Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Đào Thị Liên – Công ty Luật Tiền Phong trả lời bạn như sau:
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là chứng thư pháp lý chứng minh sự tồn tại và hoạt động của một doanh nghiệp với các thông tin phải được đăng ký gồm: loại hình doanh nghiệp, tên doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, địa chỉ trụ sở chính; ngành nghề kinh doanh; vốn điều lệ; các thành viên/cổ đông góp vốn; các đơn vị phụ thuộc (nếu có). Tất cả những thông tin trên doanh nghiệp buộc phải thông báo/đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Khi bạn thay đổi loại hình doanh nghiệp thì về nguyên tắc bạn phải thực hiện thủ tục với cơ quan đăng ký kinh doanh và chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của nội dung bạn đã đăng ký. Vi phạm khi sử dụng thông tin sai về doanh nghiệp trong mỗi lĩnh vực: thuế, hải quan, báo cáo với cơ quan nhà nước khác... sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi tương ứng, được quy định tại nhiều văn bản khác nhau.
Như vậy, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bạn phải sử dụng các thông tin doanh nghiệp của mình để giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước về thuế, với các đối tác, ngân hàng... Trường hợp bạn sử dụng các thông tin cũ để giao dịch, nếu có tranh chấp thì các giao dịch bị coi là vô hiệu do lỗi của bên bạn, nếu gây thiệt hại cho đối tác thì phải bồi thường; nếu chứng minh được yếu tố có chủ đích, trục lợi nhằm chiếm đoạt tài sản, gây nguy hại cho nhà nước và xã hội.. thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo.
Giải pháp cho trường hợp của bạn là doanh nghiệp nên có công văn giải trình với cơ quan thuế và các đối tác để thu hồi lại các tài liệu đã phát hành và hoàn thiện các tài liệu theo đúng thông tin doanh nghiệp trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trên đây là ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng giúp bạn làm sáng tỏ được vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trường hợp bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể điện đến tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 1900 6289 để được hỗ trợ!