Chào bạn!
Thông tư Số 04/2005/TT-BKH của Bộ Kế hoạch đầu tư hướng dẫn trình tự, thủ tục thành lập mới, tổ chức lại, đăng ký kinh doanh và giải thể công ty Nhà nước ngày 17 tháng 8 năm 2005 quy định như sau:
“IV. GIẢI THỂ CÔNG TY NHÀ NƯỚC
1. Xem xét, giải thể công ty nhà nước
a. Công ty nhà nước bị xem xét giải thể theo một trong các trường hợp quy định tại Điều 29 Nghị định số 180/2004/NĐ-CP.
b. Người đề nghị giải thể công ty nhà nước là cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 30 Nghị định số 180/2004/NĐ-CP.
c. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc giải thể công ty nhà nước trong phương án tổng thể sắp xếp và phát triển các công ty nhà nước của Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Hội đồng quản trị Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
Trường hợp công ty nhà nước bị đề nghị giải thể chưa có trong danh sách giải thể nằm trong phương án tổng thể sắp xếp và phát triển các công ty nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, người đề nghị giải thể công ty nhà nước gửi văn bản để nghị giải thể đến Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các công ty nhà nước độc lập, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty nhà nước và tổng công ty nhà nước do Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, công ty nhà nước độc lập do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập), Hội đồng quản trị (đối với Tổng công ty nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập) để xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau khi có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành.
2. Quyết định giải thể công ty nhà nước
a. Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giải thể các công ty nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty nhà nước sau khi được Thủ tướng Chính phê duyệt.
b. Trong thời hạn ba mươi ngàylàm việc, kể từ thời hạn phê duyệt giải thể công ty nhà nước của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải thành lập Hội đồng giải thể công ty nhà nước (sau đây gọi tắt là Hội đồng giải thể) và ra quyết định giải thể công ty nhà nước.
c. Hội đồng giải thể có chức năng tham mưu cho người quyết định giải thể về việc quyết định giải thể và tổ chức thực hiện giải thể công ty nhà nước. Thành phần, quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng giải thể theo quy định tại Điều 32, Điều 33 Nghị định số 180/2004/NĐ-CP.
d. Quyết định giải thể công ty nhà nước được lập và gửi theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 180/2004/NĐ-CP, đồng thời gửi đến các chủ nợ và những người có quyền, nghĩa vụ, lợi ích liên quan trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định giải thể công ty.
đ. Trường hợp không quyết định giải thể công ty nhà nước, Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và giải trình các lý do cụ thể bằng văn bản, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành và người đề nghị giải thể.
3. Thực hiện giải thể công ty nhà nước
Sau khi có quyết định giải thể công ty nhà nước:
a. Công ty nhà nước bị giải thể phải thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 Nghị định số 180/2004/NĐ-CP.
b. Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Ban thanh lý để giúp Hội đồng giải thể trong việc lập phương án giải thể và thực hiện phương án giải thể công ty nhà nước sau khi phương án được phê duyệt.
c. Hội đồng giải thể:
- Thu hồi con dấu của công ty nhà nước bị giải thể để phục vụ việc giải thể.
- Lập phương án giải thể công ty nhà nước trình Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giải thể công ty nhà nước phê duyệt.
- Tổ chức thực hiện giải thể công ty nhà nước theo phương án được phê duyệt.
d. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, sau khi kết thúc việc giải thể, Hội đồng giải thể phải lập báo cáo về việc giải thể công ty nhà nước trình người quyết định giải thể công ty. Hội đồng giải thể nộp lại con dấu của công ty nhà nước bị giải thể cho cơ quan Công an theo quy định về quản lý và sử dụng con dấu; nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận ĐKKD và bản sao hợp lệ quyết định giải thể công ty nhà nước cho Phòng ĐKKD cấp tỉnh, nơi công ty đã ĐKKD; đăng báo hàng ngày của Trung ương hoặc báo cáo địa phương trong ba số liên tiếp về việc kết thúc giải thể công ty nhà nước.
đ. Thời gian thực hiện giải thể công ty nhà nước không quá sáu tháng, kể từ ngày quyết định giải thể công ty có hiệu lực. Trường hợp đặc biệt được người quyết định giải thể công ty đồng ý bằng văn bản, thời gian giải thể công ty có thể kéo dài thêm không quá hai tháng.”
Trường hợp chủ sở hữu cho phép công ty chuyển sang góp vốn với công ty cổ phần khác, Luật doanh nghiệp nhà nước 2003 quy định như sau:
“Điều 15. Quyền kinh doanh của công ty nhà nước
5. Quyết định các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; sử dụng vốn, tài sản của công ty để liên doanh, liên kết, góp vốn vào doanh nghiệp khác trong nước; thuê, mua một phần hoặc toàn bộ công ty khác.
6. Sử dụng vốn của công ty hoặc vốn huy động để đầu tư thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên; cùng với các nhà đầu tư khác thành lập công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên.”
Như vậy, công ty có thể góp vốn với công ty Cổ phần khác theo quy định pháp luật.
Trân trọng!
Luật sư-Thạc sỹ luật học Phạm Thành Tài
- Giám đốc Công ty luật Phạm Danh – Đoàn luật sư TP Hà Nội.
ĐC: Tầng 1, Nhà C, Đền Lừ 1, quận Hoàng Mai, HN.
ĐT: 04.36342301/0913378662 - 0904883477
Email: pttailawyer@yahoo.com/luatphamdanh@gmail.com
Web: http://luatphamdanh.net/luatsuhonnhan.com