Thủ tục giải quyết ly hôn khi vắng mặt vợ hoặc chồng

Chủ đề   RSS   
  • #533704 28/11/2019

    Linhngo99
    Top 500
    Female


    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:13/09/2019
    Tổng số bài viết (195)
    Số điểm: 1803
    Cảm ơn: 29
    Được cảm ơn 234 lần


    Thủ tục giải quyết ly hôn khi vắng mặt vợ hoặc chồng

    Thủ tục giải quyết ly hôn khi vắng mặt vợ hoặc chồng

    Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Vậy trong trường hợp đơn phương ly hôn mà vắng mặt một bên chồng/vợ thì có được giải quyết ly hôn hay không? Các bạn cùng tham khảo bài viết sau:

    Căn cứ Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định

    “Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

    1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn…”

    Theo quy định trên, thì vợ chồng nếu cảm thấy cuộc sống hôn nhân không đạt được, việc sống chung là không thể,..thì hai bên được làm đơn để yêu cầu giải quyết ly hôn theo thủ tục thuận tình ly hôn là hai vợ chồng đồng thuận việc ly hôn; hay đơn phương ly hôn, là do một bên tự làm đơn và yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn theo quy định.

    >> Về thủ tục giải quyết được tiến hành như sau:

    01 bộ hồ sơ gồm:

    - Đơn khởi kiện;

    - Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

    - Sổ hộ khẩu (bản sao có công chứng, chứng thực)

    - Chứng minh nhân dân của vợ; chồng (bản sao có công chứng, chứng thực)

    - Giấy khai sinh của con (nếu có);

    - Chứng cứ khác (nếu có) như: Giấy tờ chứng minh tài sản chung, tài sản riêng;....

    Nơi nộp hồ sơ: Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết, nếu thuộc một trong các trường hợp sau (căn cứ: Bộ luật tố tụng dân sự 2015):

    - Trường hợp: xác định được nơi cư trú của bị đơn thì nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú để được giải quyết (điểm a, khoản 1 Điều 35).

    - Trường hợp: Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết (điểm a khoản 1 Điều 40)

    - Trường hợp: Bị đơn là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, thì thẩm quyền giải quyết là tòa án nhân dân cấp tỉnh theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu (Căn cứ: điểm d khoản 1 Điều 469, điểm a khoản 1 Điều 37, điểm c khoản 1 Điều 40)

    Thời hạn giải quyết: 4 tháng (căn cứ Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015) 

    Sau 15 ngày làm việc nếu xét thấy hồ sơ hợp lệ Tòa án sẽ triệu tập các đương sự để tiến hành hòa giải trước tòa.

    Lưu ý: Nếu xét thấy hồ sơ còn thiếu, tòa án sẽ yêu cầu bổ sung, trong thời hạn nhất định.

    - Nếu Tòa án đã triệu tập hợp lệ để tham gia hòa giải đến lần thứ 2 mà chồng/ vợ vẫn cố tình vắng mặt thì được xác định thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được (căn cứ khoản 1 Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

    Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được

    1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt”

    Do đó, Tòa án sẽ tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải và quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung.

    Việc vắng mặt của chồng/ vợ là nguyên đơn hay bị đơn trong vụ án tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

    “1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

    Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

    2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

    a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

    b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

    c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật...”.

    Như vậy, trong trường hợp vợ hoặc chồng vắng mặt và không tham gia phiên tòa thì Tòa án vẫn tiến hành các trình tự, thủ tục giải quyết vụ án đơn phương ly hôn mà không phụ thuộc vào việc có hay không có sự có mặt của bị đơn.

    Xem trình tự thực hiện trình tự, thủ tục đơn phương ly hôn tại đây;

    Xem thêm:

    >>> Mẫu đơn thuận tình và đơn phương ly hôn mới nhất

     
     
     
    6495 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn Linhngo99 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (28/11/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận