Thỏa thuận làm việc 14 ngày/tháng trong Hợp đồng lao động để không đóng BHXH được không?

Chủ đề   RSS   
  • #610789 19/04/2024

    Thỏa thuận làm việc 14 ngày/tháng trong Hợp đồng lao động để không đóng BHXH được không?

    Thỏa thuận cho người lao động làm việc 14 ngày/tháng trong hợp đồng lao động có vi phạm pháp luật? Người sử dụng lao động làm việc 14 ngày/tháng thì không cần đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?

    1. Thỏa thuận ngày làm việc trong hợp đồng lao động.

    Khái niệm hợp đồng lao động được quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

    - Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

    Tại Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định các nội dung chủ yếu có trong hợp đồng lao động gồm:

    - Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

    - Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

    - Công việc và địa điểm làm việc;

    - Thời hạn của hợp đồng lao động;

    - Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

    - Chế độ nâng bậc, nâng lương;

    - Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

    - Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

    - Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

    - Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

    Pháp luật lao động cho phép người sử dụng lao động và người lao động được thỏa thuận các nội dung trong hợp đồng lao động nhưng phải có các nội dung chủ yếu như trên. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động cũng là một trong những nội dung phải có trong hợp đồng lao động.

    Hiện nay, pháp luật lao động quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi tại mục 1, mục 2 Chương VII Bộ luật Lao động 2019. Không có quy định về thời gian tối thiểu mà người lao động phải làm việc trong tháng khi giao kết hợp đồng lao động.

    Như vậy, người sử dụng lao động và người lao động giao kết hợp đồng lao động với thời gian làm việc 14 ngày trong tháng không vi phạm quy định của pháp luật lao động.

    2. Làm việc 14 ngày/tháng thì không cần đóng bảo hiểm xã hội?

    Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 trong đó bao gồm đối tượng người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn.

    Tại khoản 3 Điều 85 và khoản 4 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:

    - Người lao động không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người sử dụng lao động và người lao động không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.

    Quy định này gây ra một sự hiểu lầm có thể lách Luật Bảo hiểm xã hội bằng cách người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động trong hợp đồng lao động chỉ làm việc 14 ngày trên tháng để số ngày nghỉ trong tháng nhiều hơn 14 ngày, từ đó họ không cần đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định này.

    Tuy nhiên, đây lại là một sự hiểu lầm tai hại. Bởi lẽ quy định nói trên chỉ áp dụng cho người lao động không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, có nghĩa là chỉ tính những ngày người lao động phải làm việc và được hưởng lương theo hợp đồng lao động chứ không phải tất cả các ngày trong tháng. Do đó, người lao động và người sử dụng lao động trong trường hợp này vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định nếu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

    Đối với hành vi vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 5 và khoản 10 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

     
     
    1312 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn baonguyen4221@gmail.com vì bài viết hữu ích
    baonguyen4221@gmail.com (25/04/2024) ntdieu (20/04/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận