Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án

Chủ đề   RSS   
  • #533488 24/11/2019

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 490 lần


    Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án

    Thực tiễn chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc hòa giải trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh. Người ta hay nói, “có vô phúc mới đáo tụng đình”, thường trường hợp tranh chấp mà các không thể giải quyết bằng việc thương hòa giải thì mới chọn đến con đường tố tụng tại Tòa án, bởi việc giải quyết thông qua hình thức này tốn kém cả về chi phí và thời gian.

    Xuất phát từ ý nghĩa trên mà Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) đã bổ sung những quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, đây là quy định mới so với BLTTDS 2005. Với việc BLTTDS 2015 ghi nhận Tòa án có thẩm quyền công nhận hòa giải thành ở cấp cơ sở theo thủ tục việc dân sự đã tạo ra cơ sở pháp lý để Tòa án tiến hành giải quyết yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án của đương sự được thuận lợi, chính xác, nhanh chóng và kịp thời bảo vệ được quyền và lợi ích của các đương sự trước Tòa.

    Theo quy định tại Điều 416 BLTTDS 2015: 

    Kết quả vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải”.

    Như vậy, tất cả những vụ việc dân sự đã được hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải (như kết quả hòa giải theo quy định của Luật hòa giải cơ sở, Bộ luật lao động, Luật thương mại, Luật đất đai, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…) nếu muốn được Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành thì người yêu cầu làm đơn yêu cầu gửi Tòa án có thẩm quyền xem xét công nhận. Chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành là các bên có quyền và lợi ích liên quan đến kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.

    Tuy nhiên, để được Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, cần đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 417 BLTTDS 2015 như sau:

    Thứ nhất, các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên (người thành niên), trừ trường hợp là người bị mất năng lực hành vi dân sự quy định tại Điều 22, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi quy định tại Điều 23 và người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi quy định tại Điều 24 của Bộ luật dân sự 2015.
    Thứ hai, các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý;
    Thứ ba, nội dung thỏa thuận hòa giải thành là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba;
    Thứ tư, một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở.

    Chỉ khi đáp ứng được đủ những điều kiện nói trên thì chủ thể có quyền và lợi ích liên quan đến kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có làm đơn gửi đến Tòa án để yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành. Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành, người yêu cầu công nhận phải gửi đơn đến Tòa án; kèm theo đơn yêu cầu phải có văn bản về kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật có liên quan.

    Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án:

    1. Nộp đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án

    Người có yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có thể lựa chọn hình thức nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc qua bưu điện hoặc gửi trực tuyến. Sau khi nhận tiếp nhận đơn thì Tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn.

    Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu.Trường hợp đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định thì Thẩm phán yêu cầu sửa đổi bổ sung trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Nếu người yêu cầu thực hiện đầy đủ thì Thẩm phán tiến hành thủ tục thụ lý việc dân sự. Nếu quá thời hạn mà người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung thì trả lại đơn yêu cầu và tài liệu chứng cứ kèm theo cho họ.

    2. Nộp lệ phí

    Sau khi tiếp nhận đơn yêu cầu, nếu đủ điều kiện thụ lý thẩm phán phải ra thông báo về việc nộp lệ phí. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, người có yêu cầu phải tiến hành việc nộp lệ phí, trừ trường hợp người có yêu cầu là người được miễn hoặc không phải nộp theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

    3. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu

    Khi người yêu cầu nộp biên lai thu tiền lệ phí đến Tòa án, Tòa án sẽ thụ lý đơn.Trường hợp người yêu cầu được miễn hoặc không phải nộp lệ phí thì Thẩm phán thụ lý kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu.

    4. Thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu

    Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến việc xét đơn yêu cầu, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu.

    5. Phiên họp xét đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành

    Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý; hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp. Thời hạn mở phiên họp xét đơn yêu cầu là 10 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở phiên họp.

    6. Ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành


    Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án khi có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 417 Bộ luật tố tụng dân sự.

    Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, quyết định công nhận này có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của BLTTDS 2015. Kết quả hòa giải ngoài Tòa án được Tòa án ra quyết định công nhận sẽ được cơ quan thi hành án dân sự thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

    Cập nhật bởi lanbkd ngày 24/11/2019 08:52:00 CH
     
    7313 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn lanbkd vì bài viết hữu ích
    kihlinbin@gmail.com (05/03/2020) ThanhLongLS (25/11/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận