Thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên của cán bộ, công chức, viên chức

Chủ đề   RSS   
  • #614091 16/07/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 501 lần


    Thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên của cán bộ, công chức, viên chức

    Nâng lương định kỳ là quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thời hạn nâng lương thường xuyên có thể bị kéo dài

    (1) Chế độ nâng bậc lương

    Chế độ nâng bậc lương là quyền lợi chính đáng dành cho cán bộ, công chức, viên chức khi đã làm việc có thâm niên tại các cơ quan, đơn vị của nhà nước. Theo quy định của pháp luật, mỗi ngành mỗi việc sẽ có thời hạn được xét nâng bậc lương khác nhau.

    Theo đó, khoản 1 Điều 2 Văn bản hợp nhất 2/VBHN-BNV 2022 quy định, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, chức danh chuyên gia cao cấp và chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát hiện giữ, thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và đạt đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên. 

    (2) Thời gian không được tính để xét nâng lương thường xuyên

    Kéo dài thời hạn nâng lương thường xuyên như một hình phạt bổ sung kèm theo, đánh vào thời hạn được nâng lương thường xuyên của cán bộ, công chức, viên chức khi họ không hoàn thành tốt nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc khi bị kỷ luật.

    Theo đó, tại điểm c khoản 1 Điều 2 Văn bản hợp nhất 2/VBHN-BNV 2022 quy định, thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên bao gồm:

    - Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương

    - Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định

    - Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác ngoài quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Văn bản hợp nhất 2/VBHN-BNV 2022

    - Thời gian tập sự (bao gồm cả trường hợp được hưởng 100% mức lương của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tập sự)

    - Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ

    - Thời gian thử thách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo; trường hợp thời gian thử thách ít hơn thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên thì tính theo thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên

    - Thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành của pháp luật

    Như vậy, khi cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian làm việc mà có những khoảng thời gian rơi vào các trường trường hợp trên thì khoảng thời gian đó sẽ không được tính để xét nâng lương.

    Ví dụ: Công chức được chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh trong 36 tháng (03 năm) giữ bậc lương trong ngạch hoặc chức danh  thì sẽ được xét nâng bậc lương thường xuyên. Tuy nhiên nếu trong 36 tháng đó có 06 tháng là thời gian thử thách do công chức bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì thời gian 06 tháng này sẽ không được tính vào thời hạn chưa xếp bậc lương cuối cùng.

    Cần lưu ý một điểm đó là tổng các loại thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên được tính tròn tháng, nếu có thời gian lẻ không tròn tháng thì được tính như sau:

    - Dưới 11 ngày làm việc (không bao gồm các ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động) thì không tính

    - Từ 11 ngày làm việc trở lên tính bằng 01 tháng

    Ngoài ra, khi cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị áp dụng các hình thức kỷ luật thì thời hạn nâng bậc lương thường xuyên cũng sẽ bị kéo dài.

    (3) Các trường hợp bị kéo dài thời hạn xét nâng bậc lương thường xuyên

    Theo khoản 2 Điều 2 Văn bản hợp nhất 2/VBHN-BNV 2022, trong thời gian giữ bậc lương hiện hưởng, nếu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền là không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên. Cụ thể:

    Kéo dài thêm 03 tháng

    Đây là khoản thời gian bị kéo dài thời hạn xét nâng bậc lương thường xuyên khi viên chức bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách

    Kéo dài thêm 06 tháng

    Thời hạn xét nâng bậc lương thường xuyên bị kéo dài 06 tháng trong các trường hợp sau đây:

    - Cán bộ, công chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo;

    - Viên chức bị kỷ luật cảnh cáo;

    - Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 tháng.

    Kéo dài thêm 12 tháng

    Theo đó, thời hạn nâng bậc lương thường xuyên  kéo dài 12 tháng đối với các trường hợp sau đây

    - Cán bộ bị kỷ luật cách chức

    - Công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức

    - Viên chức và người lao động bị kỷ luật cách chức

    Cần lưu ý, khi cán bộ, công chức, viên chức vừa rơi vào trường hợp vừa bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ vừa bị kỷ luật thì thời hạn kéo dài nâng bậc lương thường xuyên sẽ là tổng thời gian bị kéo dài.

    Trường hợp bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ do bị kỷ luật (cùng một hành vi vi phạm) thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo hình thức kỷ luật tương ứng,

    Ngoài ra, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đảng viên bị kỷ luật Đảng, nếu đã có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật hành chính; nếu không có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật Đảng tương ứng với các hình thức xử lý kỷ luật hành chính quy định.

    Như vậy, khi cán bộ, công chức, viên chức thuộc rơi vào các trường hợp trên thì sẽ bị kéo dài thời hạn nâng bậc lương thường xuyên.

    Việc kéo dài thời hạn nâng lương của cán bộ, công chức, viên chức cần được xem xét một cách cẩn trọng, đảm bảo cân bằng giữa quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức và điều kiện ngân sách nhà nước.

    Cần có những giải pháp phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc kéo dài thời hạn nâng lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, chất lượng cao.

     
    1254 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (03/10/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận