Chào bạn bryanzhuang cùng Ls.Bùi Công Thành,
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến tư vấn của Ls Thành,
Tuy nhiên tôi sẽ nói rõ hơn một chút và đề cập đến trường hợp công nhân công ty của bạn yêu cầu phải có 30 phút nghỉ giữa ca có được xem là "Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc có hưởng lương" hay không? để bạn tham khảo nhé!
Công ty bạn hiện nay đang áp dụng thời gian làm việc như sau:
- Sáng từ 8:00 đến 11:15 = 3 giờ 15 phút
- Công nhân được nghỉ ăn trưa tại nhà ăn của công ty từ 11:15 đến 12:00 = 45 phút
- Chiều làm việc bắt đầu từ 12:00 đến 16:30 = 4 giờ 30 phút
=> Tổng thời gian làm việc có hưởng lương trong ngày là: 3 giờ 15 phút + 4 giờ 30 phút = 7 giờ 45 phút.
=> Thời gian nghỉ ăn trưa là: 45 phút (không xem là thời giờ làm việc có hưởng lương)
Nay có một số công nhân yêu cầu phải có 30 phút nghỉ giữa ca do theo Luật lao động qui định thì thời gian làm việc liên tục 8 tiếng thì sẽ có 30 phút nghỉ giữa ca này và bạn cũng đã tìm hiểu và được biết công ty tôi hiện đang không có áp dụng hình thức làm việc liên tục 8 tiếng mặc dù công nhân phải ở lại công ty liên tục 8 tiếng 30 phút.
Dựa vào các căn cứ pháp lý sau đây:
Căn cứ khoản 1, Điều 68 của Bộ Luật Lao động và khoản 1, Điều 3 Chương II, Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi quy định: "Thời giờ làm việc trong điều kiện lao động, môi trường lao động bình thường là:
- Không quá tám giờ trong một ngày;
- Không quá 48 giờ trong một tuần."
Và khoản 3, Điều 3, Chương II, Nghị định số 195/CP:
"Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc có hưởng lương bao gồm:
- Thời giờ nghỉ giữa ca làm việc;
- Thời giờ nghỉ giải lao theo tính chất của công việc;..."
Căn cứ khoản 1, Điều 71 của Bộ Luật Lao động quy định về thời giờ nghỉ ngơi:
"Người lao động làm việc 8 giờ liên tục thì được nghỉ ít nhất nửa giờ, tính vào giờ làm việc;..."
Căn cứ Điều 7, Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 quy định:
" Thời giờ nghỉ theo Điều 71 của Bộ Luật Lao động được quy định như sau:
- 30 phút nếu làm việc 8 giờ liên tục trong điều kiện bình thường; hoặc làm việc 7 giờ, 6 giờ liên tục trong trường hợp được rút ngắn thời giờ làm việc.
- 45 phút nếu làm việc liên tục vào ban đêm từ 22 giờ đến 6 giờ hoặc từ 21 giờ đến 5 giờ."
Căn cứ khoản 1, Mục I, Thông tư 07-LĐTBXH/TT của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Bộ luật lao động ngày 23/6/1994 và Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi quy định:
"Nghỉ giữa ca.
Thời gian nghỉ giữa ca nêu tại Điều 7 của Nghị định số 195-CP được coi là thời giờ làm việc trong ca liên tục 8 giờ trong điều kiện bình thường hoặc làm việc 7 giờ; 6 giờ liên tục trong trường hợp được rút ngắn. Thời gian nghỉ cụ thể tuỳ thuộc vào tổ chức lao động của đơn vị, doanh nghiệp, không nhất thiết mọi người lao động phải nghỉ cùng một lúc giữa ca,..."
Đối chiếu với điều luật trên thì công ty bạn không bị điều chỉnh bởi các quy định tại khoản 1, Điều 71 của Bộ Luật Lao động và Điều 7, Nghị định số 195/CP do thời giờ làm việc trong ca không liên tục trong 8 giờ mà đã bị gián đoạn bởi thời gian người lao động nghỉ ăn trưa hết 45 phút (từ 11:15 đến 12:00 giờ) nên theo các quy định trên không ràng buộc công ty của phải cho người lao động nghỉ giữa ca 30 phút vì vậy sẽ không áp dụng quy định về thời giờ được tính vào thời giờ làm việc có hưởng lương trong trường hợp nghỉ giữa ca làm việc (theo khoản 3, Điều 3, Chương II, Nghị định số 195/CP) đối với trường hợp này.
Chỉ khi nào Công ty của bạn áp dụng thời giờ làm việc trong ca liên tục 8 giờ trong điều kiện bình thường hoặc làm việc 7 giờ; 6 giờ liên tục trong trường hợp được rút ngắn thì mới thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 71 của Bộ Luật Lao động và Điều 7, Nghị định số 195/CP. Lúc này mới bắt buộc người sử dụng lao động phải cho người lao động nghỉ giữa ca 30 phút và khi đó thời gian nghỉ giữa ca (30 phút) mới được tính vào thời giờ làm việc có hưởng lương (theo khoản 3, Điều 3, Chương II, Nghị định số 195/CP).
Xin được thông tin thêm với bạn rằng các trường hợp còn lại của (khoản 3, Điều 3, Chương II, Nghị định số 195/CP) thì thời giờ được tính vào thời giờ làm việc có hưởng lương bao gồm:
"- Thời giờ nghỉ giải lao theo tính chất của công việc;
- Thời giờ nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người;
- Thời giờ nghỉ mỗi ngày 60 phút đối với người lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
- Thời giờ nghỉ mỗi ngày 30 phút đối với người lao động nữ trong thời gian hành kinh;
- Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động;
- Thời giờ học tập, huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
- Thời giờ hội họp, học tập do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động cho phép."
Trên đây là một số nội dung trao đổi cùng bạn, nếu có gì chưa rõ bạn có thể liên lạc với tôi qua email: lsgiadinh@gmail.com.
Chúc bạn thành công,