Pháp luật Lao động có những quy định để bảo vệ người lao động nữ trong thời gian mang thai tại Điều 155 và điểm d khoản 4 Điều 123 Bộ Luật Lao động 2012
Như vậy tại thời điểm người lao động mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi người sử dụng lao động không thể áp dụng bất cứ biện pháp kỷ luật nào. Tuy nhiên nếu người lao động vi phạm gây ảnh hưởng lớn đến công ty và lợi dụng việc mang thai để tránh mọi biện pháp kỷ luật sẽ gây bất lợi cho người sử dụng lao động. Vì vậy Bộ Luật lao động vẫn có quy định có thể kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật, cụ thể tại khoản 2 Điều 124 Bộ Luật Lao động 2012:
“2. …
Khi hết thời gian quy định tại điểm d khoản 4 Điều 123, mà thời hiệu xử lý kỷ luật lao động đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.”
Bên cạnh đó tại khoản 1 Điều 124 cũng quy định về những hành vi vi phạm liên quan đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh thì thời hiệu xử lý sẽ là 12 tháng và kéo dài thêm tối đa 60 ngày. Đến thời điểm đó người lao động nữ đã sinh con và nuôi con đủ 12 tháng thì có thể thành lập hội đồng xử lý kỷ luật.
Trường hợp đã áp dụng theo các quy định trên nhưng người lao động nữ nuôi con chưa đủ 12 tháng thì vẫn có thể áp dụng khoản 2 Điều 29 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:
“2. Khi hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, mà thời hiệu xử lý kỷ luật đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.”
Nếu sau khoảng thời gian kéo dài thời hiệu trên, người lao động nữ vẫn đang trong khoảng thời gian nuôi con dưới 12 tháng thì sẽ không thể áp dụng các biện pháp kỷ luật.