Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Đào Liên - Công ty Luật Tiền Phong tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất: về thủ tục khai nhận thừa kế
Như bạn trao đổi, ông bà bạn mất có để lại di sản là nhà và rẫy, nếu ông bà bạn có di chúc hợp pháp thì sẽ thực hiện chia tài sản theo di chúc, những người gồm: bố mẹ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động sẽ vẫn được hưởng di sản (2/3 kỷ phần thừa kế) trong trường hợp ông bà bạn không di chúc cho họ tài sản.
Trường hợp không để lại di chúc thì chia theo pháp luật, các đồng thừa kế gồm: cha mẹ, con (không phân biệt con nuôi, con đẻ) nếu còn sống đều được hưởng kỷ phần thừa kế như nhau.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc uỷ quyền thực hiện khai nhận thừa kế không không làm phát sinh giao dịch từ chối thừa kế hoặc tặng cho di sản thừa kế. Vì thế người được uỷ quyền chỉ có thể thực hiện thay các thủ tục thừa kế mà thôi.
Như vậy, cần phải xem lại toàn bộ hồ sơ khai nhận thừa kế của người cậu, nếu không đảm bảo các đồng thừa kế từ chối hưởng di sản bằng văn bản, có công chứng hoặc chứng thực thì người cậu không thể được hưởng toàn bộ di sản.
Thứ hai, quyền của người được thừa kế
Mẹ của bạn là con, nếu ông bà bạn chết không để lại di chúc thì đương nhiên mẹ bạn sẽ được hưởng thừa kế. Nếu mẹ bạn không ký giấy tờ từ chối di sản hoặc tặng cho quyền hưởng di sản thì mẹ bạn có quyền yêu cầu em mình xuất trình các tài liệu khai nhận thừa kế, nếu hai bên không thống nhất được, mẹ bạn có quyền khởi kiện ra toà án yêu cầu chia thừa kế và huỷ toàn bộ sổ đỏ đã cấp trái pháp luật cho người em.
Thứ ba, về quyền sở hữu tài sản của mẹ bạn
Nếu mẹ bạn có tài sản là bất động sản, khi chưa thực hiện việc chuyển quyền sử dụng tại cơ quan thẩm quyền cho ai thì đương nhiên không ai có thể kê khai đứng tên thay được.
Thứ tư, về nội dung uỷ quyền như bạn hỏi
Văn bản uỷ quyền là một dạng của giao dịch đại diện, theo đó người uỷ quyền là người trao quyền đại diện bản thân mình cho người khác đứng ra thực hiện một giao dịch mà pháp luật không cấm. Bạn cần tìm hiểu xem những người chị em của cậu bạn đã uỷ quyền nội dung gì cho cậu của bạn. Giả thiết, nếu cậu bạn được uỷ quyền đi kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, uỷ quyền định đoạt (bán, tặng cho…) thì sau khi nhà, rẫy có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cậu bạn có thể thay anh chị em của mình định đoạt nhà, rẫy này.
Trên đây là nội dung tư vấn của luật sư, hi vọng giúp bạn làm sáng tỏ vấn đề mà bạn đang quan tâm, nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn chi tiết hơn nữa, vui lòng kết nối đến tổng đài 1900 6289 để được hỗ trợ.
================
BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT – LUẬT TIỀN PHONG
Hotline: 1900 6289
Hotmail: contact@luattienphong.vn
Địa chỉ: Tầng 25B1, toà nhà Bình Vượng, số 200, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội