Nội dung vụ án
Nguyễn Thị Phúc và Lê Thị Hồng cùng trú tại khu phố 6 của một thị trấn thuộc tỉnh Bình Phước có mối quan hệ là hàng xóm láng giềng với nhau.
Ngày 17/8/2011, Nguyễn Thị Phúc đến nhà Lê Thị Hồng vay số tiền 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng) và thế chấp 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BS553544 do Uỷ ban nhân dân (UBND) huyện cấp ngày 26/01/2011 và 01 sổ hộ khẩu, 01 giấy chứng minh nhân dân đều mang tên Nguyễn Thị Phúc (giấy vay tiền, BL số 23)
Hai người thỏa thuận hàng tháng Phúc phải trả cho bà Hồng 12.000.000đ (Mười hai triệu đồng) và thời hạn trả gốc là 03 tháng, bà Hồng lấy tiền và nói với Phúc viết giấy nợ, nhưng Phúc không viết mà nhờ con trai bà Hồng là Nguyễn Viết Đông viết, rồi đưa cho Phúc ký và ghi họ tên Nguyễn Thị Phúc ở phía dưới của giấy vay tiền. Khoảng 01 tháng, sau Phúc đến gặp bà Hồng hỏi mượn lại sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân nói là để làm công chuyện, bà Hồng đồng ý và nói con dâu (vợ của Đông) tên Huỳnh Thị Thu đi photocopy, giao lại bản chính cho Phúc, còn bà Hồng giữ bản photocopy. Sau khi mượn được số tiền, Phúc không trả tiền lãi và gốc cho bà Hồng, nên bà Hồng đã nhiều lần gặp Phúc để đòi lại tiền.
Khoảng tháng 3/1013 đến giữa năm 2013, Phúc đã gặp gỡ và thông qua bạn của Thu đặt vấn đề với Thu nếu lấy trộm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BS553544, thì Phúc cho tiền xài, nhưng Thu không lấy được. Do không lấy được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên khoảng đầu tháng 5/2013, Phúc tiến hành làm thủ tục để được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Ngày 09/5/2013 Phúc đến gặp Trần Ngọc Nguyên trú tại khu 4, thị trấn (quen biết Phúc) để hỏi thủ tục làm lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới. Anh Nguyên hướng dẫn Phúc đến UNND thị trấn xin mẫu đơn cớ mất, mang về nhờ anh Nguyên ghi nội dung, rồi mang đến gặp ông Nguyễn Văn Thao là tổ trưởng tổ an ninh khu phố 6 xác nhận và ông Vương Hoàng Vinh là tổ phó khu phố 6 nhờ xác nhận. Sau đó, Phúc mang đơn đến công an thị trấn xác nhận việc bị mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tiếp tục đến Đài phát thanh truyền hình tỉnh Bình Phước ký hợp đồng thông báo mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà Hồng phát hiện việc làm của Phúc, nên đến trình báo với UBND thị trấn.
Ngày 14/8/2013, UBND thị thấn mời bà Hồng và Phúc đến trụ sở để giải quyết. Tại đây, Phúc khẳng định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không cầm cố cho bà Hồng và giấy vay tiền đề ngày 17/8/2011 có chữ ký và ghi tên Nguyễn Thị Phúc do bà Hồng cung cấp là do bà Hồng ngụy tạo ra, Phúc hoàn toàn không viết và ký. Ngày 19/8/2013 UBND thị trấn ra quyết định về việc trả lại đơn xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phúc.
Phúc cho rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để trong tủ ở nhà bị mất, không biết mất thời gian nào và cũng không biết ai lấy, không có cầm cố, thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này cho ai, không thừa nhận chữ ký và chữ viết Nguyễn Thị Phúc là do Phúc ký, do đó Phúc đã làm đơn tố cáo bà Hồng gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết về hành vi làm giả giấy tờ nhằm chiếm đoạt tài sản, giấy tờ hợp pháp của Phúc. Cụ thể Phúc đã gửi đơn đến Công an huyện; Viện KSND huyện; Công an tỉnh Bình Phước; Viện KSND tỉnh BìnhPhước;Bí thư tỉnh ủy Bình Phước; Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước; Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước; ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an.
Ngày 18/8/2013, bà Hồng làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Phúc và Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện đã thu thập tài liệu gửi Phân Viện khoa học hình sự Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết Nguyễn Thị Phúc.
Tại bản kết luận giám định số 274 ngày 13/02/2014 của Phân Viện khoa học hình sự Bộ Công an tại TP.Hồ Chí Minh xác định: “Chữ ký và chữ viết họ tên Nguyễn Thị Phúc trên giấy vay tiền đề ngày 17/8/2011 với mẫu so sánh chữ ký và chữ viết họ tên Nguyễn Thị Phúc là do cùng một người viết ra”.
Quyết định khác nhau về vụ án
- Thứ nhất, việc nhận định, đánh giá để hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước là chưa phù hợp với các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra, như:
+ Không có quyết định phân công Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT do đồng Thủ trưởng đi vắng có Uỷ quyền cho đồng chí Phó thủ trưởng theo thời gian, nên không có quyết định phân công cụ thể trong vụ án (giấy ủy quyền này không đưa vào hồ sơ). Thiếu sót về thủ tục tố tụng này theo Thông tư liên tịch số 05 thì vẫn bổ sung trong quá trình truy tố, xét xử và theo Thông tư số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 không cần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.
+ Kết luận giám định đã thông báo cho bị cáo biết ngay khi khởi tố điều tra, bị cáo đã biết và yêu cầu giám định lại với lý do “Sao không lấy trực tiếp chữ ký và chữ viết của bị cáo đi giám định” Điều tra viên và Thẩm phán đã giải thích cho bị cáo lý do này không có cơ sở nên cấp sơ thẩm không có căn cứ để quyết định giám định lại.
+ Về nội dung bản án phúc thẩm cho rằng chưa điều tra làm rõ:
* Người viết giấy vay tiền là Nguyễn Viết Đông đã khai nhận trong quá trình điều, xét xử;
* Bà Hồng thống nhất với lời khai của Huỳnh Thị Thu Thu về việc thỏa thuận cấn trừ nợ 200.000.000đ của Nguyễn Viết Đông va Huỳnh Thị Thu với bị cáo, nhưng bị cáo xác định không có nội dung này và việc vay nợ của Đông và Thu là chuyện quan hệ riêng của bị cáo không liên quan đến bà Hồng, bị cáo không vay mượn và cũng không viết giấy và thế chấp quyền sử dụng đất cho bị hại, trong hồ sơ cũng thể hiện nội dung này và tại phiên tòa đã làm rõ không liên quan đến việc cấn trừ nợ;
* Lời khai của các nhân chứng Đông, Thu, Trang, Hồng có quan hệ thân thiết với bị hại Hồng và có đối kháng về quyền lợi với bị cáo, nhưng phù hợp với các chứng cứ khác như giấy vay tiền, làm thủ tục cấp lại quyền sử dụng đất, mâu thuẫn của Hồng và bị cáo xảy ra đã lâu, đã thân thiết trở lại nên. Như vậy các lời khai này là khách quan, không bịa đặt ra vu khống bị cáo;
* Bị cáo hứa với Thu lấy được sổ cho mười triệu xài, và nói với Hồng nếu Thu đưa sổ cho 5-7 triệu xài chứ không phải mâu thuẫn về số tiền.
* Chuỗi hành vi mà bị cáo thực hiện là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền 200.000.000đ của bị hại, và thiệt hại đã xảy ra, bị cáo đã quản lý sử dụng số tiền vay nên không thể nhận định không có thiệt hại xảy ra.
* Các nội dung mà Bản án phúc thẩm đánh giá cấp sơ thẩm điều tra chưa đầy đủ là chưa chính xác vì tất cả các nội dung cần điều tra làm rõ đã có trong hồ sơ vụ án và đã được kiểm tra tại phiên tòa.
- Thứ hai, vấn đề cơ bản trong vụ án này là việc xác định hành vi của Phúc có phạm tội hay không? Hiện nay có hai quan điểm khác nhau như sau:
+ Hành vi vay 200.000.000đ của Phúc có thế chấy giấy CNQSDĐ là hợp đồng dân sự, mặc dù Phúc không thừa nhận chữ ký trong tờ giấy và hợp đồng vay mượn này, nhưng căn cứ kết quả giám định, lời khai của bị hại, nhân chứng, thấy có đủ căn cứ để xác định sự việc này. Các thủ đoạn gian dối của Phúc như thuê chị Thu lấy trộm giấy CNQSDĐ, làm các thủ tục xin cấp lại giấy CNQSDĐ nhằm chiếm đoạt 200.000.000đ có đủ các dấu hiệu của tội tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 1 (quy định cấu thành cơ bản) và điểm a khoản 3 (quy định về cấu thành tăng nặng) Điều 140 BLHS.
+ Hành vi vay 200.000.000đ của Phúc có thế chấy giấy CNQSDĐ là hợp đồng dân sự có thế chấp tài sản. Các thủ đoạn gian dối của Phúc chưa thực hiện được việc chiếm đoạt giấy CNQSDĐ do bà Hồng đang giữ, việc làm lại giấy CNQSDĐ nhằm vào chủ thể các cơ quan Nhà nPhúc và đã bị phát hiện ngăn chặn. Mặc dù Phúc không thừa nhận chữ ký trong tờ giấy và hợp đồng vay mượn, nhưng căn cứ kết quả giám định, lời khai của bị hại, nhân chứng, thấy có đủ căn cứ để xác định sự việc Phúc đã vay tiền của bà Hồng và vụ việc nên chuyển qua Tòa án xét xử vụ án dân sự.
(Một số tên thật nhân vật đã thay đổi).
mong anh, chi tham gia góp ý kiến bình luận!
Cập nhật bởi hoangcong103 ngày 23/09/2015 09:49:17 SA