Chào bạn, cám ơn bạn vì bài viết chia sẻ, mình xin bổ sung, góp ý thêm một số điều như sau:
Căn cứ Khoản 1 Điều 76 Luật Đầu tư 2020 quy định
“Điều 76. Điều khoản thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, trừ quy định tại khoản 2 Điều này.
…”
Như vậy, Luật Đầu tư 2020 (chính thức bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) đã đưa ngành nghề "Kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Những tưởng sau khi khai tử loại hình kinh doanh này thì sẽ không còn những cảnh đòi nợ kiểu xã hội đen. Nhưng không, thực tế nhiều công ty đòi nợ thuê đã đổi tên thành công ty mua bán nợ.
Đồng thời, khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, trong đó quy định hoạt động kinh doanh mua bán nợ không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (Phụ lục IV DANH MỤC NGÀNH, NGHỀ ĐẦU TƯ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN ban hành kèm theo Luật đầu tư 2020). Đồng thời, Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã được bãi bỏ.
Hoạt động mua bán nợ là cụm từ có thể được hiểu như sự kết hợp giữa hợp đồng mua bán tài sản và dịch vụ đòi nợ. Để hiểu rõ hơn cần phân tích rõ những thành phần có trong định nghĩa này bao gồm:
- Nợ là nghĩa vụ trả tài sản của bên nợ đối với chủ nợ được thể hiện trong hợp đồng hoặc phát sinh quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
- Mua bán nợ là việc bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ và bên mua nợ trả tiền cho bên bán nợ.
- Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là việc thực hiện liên tục một hoặc một số hoạt động liên quan đến việc mua bán nợ nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: Mua nợ, bán nợ, môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ và dịch vụ sàn giao dịch nợ.