Thông qua công tác kiểm sát xét xử giám đốc thẩm vụ án dân sự: “Tranh chấp về quyền sử dụng đất”, giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị L với bị đơn là ông Nguyễn Văn S, bị TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.
1. Nội dung vụ án
Nguyên đơn trình bày: Năm 2001, Ban Quản lý dự án trồng rừng huyện Đ, tỉnh Q giao cho hộ ông Trần Văn D (con trai bà Nguyễn Thị L) diện tích đất 1,5 ha tại Tiểu khu 512, khoảnh 8, tờ bản đồ số 1 thuộc thôn 3, xã Z, huyện Đ, tỉnh Q để trồng cây keo. Năm 2011, ông Trần Văn D bán số keo trên diện tích đất được giao cho ông Nguyễn Văn S với giá 15.000.000 đồng. Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Văn S có thầu xây dựng nhà cho gia đình ông Trần Văn D, nhưng gia đình ông Trần Văn D đã thanh toán tiền công, không còn nợ tiền ông Nguyễn Văn S. Mục đích bán keo là để dọn đất trồng lại rừng, không phải để trừ vào tiền công làm nhà của ông Nguyễn Văn S. Đến năm 2012, ông Trần Văn D bị bệnh qua đời. Lúc đó, do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có ai tiếp tục canh tác diện tích đất nêu trên nên nhân cơ hội này, ông Nguyễn Văn S sau khi khai thác số cây keo mua của ông Trần Văn D, đã tiến hành trồng lại keo trên diện tích đất này. Đến năm 2013, bà Trần thị T (chị ông Trần Văn D) đưa cán bộ địa chính xã Z, huyện Đ, tỉnh Q đến đo đạc lại diện tích đất được giao cho hộ ông Trần Văn D để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình, thì được biết số keo khoảng 03 tháng tuổi trên đất là do ông Nguyễn Văn S trồng. Bà Trần Thị T nhiều lần yêu cầu ông Nguyễn Văn S trả lại đất nhưng ông Nguyễn Văn S không đồng ý với lý do ông Trần Văn D đã chuyển nhượng diện tích trên cho ông Nguyễn Văn S. Bà Trần Thị T làm đơn khiếu nại, UBND xã Z, huyện Đ, tỉnh Q tổ chức hòa giải nhưng không thành. Sau đó, bà Nguyễn Thị L (mẹ bà Trần Thị T và ông Trần Văn D) khởi kiện đến TAND huyện Đ, tỉnh Q, yêu cầu Tòa án buộc ông Nguyễn Văn S phải trả lại diện đất là 1,5 ha tại Tiểu khu 512, khoảnh 8, tờ bản đồ số 1 xã Z, huyện Đ, tỉnh Q cho gia đình bà Nguyễn Thị L. Sau khi Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, qua đo đạc, đã xác định diện tích đất tranh chấp thực tế là 10.722m2 và tài sản trên đất là 3.216m2 cây keo dâm hom mới trồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc ông Nguyễn Văn S phải phá bỏ các tài sản trên đất và trả lại diện tích đất 10.722m2.
Bị đơn trình bày: Năm 2010, ông Nguyễn Văn S làm nhà cho ông Trần Văn D. Do không có số tiền 12.600.000 đồng để trả tiền công nên ông Trần Văn D đã bán số cây keo trên diện đất như nêu ở trên cho ông Nguyễn Văn S với giá 3.500.000 đồng. Tiếp đó, ông Trần Văn D chuyển nhượng luôn diện tích đất trồng keo cho ông Nguyễn Văn S với giá 30.000.000 đồng. Tại thời điểm chuyển nhượng, hai bên chỉ trao đổi miệng, không lập thành văn bản. Hai bên thỏa thuận, ông Nguyễn Văn S trả trước 15.000.000 đồng được trừ vào tiền công làm nhà; 15.000.000 đồng còn lại, ông Nguyễn Văn S đã nhiều lần thanh toán cho bà Trần Thị T và bà Nguyễn Thị L, nhưng do tin tưởng nên không yêu cầu viết giấy nhận tiền. Ông Nguyễn Văn S không đồng ý trả lại diện tích đất 10.722m2 cho bà Nguyễn Thị L.
2. Quá trình giải quyết vụ án
Bản án dân sự sơ thẩm số 49/2017/DS-ST ngày 26/9/2017 của TAND huyện Đ, tỉnh Q quyết định:
“Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị L về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” đối với ông Nguyễn Văn S.
Công nhận diện tích đất tranh chấp 10.722m2 thuộc khoảnh 8, Tiểu khu 512, tờ bản đồ số 01, xã Z, huyện Đ, tỉnh Q thuộc quyền quản lý, sử dụng của gia đình bà Nguyễn Thị L.
Buộc gia đình bà Nguyễn Thị L phải hoàn trả lại cho ông Nguyễn Văn S và bà Trần Thị H số tiền 30.000.000 đồng.
Về tài sản trên đất: Giao toàn bộ số keo trên diện tích đất 10.722m2 cho gia đình bà Nguyễn Thị L được quyền sở hữu. Gia đình bà L phải có nghĩa vụ hoàn trả giá trị keo trên đất cho ông Nguyễn Văn S và bà Trần Thị H với số tiền 9.648.000 đồng. Tổng cộng số tiền gia đình bà Nguyễn Thị L phải trả cho ông S, bà H là 39.648.000 đồng.”
Ngày 01/10/2019, Chánh án TAND tỉnh Q có Công văn số 414/2019/CV-KN kiến nghị Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án nêu trên.
Quyết định Giám đốc thẩm số 41/2020/DS-GĐT ngày 06/7/2020 của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 16/2020/KN-DS ngày 29/5/2020 của Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng, hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 49/2019/DS-ST ngày 26/9/2017 của TAND huyện Đ, tỉnh Q; giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Đ, tỉnh Q để giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
3. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Tại điểm b Điều 3 của Hợp đồng khoán trồng rừng và bảo vệ rừng giữa Ban Quản lý dự án trồng rừng Đ, tỉnh Q với hộ ông Trần Văn D, quy định: “….Khi chủ hộ thấy mình không có khả năng quản lý, sử dụng diện tích đã được giao thì báo cáo cho Ban Quản lý dự án để giải quyết và giao cho người khác quản lý và sử dụng”. Như vậy, việc ông Trần Văn D tự ý chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất nhận khoán với Ban Quản lý dự án cho ông Nguyễn Văn S là không đúng.
Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm xác định có việc chuyển nhượng giữa ông Trần Văn D và ông Nguyễn Văn S và nhận định giao dịch này vô hiệu (do vi phạm điều cấm), nhưng quyết định thì tuyên công nhận diện dích đất thuộc về quyền quản lý sử dụng của gia đình bà Nguyễn Thị L; buộc gia đình bà Nguyễn Thị L phải hoàn trả lại 30.000.000 đồng (tiền chuyển nhượng đất) và thối trả giá trị tài sản (cây keo) trên đất là 9.648.000 đồng cho vợ chồng ông Nguyễn Văn S, bà Trần Thị H, trong khi chưa tuyên bố giao dịch trên là vô hiệu, cũng như chưa giải quyết triệt để hậu quả pháp lý về nghĩa vụ trả lại đất, việc bồi thường thiệt hại theo mức độ lỗi đối với giao dịch dân sự vô hiệu là thiếu sót (cần lưu ý trong trường hợp này, việc giải quyết hậu quả pháp lý nêu trên không đơn thuần dựa vào việc có hay không có yêu cầu cụ thể của bị đơn, vì bị đơn không đồng ý trả lại đất cho nguyên đơn mà đề nghị theo hướng xác định giao dịch chuyển nhượng đất có hiệu lực, nên không thể nêu ra yêu cầu ngược lại).
Đối với diện tích đất tranh chấp, các bên không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ có Hợp đồng khoán trồng rừng và bảo vệ rừng do Bản Quản lý dự án khoán cho ông Trần Văn D. Hiện tại, diện tích đất vẫn do UBND xã Z, huyện Đ, tỉnh Q quản lý. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên công nhận diện tích đất tranh chấp thuộc về quyền quản lý, sử dụng của gia đình bà Nguyễn Thị L là không chính xác. Do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là UBND xã Z, huyện Đ, tỉnh Q (chủ thể quản lý đất) không có yêu cầu độc lập đối với diện tích đất mà các bên tranh chấp, đồng thời chưa có văn bản pháp lý nào thể hiện đã chấm dứt Hợp đồng khoán trồng rừng và bảo vệ rừng đối với hộ ông Trần Văn D, nên trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm nhận định giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu như trên thì chỉ tuyên các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định. Trường hợp sau này có phát sinh tranh chấp về Hợp đồng khoán rừng và bảo vệ rừng thì sẽ được cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh tại các cơ quan chức năng có liên quan về việc không đồng nhất giữa các thông số vị trí thửa đất tranh chấp thể hiện theo các giấy tờ, tài liệu, hiện trạng sử dụng đất.
Bên cạnh đó, tại hồ sơ vụ án thể hiện việc khoán trồng rừng và bảo vệ rừng là cho hộ gia đình ông Trần Văn D vào năm 2001, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ hộ gia đình ông Trần Văn D gồm những ai để xem xét đưa họ vào tham gia tố tụng cho đầy đủ.
Theo Cổng thông tin điện tử VKSNDTC