Khi nào thanh tra thuế? Khi nào thì phải thanh tra lại? Ai có thẩm quyền quyết định thanh tra lại? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Những trường hợp nào được thanh tra trong hoạt động thuế?
Căn cứ tại Điều 113 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về các trường hợp thanh thuế như sau:
- Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.
- Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.
- Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế.
- Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tra nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền.
Khi nào phải thanh tra lại trong hoạt động thuế?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 120 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về những căn cứ để tiến hành thanh tra lại như sau:
- Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra;
- Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra;
- Nội dung kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra hoặc có dấu hiệu rủi ro cao theo tiêu chí đánh giá rủi ro qua phân tích đánh giá rủi ro;
- Người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;
- Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.
Như vậy, khi có một trong các căn cứ nêu trên thì phải thực hiện thanh tra lại trong hoạt động thuế.
Thẩm quyền quyết định thanh tra lại trong hoạt động thuế là của ai?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 120 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về thanh tra lại trong hoạt động thanh tra thuế như sau:
Thẩm quyền quyết định thanh tra lại vụ việc đã được kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật được quy định như sau:
- Chánh Thanh tra Bộ Tài chính quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Tổng cục trưởng kết luận thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tài chính khi được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao;
- Tổng cục trưởng quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Cục trưởng thuộc Tổng cục kết luận;
- Cục trưởng quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Chi cục trưởng thuộc Cục kết luận;
- Quyết định thanh tra lại bao gồm các nội dung được quy định tại Điều 114 của Luật Quản lý thuế 2019. Chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra lại phải gửi quyết định thanh tra lại cho đối tượng thanh tra. Quyết định thanh tra lại phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ký và phải được đoàn thanh tra lập biên bản công bố quyết định thanh tra lại.
Ngoài ra, khi tiến hành thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 116 và Điều 117 của Luật Quản lý thuế 2019.
Bên cạnh đó, kết luận thanh tra lại, công khai kết luận thanh tra lại phải đảm bảo:
- Kết luận thanh tra lại được thực hiện theo quy định tại Điều 119 của Luật Quản lý thuế 2019. Nội dung kết luận thanh tra lại phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tiến hành thanh tra, kết luận thanh tra và kiến nghị biện pháp xử lý.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký kết luận thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra lại phải gửi kết luận thanh tra lại cho thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên;
- Việc công khai kết luận thanh tra lại được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.
(Căn cứ tại khoản 5 Điều 120 Luật Quản lý thuế 2019)