Thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý nếu không có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề Luật sư

Chủ đề   RSS   
  • #462302 24/07/2017

    chiakinguyen
    Top 500
    Lớp 3

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:13/06/2016
    Tổng số bài viết (208)
    Số điểm: 4134
    Cảm ơn: 87
    Được cảm ơn 264 lần


    Thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý nếu không có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề Luật sư

    Quy định này sẽ được thực hiện sau 05 năm kể từ ngày 01/01/2018 (ngày Luật trợ giúp pháp lý 2017 có hiệu lực). Cụ thể, người được bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý không có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề Luật sư thì bị thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý.

    Cũng tại Luật này, quy định những người được thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:

    - Trợ giúp viên pháp lý

    - Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

    - Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

    - Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

    Điều kiện để trở thành trợ giúp viên pháp lý

    Công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý:

    - Có phẩm chất đạo đức tốt;

    - Có trình độ cử nhân luật trở lên;

    - Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý;

    - Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý;

    - Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.

     
    4047 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn chiakinguyen vì bài viết hữu ích
    trang_u (27/07/2017) AiNguyen1995 (24/07/2017)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #462612   27/07/2017

    trang_u
    trang_u
    Top 25
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/11/2015
    Tổng số bài viết (2972)
    Số điểm: 44888
    Cảm ơn: 1413
    Được cảm ơn 1718 lần


    Tài liệu giới thiệu Luật trợ giúp pháp lý 2017

    1. Mở rộng diện người được TGPL (Điều 7 của Luật)

    - Luật TGPL năm 2006 (Điều 10) và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định có 6 nhóm đối tượng thuộc diện được TGPL gồm: (1) Người nghèo; (2) Người có công với cách mạng; (3) Người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; (4) Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (5) Các đối tượng khác được trợ giúp pháp lý theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và (6) Nạn nhân theo quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người.

    - Luật TGPL năm 2017 (Điều 7) đã sửa đổi, bổ sung, quy định cụ thể 14 diện đối tượng thuộc diện được TGPL, gồm: (1) Người có công với cách mạng; (2) Người thuộc hộ nghèo; (3) Trẻ em; (4) Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (5) Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; (6) Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; (7) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính; (8) Người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính; (9) Người cao tuổi có khó khăn về tài chính; (10) Người khuyết tật có khó khăn về tài chính; (11) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính; (12) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính; (13) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính; (14) Người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính.

    - Lý do của việc sửa đổi, bổ sung:

    Quy định về đối tượng được TGPL còn tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau, chưa đáp ứng được các yêu cầu trong thực tiễn thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, dân tộc; quan điểm về quyền con người, quyền công dân; yêu cầu của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và các điều ước quốc tế liên quan khác mà Việt Nam là thành viên; chưa bảo đảm đồng bộ với Luật Người khuyết tật năm 2010; Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011; Luật Trẻ em năm 2016; Nghị định số 07/2007/NĐ-CP; Nghị định số 14/2013/NĐ-CP

    Trong đó, có 02 đối tượng được kế thừa từ Luật TGPL năm 2006 là người thuộc hộ nghèo và người có công với cách mạng; 02 đối tượng được kế thừa và mở rộng là trẻ em không nơi nương tựa thành tất cả trẻ em, người dân tộc thiểu số "cư trú" tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (thay “thường trú” bằng “cư trú”); bổ sung 02 nhóm là: người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 BLTTHS năm 2015) và người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo để bảo đảm chính sách hình sự đối với các nhóm đối tượng này; quy định mới việc TGPL đối với 08 nhóm người có khó khăn về tài chính (khoản 7 Điều 7), gồm: (1) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; (2) Người nhiễm chất độc da cam; (3) Người cao tuổi; (4) Người khuyết tật; (5) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; (6) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; (7) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và (8) Người nhiễm HIV.

    2. Quy định tập trung hơn việc TGPL đối với các vụ việc (Điều 27 của Luật)

    - Luật TGPL năm 2006 quy định có 04 hình thức TGPL (Điều 27), bao gồm: (1) Tư vấn pháp luật; (2) Tham gia tố tụng; (3) Đại diện ngoài tố tụng và (4) Các hình thức trợ giúp pháp lý khác.

    - Luật TGPL năm 2017 bổ sung quy định về lĩnh vực TGPL: Trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại” (khoản 1 Điều 27) và thu hẹp chỉ còn 03 hình thức TGPL (khoản 2 Điều 27), bao gồm: (1) Tham gia tố tụng; (2) Tư vấn pháp luật và (3) Đại diện ngoài tố tụng; không quy định về “Các hình thức TGPL khác” để bảo đảm tập trung việc TGPL.

    - Lý do của việc sửa đổi, bổ sung:

    Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, Luật TGPL năm 2017 quy định chỉ thực hiện TGPL khi có vụ việc cụ thể. TGPL được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại, bởi mục đích của TGPL là tập trung giúp đỡ một số đối tượng thực sự có nhu cầu nhưng không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý. Hình thức thực hiện TGPL được quy định theo đúng bản chất và yêu cầu của công tác TGPL, với 03 hình thức TGPL, bao gồm: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng (Trợ giúp viên pháp lý thay mặt đối tượng thuộc diện được TGPL để tham gia, thực hiện các hoạt động, giao dịch trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại) mà không các quy định về “các hình thức TGPL khác”; đồng thời bỏ quy định tư vấn pháp luật được thực hiện thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, TGPL lưu động nhằm tập trung hơn việc TGPL đối với các vụ việc cụ thể, khắc phục việc thực hiện TGPL một cách dàn trải như hiện nay, tránh trùng lắp với các hoạt động theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở...

    3. Xác định rõ về tổ chức của tổ chức thực hiện TGPL; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về TGPL (Các điều 10, 11, 12, 13 và Điều 40 của Luật)

    3.1. Tổ chức của tổ chức thực hiện TGPL (Các điều 10, 11, 12 và Điều 13)

    - Luật TGPL năm 2006 (Điều 13) quy định tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý là Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia TGPL (khoản 1) và các tổ chức tham gia TGPL bao gồm: (1) Tổ chức hành nghề luật sư; và tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (khoản 2). Mặt khác, Điều 16 Luật TGPL năm 2006 quy định việc thành lập Chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương.

    - Luật TGPL năm 2017 (khoản 1 Điều 10) tiếp thu quy định tại Điều 13 Luật TGPL năm 2006, tiếp tục quy định tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, Luật TGPL năm 2017 còn phân loại, quy định cụ thể hơn về tổ chức tham gia TGPL (Điều 12), bao gồm: (1) Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và (2) tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý (khoản 1); trong đó, “tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý” bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp theo quy định của Luật này (khoản 2) và “tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý” bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này (khoản 3). Mặt khác, khoản 2 Điều 11 Luật TGPL năm 2017 quy định Chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước “chỉ được thành lập” tại các huyện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm TGPL nhà nước và chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý.

    - Lý do của việc sửa đổi, bổ sung:

    Luật TGPL năm 2017 quy định rõ hơn về tổ chức của tổ chức thực hiện TGPL theo hướng tinh gọn, nhằm khắc phục tình trạng cồng kềnh và nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả hoạt động và sử dụng kinh phí của các tổ chức thực hiện TGPL.

    3.2. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về TGPL (Điều 40 của Luật)

    - Luật TGPL năm 2006 chí có quy định chung chung về nội dung quản lý nhà nước về TGPL (Điều 46), mà chưa xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về TGPL (Điều 47).

    - Luật TGPL năm 2017 quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về TGPL gắn với trách nhiệm quản lý nhà nước về TGPL (Điều 40). Cụ thể: (1) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý; (2) Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn: Chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý; Xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch phát triển trợ giúp pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện; Ban hành các quy định hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, mẫu giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về trợ giúp pháp lý; Hướng dẫn, tổ chức và theo dõi việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý;…và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định tại khoản 2 Điều 40; (3) Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; (4) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý tại địa phương; bảo đảm các điều kiện làm việc cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

    - Lý do của việc sửa đổi, bổ sung:

    Luật TGPL năm 2017 quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về TGPL gắn với trách nhiệm quản lý nhà nước về TGPL nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về TGPL.

    4. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động Trợ giúp pháp lý (Chương VI của Luật)

    - Luật TGPL năm 2006 chỉ có 01 điều quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý (Điều 7): (1) Khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức, thành viên, hội viên và cá nhân khác làm việc tại cơ quan, tổ chức mình làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý và (2) Phối hợp, tạo điều kiện, cung cấp thông tin, tài liệu cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để TGPL.

    - Luật TGPL năm 2017 dành 01 Chương (Chương VI) gồm 05 điều (từ điều 40 đến điều 44) để quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động TGPL. Ngoài quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý (Điều 40) như nêu trên, Luật TGPL năm 2017 đã quy định rõ: trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng (Điều 41); đây là một trong những quy định mới của Luật TGPL năm 2017. Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Luật TGPL năm 2017 trong hệ thống các cơ quan trực thuộc. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra Luật còn quy định rõ: trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan (Điều 42); trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư (Điều 43) và trách nhiệm của tổ chức chủ quản của tổ chức tư vấn pháp luật (Điều 44).

    - Lý do của việc sửa đổi, bổ sung:

    Luật TGPL năm 2017 quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khác nhằm tăng cường cơ chế phối hợp để bảo đảm quyền được TGPL, nâng cao chất lượng dịch vụ và quản lý nhà nước về TGPL. Đặc biệt, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác phối hợp, tạo điều kiện cho người được TGPL được hưởng quyền TGPL, cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

    5. Bổ sung nguồn tài chính cho công tác Trợ giúp pháp lý (Điều 5 của Luật)

    - Luật TGPL năm 2006 mới chỉ có quy định chung về nội dung quản lý nhà nước về TGPL Bảo đảm kinh phí, phương tiện hoạt động và điều kiện vật chất khác cho hoạt động trợ giúp pháp lý của Nhà nước(khoản 6 Điều 46) và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (khoản 4 Điều 47).

    - Luật TGPL năm 2017 quy định cụ thể về nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý (Điều 5), bao gồm: (1) Nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý bao gồm nguồn ngân sách nhà nước; đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác; (2) Kinh phí ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và (3) Đối với địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung cân đối ngân sách hằng năm để hỗ trợ cho việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình.

    - Lý do của việc sửa đổi, bổ sung:

    Luật TGPL năm 2017 khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm kinh phí TGPL từ nguồn ngân sách nhà nước và việc ưu tiên bố trí ngân sách TGPL. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách xã hội hóa, khuyến khích sự đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước, các nguồn hợp pháp khác.

    MỘT SỐ VẤN Đ LƯU Ý TRONG THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ, TỐ TỤNG DÂN SỰ, TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH VÀ THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM

    Luật TGPL năm 2017 đã quy định về lĩnh vực trợ giúp pháp lý: “Trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại” (Điều 27) và xác định rõ người thực hiện trợ giúp pháp lý được tham gia tố tụng (Điều 17), gồm: (1) Trợ giúp viên pháp lý và (2) Luật sư (luật sư gồm: (i) Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm TGPL nhà nước; (ii) luật sư thực hiện TGPL của tổ chức tham gia TGPL). Do đó, trong quá trình thực hiện TGPL trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và thi hành tạm giữ, tạm giam, Viện kiểm sát các cấp cần lưu ý một số vấn đề như sau:

    1. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự

    1.1. Người thực hiện Trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng

    BLTTHS năm 2015 đã có quy định về người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng với tư cách: (1) Người bào chữa (Điều 72), (2) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Điều 83) và (3) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 84), cụ thể như sau:

    a) Là người bào chữa (Điều 72):

    - Khoản 2 Điều 72 BLTTHS năm 2015 quy định Người bào chữa có thể là: a) Luật sư; b) Người đại diện của người bị buộc tội; c) Bào chữa viên nhân dân và d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được TGPL. Như vậy, khi người bị buộc tội thuộc đối tượng thuộc diện được TGPL thì Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư sẽ tham gia bào chữa (miễn phí) khi họ có yêu cầu.

    - Thủ tục đăng ký bào chữa theo quy định của Điều 78 BLTTHS năm 2015. Theo đó, khi đăng ký bào chữa, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại Điều 76 BLTTHS năm 2015 thì Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước.

    b. Là Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Điều 83):

    Khoản 2 Điều 83 BLTTHS năm 2015 quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể là: a) Luật sư; b) Bào chữa viên nhân dân; c) Người đại diện; d) Trợ giúp viên pháp lý. Như vậy, khi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố thuộc đối tượng được TGPL thì Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (miễn phí) khi họ có yêu cầu.

    c. Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 84):

    Khoản 2 Điều 84 BLTTHS năm 2015 quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể là: a) Luật sư; b) Người đại diện; c) Bào chữa viên nhân dân; d) Trợ giúp viên pháp lý. Như vậy, khi bị hại, đương sự thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý thì Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (miễn phí) khi họ có yêu cầu.

    1.2. Về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng

    1.2.1. Trách nhiệm bảo đảm quyền được TGPL cho đối tượng được TGPL theo quy định của BLTTHS

    BLTTHS năm 2015 (Điều 71) quy định cụ thể về trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ cho người tham gia tố tụng: “1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này. Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. 2. Việc thông báo, giải thích phải ghi vào biên bản.”.

    Liên quan vấn đề này, khoản 3 Điều 31 Luật TGPL năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung quy định rõ về thời hạn thông báo, thụ lý yêu cầu TGPL (Điều 29 Luật TGPL năm 2006 không quy định): “Trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của bị can, bị cáo, người bị hại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa phương. Ngay sau khi nhận được thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có trách nhiệm thụ lý theo quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật này và cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng”. Đây là những nội dung mới nhằm bảo đảm quyền của người được TGPL, cần hết sức lưu ý trong thực hiện, bởi sắp tới số lượng vụ việc TGPL được cơ quan tiến hành tố tụng thông báo gửi Trung tâm TGPL nhà nước sẽ tăng lên nhiều do Luật TGPL năm 2017 bổ sung quy định nhiều đối tượng mới thuộc diện được TGPL và BLTTHS năm 2015 cũng đã quy định mở rộng các trường hợp chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo.

    1.2.2. Yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm TGPL nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được TGPL trong trường hợp chỉ định người bào chữa.

    Điều 76 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm chỉ định người bào chữa đối với những đối tượng phạm tội thuộc diện được TGPL. Cụ thể:

    “1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ: a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

    2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này: a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa; b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình”.

    Như vậy, đối với những trường hợp phải chỉ định bào chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 76 BLTTHS năm 2015 mà thuộc vào 14 đối tượng thuộc diện được TGPL theo quy định tại Điều 7 Luật TGPL năm 2017 thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

    1.3. Chi phí tố tụng (Điều 135 BLTTHS năm 2015) và trách nhiệm chi trả chi phí tố tụng (Điều 136 BLTTHS năm 2015)

    BLTTHS năm 2015 (khoản 4 Điều 135) quy định cụ thể về chi phí tố tụng, có“chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa”. Theo đó, trong trường hợp chỉ định người bào chữa do Trung tâm TGPL nhà nước cử người bào chữa thì Trung tâm chi trả chi phí cho người bào chữa chỉ định (khoản 1 Điều 136 BLTTHS năm 2015).

    * Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, cần lưu ý :

    (1) Kiểm sát chặt chẽ việc giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cho đối tượng thuộc diện được TGPL theo quy định tại Điều 42 Luật TGPL năm 2017 và pháp luật tố tụng; việc thông báo yêu cầu TGPL cho Trung tâm TGPL nhà nước theo đúng thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật TGPL năm 2017 và việc chỉ định người chữa của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác đối với các đối tượng thuộc diện được TGPL theo quy định tại Điều 76 BLTTHS năm 2015, bảo đảm đúng đối tượng thuộc diện được TGPL theo quy định tại Điều 7 Luật TGPL năm 2017;

    (2) Thực hiện quyền yêu cầu, đề nghị, kiến nghị, kháng nghị đối với các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có vi phạm trong lĩnh vực TGPL.

    Trong giai đoạn truy tố:

    (1) Khi lấy lời khai của người bị buộc tội, bị can, người bị hại trong vụ án hình sự cần giải thích quyền được TGPL cho họ và giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL theo đúng quy định tại Điều 42 Luật TGPL năm 2017 và pháp luật tố tụng và hướng dẫn và cung cấp thông tin về địa chỉ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để họ thực hiện quyền yêu cầu được TGPL;

     (2) Khi nhận được yêu cầu TGPL, thực hiện việc thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước theo đúng thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật TGPL năm 2017;

    (3) Yêu cầu Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được TGPL đối với những trường hợp chỉ định người bào chữa trong giai đoạn truy tố đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 76 BLTTHS năm 2015, bảo đảm đúng đối tượng thuộc diện được TGPL theo quy định tại Điều 7 Luật TGPL năm 2017.

    (4) Thủ tục đăng ký bào chữa cho người thực hiện trợ giúp pháp lý phải được thực hiện theo quy định của Điều 78 BLTTHS năm 2015.

    (5) Trong trường hợp Viện kiểm sát chỉ định người bào chữa là người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 2 Điều 76 BLTTHS năm 2015 và Điều 7 Luật TGPL năm 2017, thì Trung tâm TGPL nhà nước thực hiện việc chi trả chi phí cho người bào chữa chỉ định (khoản 1 Điều 136 BLTTHS năm 2015).

    2. Trong lĩnh vực tố tụng dân sự

    2.1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý, tư cách pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong tố tụng dân sự

     BLTTDS năm 2015 (khoản 2  Điều 75) quy định những người sau đây được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự: (1) Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư; (2) Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Khi làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thẻ Trợ giúp viên pháp lý hoặc thẻ luật sư.

    Quy định này bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tương thích với quy định của Luật TGPL năm 20017 trong việc quy định về tư cách tham gia tố tụng dân sự của Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và với yêu cầu thực tiễn hoạt động TGPL.

    2.2. Trách nhiệm của nhà nước, Thẩm phán trong việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý theo quy định của BLTTDS năm 2015

    2.2.1. Trách nhiệm bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

     BLTTDS năm 2015 (khoản 3 Điều 9) đã quy định Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo quy định của pháp luật để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án. Quy định này để bảo đảm đối tượng thuộc diện được TGPL biết quyền và nghĩa vụ của mình, Nhà nước (trong đó có cơ quan, người thẩm quyền tiến hành tố tụng) có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án thông qua nhiều hình thức như giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL theo quy định tại Điều 42 Luật TGPL năm 2017, thông báo cho Trung tâm TGPL trong trường hợp họ có yêu cầu TGPL…

    2.2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong việc bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý cho đương sự

    BLTTDS năm 2015 (khoản 6 Điều 48) đã quy định Thẩm phán có trách nhiệm: “giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý” để đương sự biết và thực hiện quyền được yêu cầu TGPL theo quy định của pháp luật về TGPL.

    3. Trong lĩnh vực tố tụng hành chính

    3.1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý, tư cách pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong tố tụng hành chính

    Luật TTHC năm 2015 (khoản 2 Điều 61) tiếp thu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật TTHC năm 2010, tiếp tục quy định Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Khi làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thẻ Trợ giúp viên pháp lý hoặc thẻ luật sư.

    3.2. Trách nhiệm của nhà nước, Thẩm phán trong việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý theo quy định của tố tụng hành chính

    3.2.1. Trách nhiệm bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

    Luật TTHC năm 2015 (khoản 3 Điều 19) đã quy định Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án” để bảo đảm đối tượng thuộc diện được TGPL biết quyền và nghĩa vụ của mình, Nhà nước (trong đó có cơ quan, người thẩm quyền tiến hành tố tụng) có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án thông qua nhiều hình thức như giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL theo quy định tại Điều 42 Luật TGPL năm 2017, thông báo cho Trung tâm TGPL trong trường hợp họ có yêu cầu TGPL.

    3.2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong việc bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý cho đương sự

    Luật TTHC năm 2015 (khoản 6 Điều 38) đã quy định cụ thể Thẩm phán có trách nhiệm: “giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý” để đương sự biết và thực hiện quyền được yêu cầu TGPL theo quy định của pháp luật về TGPL.

    * Khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Viện kiểm sát các cấp cần lưu ý một số vấn đề như sau:

    - Tạo điều kiện cho đương sự có thể tiếp cận được với quyền TGPL thông qua viên thực hiện việc giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL cho đương sự theo quy định tại Điều 42 Luật TGPL năm 2017, thông báo cho Trung tâm TGPL trong trường hợp họ có yêu cầu TGPL.

    - Kiểm sát chặt chẽ việc giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL của Thẩm phán cho đương sự theo quy định tại Điều 42 Luật TGPL năm 2017, thông báo cho Trung tâm TGPL trong trường hợp họ có yêu cầu TGPL.

    4. Trong lĩnh vực thi hành tạm giữ, tạm giam

    4.1. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động TGPL (Điều 6 của Luật)

    Luật TGPL năm 2017 (khoản 2 Điều 6) đã quy định về 03 nhóm hành vi bị nghiêm cấm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động TGPL, đặc biệt Luật TGPL năm 2017 đã quy định về hành vi bị nghiêm cấm Đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động TGPL” (điểm c khoản 2 Điều 6) và Luật THTG, TG năm 2015 cũng đã quy định cụ thể về hành vi bị nghiêm cấm “cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý, để cấm các cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát thực hiện các hành vi đe dọa, cản trở, can thiệp trài pháp luật vào hoạt động TGPL nói chung, việc cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền  trợ giúp pháp lý nói riêng, qua đó cũng là để đề cao trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tôn trọng, tạo điều kiện để cho người bị tạm giữ, tạm giam được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

    4.2. Quyền được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý cho người bị tạm giữ, tạm giam (Điều 9 và Điều 16 Luật THTG, TG năm 2015)

    Luật THTG, TG năm 2015 đã quy định người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quyền Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý (Điều 9). Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam được tiếp nhận vào cơ sở giam giữ thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, giải thích quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý (Điều 16) để bảo đảm cho cơ sở giam giữ thực hiện trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, giải thích quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

    4.3. Trách nhiệm của nhà tạm giữ, trại tạm giam bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật THTG, TG năm 2015

     Luật TGPL năm 2017 quy định người được trợ giúp pháp lý có quyền “Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý” (khoản 2 Điều 8) và nhà tạm giữ, trại tạm giam có nhiệm vụ “chuyển yêu cầu, kiến nghị, đề nghị của người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết” (điểm d khoản 1 Điều 13). Theo đó, nhà tạm giữ, trại tạm giam có nhiệm vụ chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý của người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật TGPL năm 2017 để bảo đảm quyền của người được TGPL cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

    * Khi chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực thi hành tạm giữ, tạm giam, cần lưu ý:

    - Kiểm sát chặt chẽ việc hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý của cơ sở giam giữ đối vớic đối tượng thuộc diện được TGPL, việc chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý của nhà tạm giữ, trại tạm giam đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa phương khi được người bị tạm giữ, người bị tạm giam là đối tượng thuộc diện được TGPL yêu cầu, bảo đảm đúng thời hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật TGPL năm 2017.

    - Kiểm sát chặt chẽ hoạt động tư pháp, không để xảy ra các trường hợp đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động TGPL, nhất là việc cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý. Đồng thời, khi phát hiện vi phạm cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời; tùy theo tính chất mức độ vi phạm thực hiện quyền yêu cầu, đề nghị, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm qua đó bảo đảm quyền được TGPL của đối tượng thuộc diện được TGPL và đề cao trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tôn trọng, tạo điều kiện cho người bị tạm giữ, tạm giam được trợ giúp pháp lý.

     
    Báo quản trị |