Hôm nay (ngày 21/03/2014), trang Vnexpress có đăng ý kiến của ông Trần Văn Độ (Phó chánh án TAND Tối cao kiêm Chánh án tòa án quân sự Trung ương) về đánh giá hiệu quả của Bộ luật Hình sự 1999, theo ông, cơ bản Bộ luật đã phát huy hiệu quả, tạo hành lang pháp lý an toàn để người dân yên tâm sống và làm việc. Tuy nhiên, qua 14 năm áp dụng, Bộ luật được cho là bộc lộ nhiều hạn chế dẫn đến việc xử lý tội phạm trong một số trường hợp thiếu chính xác, xảy ra oan sai.
Về tội Hiếp dâm quy định tại điều 111 Bộ luật Hình sự, ông Độ cho biết cần bổ sung chủ thể phạm tội là nữ giới do thực trạng về tội danh này trong những năm gần đây biến đổi cả về đối tượng, hình thức và phương pháp. Người thực hiện tội này vẫn có thể là nữ, trong khi thông thường chủ thể thực hiện hành vi giao cấu vẫn được cho là nam giới.
Đề xuất thừa thãi
Theo tôi, Bộ luật Hình sự 1999 đã quy định bao quát chủ thể của tội hiếp dâm (không phân biệt là nam hay nữ) nên đề xuất thêm chủ thể tội hiếp dâm là nữ dường như là ý kiến thừa thãi.
Khoản 1 điều 111 quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
Như vậy, bất cứ người nào (không phân biệt giới tính) mà có hành vi được miêu tả theo quy định nêu trên, có đầy đủ các dấu hiệu khác về mặt chủ quan, khách quan, chủ thể, khách thể tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Pháp luật Hình sự (Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn) không phân biệt chủ thể của “Tội hiếp dâm” là nam hay nữ thế nên chủ thể của tội này có thể là nam hoặc nữ.
Thực tiễn xét xử lâu nay là sai luật
Đề xuất ấy tuy thừa nhưng lại khẳng định một điều: “Luật quy định đầy đủ nhưng thực tiễn xét xử lâu nay lại bỏ nữ giới ra ngoài vòng pháp luật”.
Việc nữ giới thực hiện hành vi vi phạm pháp luật theo điều 111 nhưng không bị xét xử về tội Hiếp dâm là việc làm vi phạm pháp luật, bỏ lọt tội phạm của cơ quan tố tụng.
Bởi vậy, để luật và thực tiễn xét xử không bị chênh nhau thì TAND Tối cao nên có văn bản yêu cầu các cơ quan tố tụng tuân theo câu chữ bao quát của điều luật (tránh trường hợp suy diễn nữ giới là phái yếu nên bất lực).
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 22/03/2014 07:13:18 SA