Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
1. Thế nào là tên của doanh nghiệp ?
- Tên doanh nghiệp là một từ hoặc một tập hợp các từ mô tả hoặc định danh doanh nghiệp và được hiểu là tên gọi của doanh nghiệp được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh hay văn phòng đại diện của doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp thường được sử dụng để xác định và phân biệt doanh nghiệp này với các tổ chức khác trong thị trường.
- Căn cứ theo Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự là loại hình doanh nghiệp và tên riêng doanh nghiệp. Loại hình doanh nghiệp được viết là "công ty trách nhiệm hữu hạn" hoặc "công ty TNHH" đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là "công ty cổ phần" hoặc "công ty CP" đối với công ty cổ phần; được viết là "công ty hợp danh" hoặc "công ty HD" đối với công ty hợp danh; được viết là "doanh nghiệp tư nhân", "DNTN" hoặc "doanh nghiệp TN" đối với doanh nghiệp tư nhân. Còn tên riêng của doanh nghiệp phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng việt cùng các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
- Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp ban hành. Pháp luật hiện hành có một số quy định đối với tên của doanh nghiệp như sau:
+ Thứ nhất, tên doanh nghiệp không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó; điều này nhằm bảo vệ tính riêng biệt của các doanh nghiệp và tránh gây rối trong thị trường. Quy tắc này thường được quản lý bởi cơ quan đăng ký doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lý doanh nghiệp ở mỗi quốc gia hoặc khu vực.
+ Thứ hai, không được phép sử dụng tên của cơ quan nhà nước, tên các tổ chức chính trị, tên các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp nếu không có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị đó;
+ Thứ ba, tuyệt đối không được sử dụng tên doanh nghiệp có chứa từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục. Những doanh nghiệp dùng tên như vậy có thể bị từ chối khi đăng ký hoặc có thể dẫn đến phạt hoặc hậu quả pháp lý khác nếu tên đó đã được đăng ký và sử dụng. Việc này thường được thực hiện để đảm bảo tính tôn trọng và tuân thủ đối với giá trị văn hoá và đạo đức truyền thống quý báu của đất nước. Ngoài ra, nó giúp tránh gây xúc phạm hoặc tranh cãi với cộng đồng và khách hàng.
2. Thay đổi tên công ty có cần ký lại hợp đồng lao động không?
- Thay đổi tên doanh nghiệp thường phát sinh từ quyết định nội bộ và thủ tục hành chính của doanh nghiệp để thích nghi với sự phát triển, thay đổi chiến lược hoặc mục tiêu mới của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp đổi tên phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp thay đổi tên doanh nghiệp thì sẽ không làm chấm dứt tư cách pháp nhân của doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp vẫn tiếp tục tồn tai và hoạt động như trước sau khi thay đổi tên. Đồng thời, việc đổi tên doanh nghiệp cũng không thuộc trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 34 Bộ luật lao động năm 2019. Do đó khi doanh nghiệp đổi tên thì không bắt buộc phải ký lại hợp đồng lao động mới, quyền và nghĩa vụ với tên cũ trước khi tiến hành thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp vẫn không bị ảnh hưởng. Có nghĩa là doanh nghiệp vẫn có trách nhiệm với hợp đồng được ký kết trước đây với tên doanh nghiệp cũ, trong đó bao gồm cả hợp đồng đã giao kết với người lao động. Pháp luật không có quy định nghĩa vụ thông báo trực tiếp đối với bên đối tác mà đã ký hợp đồng với doanh nghiệp trước khi đổi tên và hợp đồng đã ký trước khi thay đổi tên được xem là đương nhiên có hiệu lực và doanh nghiệp không phải ký lại hợp đồng cũ.
- Khi doanh nghiệp có sự thay đổi tên doanh nghiệp cũng như các nội dung khác về đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh trước đó của doanh nghiệp. Theo đó, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới đã được sửa đổi tên doanh nghiệp.
- Ngoài ra, tại Điều 33 Bộ luật lao động năm 2019 thì trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu một trong hai bên có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất là 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung; nếu như hai bên thoả thuận thống nhất được với nhau về việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì sẽ được tiến hành thông quan việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới. Việc lập phụ lục hợp đồng lao động là việc doanh nghiệp cập nhật những thông tin cần thiết liên quan tới những nội dung thay đổi. Tuy nhiên khi lập phụ lục lập hợp đồng thay đổi tên doanh nghiệp thì cần phải kèm theo bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới được sử Sở kế hoạch và đầu tư cấp.
Trên đây là toàn bộ bài viết liên quan đến vấn đề Thay đổi tên công ty có cần ký lại hợp đồng lao động không?