Thời điểm chấm dứt hôn nhân luôn chứa đựng ý nghĩa pháp lý quan trọng vì thông qua thời điểm chấm dứt hôn nhân giúp xác định thời điểm chấm dứt các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ và chồng.
Theo quy định của pháp luật, hôn nhân chấm dứt từ ngày quyết định, bản án xử cho vợ chồng ly hôn của Toà án có hiệu lực pháp luật.
Bản án sơ thẩm, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị (khoản 2 Điều 282 BLTTDS).
Bản án xử cho vợ chồng ly hôn của Toà án cấp sơ thẩm có thể kháng cáo theo trình tự phúc thẩm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên toà hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tình từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên toà nhưng vắng mặt khi Toà án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tình từ ngày tuyên án (khoản 1 Điều 273 BLTTDS).
Ngoài ra, thời hạn kháng nghị đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên là 1 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên toà thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án (khoản 1 Điều 280 BLTTDS).