TANDTC giải đáp một số vướng mắc trong xét xử về hình sự thuộc lĩnh vực Hôn nhân & Gia đình

Chủ đề   RSS   
  • #616768 25/09/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 471 lần


    TANDTC giải đáp một số vướng mắc trong xét xử về hình sự thuộc lĩnh vực Hôn nhân & Gia đình

    Ngày 10/9/2024, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã ban hành Công văn 163/TANDTC-PC để giải đáp một số vướng mắc trong xét xử hình sự, tố tụng hình sự, trong đó có một số giải đáp liên quan đến lĩnh vực Hôn nhân & Gia đình.

    (1) Giải đáp về quy định “Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn”

    Theo khoản 1 Điều 182 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được quy định như sau:

    “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

    - Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

    - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.”

    Theo khoản 3 Mục I Công văn 163/TANDTC-PC của TANDTC, quy định về việc “Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn” được giải đáp như sau:

    Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 182 của Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) được hiểu là người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ mà dẫn đến hậu quả quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên ly hôn.

    Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.

    Do đó, nếu có bản án hoặc quyết định có hiệu lực của Tòa án về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân do một người làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

    (2) Con đuổi cha, mẹ ra khỏi nhà có áp dụng quy định về tội xâm phạm chỗ ở của người khác không?

    Theo khoản 1 Điều 158 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác như sau:

    Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

    - Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

    - Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

    - Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

    - Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

    Theo đó, thắc mắc được đặt ra là: Một người có một trong các hành vi trên trong thời gian bao lâu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự; và trường hợp con ở cùng nhà với cha mẹ (nhà thuộc quyền sở hữu của cha mẹ) mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trên không?

    Theo khoản 7 Mục I Công văn 163/TANDTC-PC, TANDTC giải đáp như sau:

    Điều 158 của Bộ Luật Hình sự 2015 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) không quy định xâm phạm chỗ ở của người khác trong thời gian bao lâu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Do đó, người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 158 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

    Trường hợp con ở chung với cha mẹ mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, thì hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ” theo quy định tại Điều 185 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

    Như vậy, khi con đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, mặc dù nhà thuộc quyền sở hữu của cha mẹ, thì hành vi này cũng không chỉ đơn thuần là xâm phạm chỗ ở mà còn thể hiện sự ngược đãi. Do đó, hành vi này sẽ bị xử lý theo Điều 185 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ.

    Xem thêm tại Công văn 163/TANDTC-PC ngày 10/9/2024 của TANDTC.

     
    179 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận