Trả lời:
Chào anh/chị, về trường hợp trên tôi xin chia sẻ quan điểm như sau:
Thứ nhất, đối với vấn đề thẩm quyền bổ nhiệm Phó Giám đốc trong CTCP tư nhân.
Điểm i khoản 2 Điều 153 Luật Daonh nghiệp năm 2020 quy định Hội đồng quản trị có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; quyết định tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của những người quản lý đó.
Điểm đ khoản 3 Điều 162 Luật doanh nghiệp năm 2020 lại quy định Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, ta thấy, nếu Điều lệ công ty quy định Hội đồng quản trị có thẩm quyền bổ nhiệm với Phó Giám đốc thì Hội đồng quản trị sẽ họp thông qua và Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ là người kí quyết định bổ nhiệm. Nếu Điều lệ công ty không quy định Hội đồng quản trị có thẩm quyền thì Giám đốc sẽ có quyền bổ nhiệm Phó Giám đốc.
Thứ hai, đối với trường hợp Chủ Tịch Hội đồng Quản Trị bổ nhiệm chức danh Phó Giám Đốc mà không có Biên bản họp của Hội Đồng Cổ đông và Giám Đốc không tham dự họp thì Quyết định bổ nhiệm Phó Giám Đốc có bị vô hiệu không.
Khoản 3 Điều 153 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định Hội đồng quản trị thông qua nghị quyết, quyết định bằng biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định. Mỗi thành viên Hội đồng quản trị có một phiếu biểu quyết.
Như vậy, nếu Điều lệ đã quy định là Hội động quản trị có thẩm quyền thì Hội đồng quản trị họp rồi thông qua, ban hành quyết định. Việc bổ nhiệm này không liên quan gì đến Đại hội đồng cổ đông và Giám đốc cả nên không cần có biên bản của Đại hội đồng cổ đông và Giám đốc.
Hội đồng quản trị họp rồi thông qua, ban hành quyết định đúng theo quy định tại Điều 157, 158 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì quyết định có giá trị. Nếu thực hiện không đúng quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục họp, thông qua, ban hành quyết định theo quy định trên thì quyết định bổ nhiệm không có giá trị.
Tuy nhiên, nếu quyết định của Hội đồng quản trị thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 153 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì các cổ đông của công ty có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định.
“Điều 153. Hội đồng quản trị
Trường hợp nghị quyết, quyết định do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua nghị quyết, quyết định đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về nghị quyết, quyết định đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua nghị quyết, quyết định nói trên được miễn trừ trách nhiệm. Trường hợp này, cổ đông của công ty có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định nói trên.”