Chào bạn,
Vấn đề bạn thắc mắc cũng đã lâu nhưng chưa có thành viên nào trả lời; không biết bạn đã được tự tìm được câu trả lời hoặc đã nhận được sự tư vấn từ nơi khác hay chưa, nhưng mong là câu trả lời của tôi, dù muộn, nhưng vẫn giúp ích phần nào cho bạn và các thành viên khác.
Tôi có thể tóm lược bạn đang gặp phải các vướng mắc sau:
Công ty ở Hàn Quốc muốn thành lập công ty 100% vốn nươc ngoài ở Việt Nam trong lĩnh vực logistic liên quan đến các ngành dịch vụ có mã ngành: CPC 742 (dịch vụ kho bãi), CPC 748 (dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa), CPC 749(bao gồm các hoạt động: kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa; giám định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; giám định hàng hóa; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải. Các dịch vụ này được thực hiện thay mặt cho chủ hàng) . Bạn thắc mắc về vấn đề điều kiện kinh doanh; thủ tục thành lập doanh nghiệp đối với ngành nghề này.
Đối với các vướng mắc này, chúng tôi tư vấn như sau:
1.Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistic
Thứ nhất, theo Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO có quy định về hạn chế về hình thức thành lập và hạn chế tỷ lệ vốn góp như sau:
- Đối với 2 dịch vụ: Dịch vụ kho bãi (CPC 742); dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa (CPC 748) quy định: “không hạn chế ngoại trừ kể từ ngày gia nhập cho phép thành lập liên doanh trong đó tỷ lệ góp vốn nước ngoài không vượt quá 51%. Sau 7 năm kể từ khi gia nhập: không hạn chế”. Theo cam kết này, sau 7 năm kể từ khi gia nhập WTO (tức là ngày 11/01/2014) Việt Nam sẽ không duy trì hạn chế về tiếp cận thị trường theo phương thức hiện diện thương mại (thành lập doanh nghiệp) đối với các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong các dịch vụ nêu trên.
- Đối với dịch vụ bổ trợ khác (CPC 749) quy định “kể từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được thông qua thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam trong đó tỷ lệ góp vốn của Bên nước ngoài là không quá 49%. Sau ba năm kể từ khi gia nhập, hạn chế này sẽ là 51%. Bốn năm sau đó, hạn chế về vốn sẽ được bãi bỏ.” Theo cam kết này, sau 7 năm kể từ khi gia nhập, Việt Nam sẽ không duy trì hạn chế về vốn trong liên doanh, tức là nhà đầu tư nước ngoài được thành lập liên doanh với tỷ lệ vốn góp không hạn chế nhưng chưa được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài.
Thứ hai, theo Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) – (có hiệu lực từ 20/12/2015): đối với 3 ngành dịch vụ CPC 742, CPC 748, CPC 749 (dịch vụ môi giới vận tải đường biển hoặc thuê, cho thuê, mua, bán tàu tại CPC 748. CPC 749) “cho phép tất cả các công ty kinh doanh trong lĩnh vực kể trên được hoạt động theo Luật Thương mại”.
Thứ ba, theo Luật Thương mại Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thì điều kiện để kinh doanh dịch vụ logistic như sau:
Điều 234 Luật thương mại năm 2005 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics thì:
"1. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics là doanh nghiệp có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định của pháp luật.
2. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics.”
Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics quy định trong Luật thương mại đã được cụ thể hóa tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Nghị định số 140/2007/NĐ–CP ngày 05/09/2007 quy định chi tiết luật thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ Logistics, theo đó:
Thương nhân kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc chủ yếu (CPC 742) theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 140/2007/NĐ-CP phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam.
– Có đủ phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu.
Thương nhân kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc liên quan đến vận tải (CPC 748) theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 140/2007/NĐ-CP phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam.
– Tuân thủ các điều kiện về kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thương nhân kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc liên quan khác (CPC749) theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 140/2007/NĐ-CP phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam.
– Thương nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc chỉ được kinh doanh các dịch vụ lô-gi-stíc khi tuân theo những điều kiện cụ thể sau đây:
+ Trường hợp kinh doanh dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật:
Đối với những dịch vụ được cung cấp để thực hiện thẩm quyền của Chính phủ thì chỉ được thực hiện dưới hình thức liên doanh sau ba năm hoặc dưới các hình thức khác sau năm năm, kể từ khi doanh nghiệp tư nhân được phép kinh doanh các dịch vụ đó.
Không được kinh doanh dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải.
Việc thực hiện dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật bị hạn chế hoạt động tại các khu vực địa lý được cơ quan có thẩm quyền xác định vì lý do an ninh quốc phòng.
+ Trường hợp kinh doanh dịch vụ bưu chính, dịch vụ thương mại bán buôn, dịch vụ thương mại bán lẻ thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
+ Không được thực hiện các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2.Thủ tục thành lập doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực logistic
Để thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài bạn cần thực hiện 2 bước chính:
2.1 Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
- Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
- Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án;
- Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.
Nơi nộp hồ sơ: Sở kế hoạch đầu tư cấp tỉnh
Thời hạn:
- Thông báo tính hợp lệ của hồ sơ (đối với trường hợp hồ sơ không hợp lệ): 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
- Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư / Thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
2.2 Đăng ký thành lập doanh nghiệp gắn với dự án đầu tư
Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên hoặc Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
+ Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;
+ Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.
Lưu ý: Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.
Nơi nộp hồ sơ: Phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch đầu tư
Thời hạn giải quyết: 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ
3.Về việc cấp giấy phép đầu tư
Theo Công văn 9911/BCT-KH năm 2015 về lộ trình mở của thị trường dịch vụ lô-gi-stíc đối với nhà đầu tư nước ngoài do Bộ Công Thương ban hành thì “Hạn chế tiếp cận thị trường đối với các dịch vụ khác thuộc ngành dịch vụ vận tải (quy định tại Mục 11 Phần II, Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO) đến nay đã hết. Về nguyên tắc, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện các dịch vụ này phù hợp với quy định pháp luật về logistic.”
Tuy nhiên trên thực tế, các sở kế hoạch đầu tư mới thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư gắn cho 2 ngành thuộc mã CPC 742 và CPC 748. Còn đối với mã CPC 749 vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn của Chính Phủ .
Trên đây là nội dung tư vấn sơ bộ của chúng tôi, mong là bạn sớm giải quyết được các vướng mắc của mình.
Trường hợp cần giải thích chi tiết nội dung trên hoặc tư vấn thêm các vấn các vấn đề khác có liên quan, bạn có thể liên hệ lại với chúng tôi theo thông tin dưới đây.
Trân trọng
Chuyên viên tư vấn Hoàng Thị Quỳnh Trang
Cập nhật bởi clevietkimlaw4 ngày 05/03/2017 09:41:14 CH
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP - ĐẦU TƯ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.