Thắc mắc về Tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây thất thoát và Tội hối lộ

Chủ đề   RSS   
  • #572749 27/06/2021

    huynhthu95
    Top 50
    Female
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:05/06/2017
    Tổng số bài viết (1262)
    Số điểm: 12550
    Cảm ơn: 61
    Được cảm ơn 204 lần


    Thắc mắc về Tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây thất thoát và Tội hối lộ

    Có một câu hỏi mà tôi nghĩ có rất nhiều người thắc mắc là tại sao không truy cứu tội nhận hối lộ mà lại truy cứu Tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước? Chẳng lẻ vì những người này lộng quyền nên không làm theo quy định nhà nước? Hoặc cơ quan điều tra không tìm ra được bằng chứng để chứng minh họ nhận hối lộ? Hay là còn lý do nào khác mà không truy cứu Tội nhận hối lộ?

    Đầu tiên xin được phân tích quy định về Tội cố ý làm trái và Tội hối lộ.

    Theo quy định tại Bộ Luật hình sự 1999 (hết hiệu lực ngày 01/01/2018) thì có Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước  về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165). Tuy nhiên đến Bộ Luật hình sự 2015 thì quy định này được chia thành nhiều tội khác nhau đối với một số lĩnh vực, cụ thể là:

    - Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí

    - Điều 220. Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng

    - Điều 221. Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng

    - Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

    - Điều 224. Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng

    - Điều 229. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai

    Phân tích chung về quy định trên thì hành vi vi phạm là cố ý làm sai quy định của pháp luật và chính hành vi đó đã gây ảnh hưởng, thất thoát đến tài sản công. Điểm cần quan tâm là yếu tố vụ lợi không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm mà chỉ là tình tiết tăng nặng định khung đối với hành vi phạm tội. Đây là điểm để phân biệt với Tội tham ô tài sản – hành vi tham ô là lợi dụng chức vụ, làm trái quy định để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản công.

    Còn hành vi nhận hối lộ quy định tại Điều 354 Bộ Luật hình sự 2015 là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.

    Đối với hành vi nhận hối lộ thì người có chức vụ, quyền hạn lại cố ý làm sai để được nhận lợi ích từ cá nhân, tổ chức và chắc chắn yếu tố tư lợi là yếu tố cấu thành bắt buộc.

    Nhìn vào hình phạt của nhóm tội phạm làm trái quy định với tội nhận hối lộ sẽ thấy rõ là đối với tội nhận hối lộ có khung hình rất cao (có thể là bị tử hình) còn các nhóm tội phạm “làm trái quy định” thì hình phạt nhẹ hơn (tối đa là phạt tù). Cũng vì lý do này mà dẫn đến có nhiều trường hợp người phạm tội nhận hối lộ rồi làm trái với các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.  Đến khi tội phạm bị phát hiện thì họ biện minh rằng mình không có hành vi tư lợi, cố giấu diếm hành vi nhận hối lộ để được kết luận là chỉ làm trái quy định gây thất thoát thôi để thoát khỏi bản án chung thân, tử hình.

    Nhưng tại sao những người phạm tội này lại có thể lấp liếm để không bị xử tội nhận hối lộ? Có hay chăng lợi ích nhóm ở đây?

    Bài viết có thể có nhiều điều thiếu sót, hy vọng Dân Luật sẽ cùng nhau thảo luận về vấn đề này.

     

     
    1629 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận