Tranh chấp lao động tập thể về quyền theo Bộ luật lao động 2012 là tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận hợp pháp khác. Có thể hiểu đơn giản là tranh chấp về những việc đã được quy định bởi người sử dụng lao động nhưng lợi ích lại thấp hơn pháp luật lao động nên người lao động muốn đòi quyền lợi.
Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền trả qua hai thủ tục nhỏ: Hòa giải cơ sở và giải quyết tranh chấp bởi Chủ tịch UBND cấp huyện. Nếu không giải quyết được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
1) Hòa giải cơ sở:
Tranh chấp lao động tập thể nói chung và tranh chấp lao động tập thể về quyền nói riêng đều bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi hòa giải viên lao động.
Trình tự hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền được thực hiện theo 4 bước như hòa giải tranh chấp lao động cá nhân. Các bạn có thể tham khảo tại: http://danluat.thuvienphapluat.vn/thu-tuc-hoa-giai-tranh-chap-lao-dong-ca-nhan-152696.aspx#448049
Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết.
Lưu ý: Hòa giải viên lao động chính là người xác định tranh chấp lao động tập thể này là tranh chấp lao động tập thể về quyền hay là về lợi ích. Cho nên, trong trường hợp hết thời hạn 5 ngày làm việc từ khi gửi đơn yêu cầu nhưng hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xác định loại tranh chấp về quyền hoặc lợi ích. Nếu là về quyền thì Chủ tịch UBND huyện sẽ tiếp tục giải quyết, nếu là về lợi ích thì hướng dẫn ngay các bên tiền hành giải quyết bởi Hội đồng trọng tài lao động.
2) Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải tiến hành giải quyết tranh chấp lao động.
Tại phiên họp giải quyết tranh chấp lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện mời đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự phiên họp.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác để xem xét giải quyết tranh chấp lao động.
Trong trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Cập nhật bởi minhcuong1704 ngày 27/02/2017 07:27:45 SA