Hiện nay vẫn còn nhiều tranh chấp về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu tài sản trên thực tế. Vậy theo quy định của pháp luật, thời điểm chuyển giao quyền sở hữu tài sản được xác định như thế nào.
1. Thế nào là chuyển giao quyền sở hữu tài sản?
Hiện nay, pháp luật nước ta chưa có định nghĩa thế nào là chuyển giao quyền sở hữu tài sản nhưng ta có thể hiểu chuyển giao quyền sở hữu tài sản là việc bên bán chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình cho bên mua. Như vậy, sau khi được chuyển quyền sở hữu thì bên mua sẽ trở thành người chủ thực sự đối với những hàng hóa đó với đầy đủ các quyền của chủ sở hữu. Việc xác định tời điểm chuyển giao quyền sở hữu tài sản có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân, tổ chức trong việc xác định tài sản và giải quyết tranh chấp.
2. Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu tài sản
Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu tài sản được quy định tại điều 62 Luật Thương mại 2005 là “Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận, quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao”. Còn trong Bộ luật Dân sự 2015, thời điểm chuyển giao tài sản là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản.
Về cơ bản thì quyền sở hữu tài sản được chuyển từ bên bán sang bên mua từ thời điểm tài sản được chuyển giao. Tuy nhiên, trên thực tế có một số loại tài sản mang tính chất đặc biệt nên quy định về việc chuyển giao cũng sẽ có quy định đặc trưng riêng của chúng. Cụ thể như sau:
2.1. Đối với hàng hóa là đối tượng dùng thử
Theo điều 452 Bộ luật dân sự 2015 thì khi mua bán hàng hóa các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua sẽ nhận hàng hóa và dùng thử trong một khoản thời gian, sau thời gian dùng thử đó bên mua mới quyết định có mua hàng hóa hay không. Tuy nhiên trong trường hợp này dù đã được chuyển giao tài sản nhưng bên mua vẫn chưa là chủ sở của hàng hóa, quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về bên bán, nhưng quyền của bên bán đối với tài sản bị hạn chế như không thể bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp, cầm cố. Nên mặc dù bên bán đã thực hiện giao hàng cho bên mua nhưng đây chưa phải thời điểm chuyển quyền sở hữu, mà quyền sở hữu chỉ được chuyển cho bên mua khi bên mua trả lời đồng ý mua và thực hiện việc thanh toán hoặc hết thời hạn dùng thử mà bên mua không trả lời thì coi như đã chấp nhận mua và thanh toán cho bên bán.
2.2. Đối với hàng hóa là đối tượng của mua trả chậm, trả dần
Theo khoản 1 Điều 453 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nếu các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đây là trường hợp bên bán chuyển giao hàng hóa cho bên mua và bên mua sẽ thanh toán cho bên bán nhưng không phải toàn bộ giá trị hàng hóa mà chỉ một phần và sẽ tiếp tục thanh toán phần còn lại cho bên bán cho đến khi đủ giá trị hàng hóa kèm theo một khoản lãi nếu có. Trong trường hợp này bên mua dù đã được chuyển giao hàng hóa nhưng quyền sở hữu vẫn thuộc về bên bán cho đến khi bên mua thanh toán hết số tiền.
2.3. Đối với hàng hóa phải đăng ký quyền sở hữu
Đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu như ô tô, xe máy, tàu thủy,… thì quyền sở hữu đối với các hàng hóa đó sẽ được pháp luật công nhận khi các bên tiến hành đăng ký sang tên chuyển quyền sở hữu.
2.4. Đối với tài sản là bất động sản
Các tài sản là bất động sản sẽ có quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu riêng trong từng trường hợp cụ thể đối với từng hình thức mua bán (góp vốn, tặng cho, mua thông qua chủ đầu tư,…). Nhưng nhìn chung, thời điểm chuyển quyền sở hữu của loại tài sản này là thời điểm các bên bàn giao tài sản, giao nhận các chứng từ quyền sở hữu để chứng minh tình trạng pháp lý của tài sản và thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán. Hoặc thời điểm hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu nếu là tài sản phải đăng ký theo luật định.