PHẦN 1: DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN
Đăng ký thành lập mới
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Mẫu I-1)
2. Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ DNTN. (có thể là CMND, Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực)
Bước 2: Nộp hồ sơ
Cách thức thực hiện: Người thành lập DN hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký DN nộp hồ sơ đăng ký DN trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi DN đặt trụ sở chính hoặc Người đại diện theo pháp luật nộp hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN.
Trình tự thực hiện:
+ Trường hợp đăng ký trực tiếp:
Người thành lập DN hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký DN nộp hồ sơ đăng ký DN và thanh toán lệ phí tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi DN đặt trụ sở chính
Khi nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận.
+ Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số công cộng:
Hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có đầy đủ các giấy tờ và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định như hồ sơ bằng bản giấy và được chuyển sang dạng văn bản điện tử. Tên văn bản điện tử phải được đặt tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ bằng bản giấy.
- Các thông tin đăng ký DN được nhập đầy đủ và chính xác theo thông tin trong các văn bản điện tử.
- Hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử phải được xác thực bằng chữ ký số công cộng hoặc Tài khoản đăng ký kinh doanh của người đại diện theo pháp luật của DN.
Người đại diện theo pháp luật kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, ký số vào hồ sơ đăng ký điện tử và thanh toán lệ phí qua mạng điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN.
Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, người đại diện theo pháp luật sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử.
+ Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh:
Hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử hợp lệ như đã nêu trên.
Người đại diện theo pháp luật kê khai thông tin, tải văn bản điện tử của các giấy tờ chứng thực cá nhân tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN để được cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh.
Người đại diện theo pháp luật sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để kê khai thông tin, tải văn bản điện tử và xác thực hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN.
Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, người thành lập DN sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử.
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Lệ phí: 200.000 đồng/lần (Nộp tại thời điểm nộp hồ sơ). (Lưu ý, mức phí này có thể sẽ thay đổi từ ngày 01/01/2017)
Bước 3: Nhận kết quả
Trường hợp đăng ký trực tiếp:
Trường hợp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN trong thời hạn 03 ngày làm việc.
Nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN thì Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo cho người thành lập DN biết bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số công cộng:
Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin sang cơ quan thuế để tự động tạo mã số DN. Sau khi nhận được mã số DN từ cơ quan thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN và thông báo cho DN về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng điện tử cho DN để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh:
Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét, gửi thông báo qua mạng điện tử cho DN để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ. Khi hồ sơ đã đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin sang cơ quan thuế để tạo mã số doanh DN. Sau khi nhận được mã số DN từ cơ quan thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo qua mạng điện tử cho DN về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN.
Sau khi nhận được thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, người đại diện theo pháp luật nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký DN bằng bản giấy kèm theo Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử đến Phòng Đăng ký kinh doanh. Người đại diện theo pháp luật có thể nộp trực tiếp hồ sơ đăng ký DN bằng bản giấy và Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc nộp qua đường bưu điện.
Sau khi nhận được hồ sơ bằng bản giấy, Phòng Đăng ký kinh doanh đối chiếu đầu mục hồ sơ với đầu mục hồ sơ DN đã gửi qua mạng điện tử và trao Giấy chứng nhận đăng ký DN cho DN nếu nội dung đối chiếu thống nhất.
Nếu quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày gửi thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN mà Phòng Đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ bằng bản giấy thì hồ sơ đăng ký điện tử của doanh nghiệp không còn hiệu lực.
Người đại diện theo pháp luật chịu trách nhiệm về tính đầy đủ và chính xác của bộ hồ sơ nộp bằng bản giấy so với bộ hồ sơ được gửi qua mạng điện tử. Trường hợp bộ hồ sơ nộp bằng bản giấy không chính xác so với bộ hồ sơ được gửi qua mạng điện tử mà người nộp hồ sơ không thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm nộp hồ sơ bằng bản giấy thì được coi là giả mạo hồ sơ và sẽ bị xử lý thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN đã cấp.
Công bố nội dung Giấy chứng nhận đăng ký DN
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Giấy đề nghị công bố nội dung đăng ký DN (Mẫu II-25)
Bước 2: Nộp hồ sơ
Cách thức thực hiện:
Khi DN nhận Giấy chứng nhận đăng ký DN, DN nộp phí để công bố nội dung đăng ký DN và gửi Giấy đề nghị công bố nội dung đăng ký DN tới Phòng Đăng ký kinh doanh nơi DN đã đăng ký để thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai.
Phí: 300.000 đồng (Nộp tại thời điểm đề nghị công bố).(Lưu ý, mức phí này có thể sẽ thay đổi từ ngày 01/01/2017)
Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh đăng tải nội dung đăng ký DN của DN thuộc phạm vi mình quản lý lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN.
Thông báo mẫu con dấu: xem chi tiết hướng dẫn tại đây.
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP
- Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT
- Thông tư 176/2012/TT-BTC
- Thông tư 106/2013/TT-BTC
Một số bài viết có thể bạn cần tham khảo:
1. Những điều doanh nghiệp cần phải biết từ ngày 01/7/2016
2. Các trường hợp thành lập doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư
3. Các loại quỹ doanh nghiệp phải lập
4. Biểu phí đăng ký và cung cấp thông tin doanh nghiệp áp dụng từ 01/01/2017
5. Thông tư 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ
6.Toàn văn điểm mới Luật doanh nghiệp 2014
7. 85 mẫu văn bản dùng cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh
8. Con dấu doanh nghiệp và giá trị pháp lý
9. Những điều cần biết về con dấu tròn, con dấu vuông
10. Tải các mẫu văn bản dùng cho doanh nghiệp tại đây!