá thể thì hồ sơ này được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở hoạt động.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Xin lưu ý rằng, việc tham gia góp vốn cũng như tiến hành các hoạt động đăng ký doanh nghiệp mà bạn hỏi là một vấn đề tương đối rộng,
Trân trọng./.