Chào bạn, trường hợp doanh nghiệp của bạn có thể lựa chọn một số phương án để giảm chi phí nhân lực như sau:
1. Phương án thỏa thuận về trả tiền lương ngừng việc
Trường hợp ngừng việc không do lỗi của DN, NLĐ hoặc vì các nguyên nhân khách quan dịch bệnh nguy hiểm thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP
2. Phương án tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong thời hạn nhất định
DN và NLĐ có thể thảo thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động một khoảng thời gian nhất định để có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động khi doanh nghiệp qua thời kỳ khó khăn.
DN thỏa thuận với NLĐ về tiền lương, các chế độ BHXH trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nên được lập thành văn bản và lưu kèm với hợp đồng lao động đó.
3. Phương án thỏa thuận giảm thời giờ làm việc và giảm tiền lương
Căn cứ quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2012 thì DN và NLĐ có thể thỏa thuận sửa đổi các điều khoản trong hợp đồng như: tiền lương, thời gian làm việc thông qua việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động để phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đó, phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động; do đó, phụ lục hợp đồng phải đảm bảo phải ghi rõ nội dung những điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.
4. Phương án thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động
Trường hợp DN rơi vào tình trạng quá khó khăn, buộc phải tạm ngừng kinh doanh, giải thể hoặc phá sản DN hoặc cần cắt giảm một phần nguồn nhân lực thì DN có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với NLĐ. Việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động có thể bao gồm một khoản chi phí để NLĐ chấm dứt hoặc không nếu NLĐ đồng ý chấm dứt không bao gồm nghĩa vụ tài chính từ DN.
Việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động cần phải lập thành văn bản thể hiện chi tiết thỏa thuận của đôi bên để tránh tình trạng tranh chấp không mong muốn về sau.