Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi.
Dựa vào thông tin mà bạn cung cấp tôi xin đưa ra một số ý kiến sau:
Thứ nhất. Có cần Giấy phép không?
Bạn muốn thu gom ủ chất thải thành phân bón hữu cơ (sản xuất phân bón hữu cơ)
Theo quy định tại NĐ 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón. Việc sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ cần đáp ứng các điều kiện sau:
Điều 5 Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón
a) Đáp ứng các điều kiện về sản xuất phân bón quy định tại Điều 8 Nghị định này mới được cấp Giấy phép sản xuất phân bón và chỉ được sản xuất phân bón sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón
a) Tuân thủ các điều kiện về kinh doanh phân bón được quy định tại Điều 15 Nghị định này. Trong quá trình kinh doanh nếu không đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định này sẽ bị đình chỉ có thời hạn kinh doanh phân bón cho đến khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định;
Điều 8. Điều kiện sản xuất phân bón
1. Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về sản xuất phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật, gồm:
a) Địa điểm, diện tích, nhà xưởng, kho chứa phù hợp với công suất sản xuất phân bón;
b) Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ phù hợp với công suất và chủng loại phân bón sản xuất;
c) Áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng; có tiêu chuẩn áp dụng cho nguyên liệu đầu vào đảm bảo các điều kiện về quản lý chất lượng sản phẩm phân bón;
d) Có phòng thử nghiệm, phân tích hoặc có thỏa thuận với tổ chức thử nghiệm, phân tích được chỉ định hoặc công nhận và đã đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm, phân tích theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa để quản lý chất lượng sản phẩm;
đ) Có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
e) Có đủ các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Yêu cầu về nhân lực
a) Đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành sản xuất phân bón có trình độ chuyên môn về hóa, lý hoặc sinh học, trong đó Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất phân bón phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên;
b) Người lao động trực tiếp sản xuất phân bón phải được huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về phân bón.
Điều 15. Điều kiện kinh doanh phân bón
1. Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về kinh doanh phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Có cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán phải bảo đảm giữ được chất lượng phân bón theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
3. Công cụ, thiết bị chứa đựng, lưu giữ phân bón phải bảo đảm được chất lượng và vệ sinh môi trường; có phương tiện vận chuyển phù hợp hoặc có hợp đồng vận chuyển phân bón.
4. Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa phân bón riêng, đáp ứng được các điều kiện về bảo quản chất lượng phân bón trong thời gian kinh doanh. Đối với các cửa hàng bán lẻ phân bón, trường hợp không có kho chứa thì phải có công cụ, thiết bị chứa đựng, lưu giữ phân bón.
5. Có chứng từ hợp pháp chứng minh rõ nguồn gốc nơi sản xuất, nơi nhập khẩu hoặc nơi cung cấp loại phân bón kinh doanh.
6. Có đủ các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên muốn sản xuất phân bón hữu cơ bắt buộc phải có Giấy phép sản xuất phân bón cộng thêm Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có ngành nghề kinh doanh phân bón.
Trường hợp muốn kinh doanh phân bón hữu cơ bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có ngành nghề kinh doanh phân bón.
Thứ hai. Giấy phép của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 NĐ số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón thì Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý sản xuất, kinh doanh, chất lượng phân bón hữu cơ và phân bón khác.
Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNN hướng dẫn một số Điều của NĐ 202/2013 có quy định về việc cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác tại Điều 5 như sau: “Tổ chức, cá nhân gửi một bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp cho Cục Trồng trọt”. Như vậy, thẩm quyền cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ thuộc về Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Về Giấy phép kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp). Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật Doanh nghiệp về trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Cơ quan đăng ký kinh doanh được quy định tại NĐ 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp như sau:
Điều 13. Cơ quan đăng ký kinh doanh
1. Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), bao gồm:
a) Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh).
b) Ở cấp huyện: Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ kinh doanh quy định tại Điều 15 Nghị định này (sau đây gọi chung là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).
Như vậy, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thuộc về cơ quan đăng ký kinh doanh. Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà bạn muốn thành lập sẽ được cấp bởi cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.
Cụ thể đối với loại hình doanh nghiệp là hộ kinh doanh thì đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
Đối với loại hình doanh nghiệp là Công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân thì tiến hành đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Giáp Thị Trang CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM (www.vietkimlaw.com)
M: (+84-4) 6.2694744- E: luatvietkim@gmail.com
Ad: CS1 - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội/ CS2 - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.