Tam@Quốc

Chủ đề   RSS   
  • #17889 13/11/2008

    haminhgiap
    Top 500
    Sơ sinh

    Hải Phòng, Việt Nam
    Tham gia:18/09/2008
    Tổng số bài viết (183)
    Số điểm: 485
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 6 lần


    Tam@Quốc

    Thành Quân Ức

    TAM @ QUỐC

    Dịch giả: Nhất Cư

     
    15673 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

2 Trang <12
Thảo luận
  • #17910   13/11/2008

    haminhgiap
    haminhgiap
    Top 500
    Sơ sinh

    Hải Phòng, Việt Nam
    Tham gia:18/09/2008
    Tổng số bài viết (183)
    Số điểm: 485
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 6 lần


    Chương 20: ĐOÀN QUÂN ĐÁNH THUÊ TÌM LỐI THOÁT

    1. Chúng ta là đoàn quân đánh thuê

    Lại nói khóa huấn luyện nhân viên công ty Hoàng Tộc bắt đầu có tác dụng, không chỉ bộ mặt công ty thay đổi, lượng tiêu thụ sản phẩm cũng như uy tín thương hiệu Hoàng Tộc đều liên tục tăng. Lưu Bị thầm đắc ý, tuy "tam cố thảo lư" có phần mất thể diện, nhưng không có Gia Cát Lượng, công ty không được như ngày nay.
    Gia Cát Lượng cảnh cáo Lưu Bị:
    - Sự nghiệp của chúng ta mới chỉ bắt đầu, sao ông có thể vui tươi không lo nghĩ gì như vậy được?
    Lưu Bị nói:
    - Vui tươi là bộ dạng của tôi, còn làm sao không lo nghĩ được?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Theo chiến lược tôi đề ra, công ty Hoàng Tộc sẽ dùng binh pháp lạc đà để chiếm tập đoàn Kinh Châu và Ích Châu, trở thành một trong ba tập đoàn lớn nhất Trung Quốc. Kinh Châu ngay trước mắt, còn Ích Châu xa mãi tận đất Thục, không có chí lớn, lẽ nào để chiến lược của ta thành cơn gió hoang tưởng? Mới thắng lợi một chút mà đã vui tươi hớn hở, chẳng phải là không lo nghĩ gì sao? Xin nghe lời nói thẳng của tôi, hôm nay vui tươi hớn hở, ngày sau chẳng còn được vui tươi hớn hở nữa đâu!
    Lưu Bị chợt nghiêm sắc mặt, nói:
    - Tiên sinh dạy phải. Binh pháp lạc đà tinh xảo, thực chất là chiến dịch lớn. Đường bước cụ thể, chúng ta phải làm gì?
    Gia Cát Lượng hỏi:
    - Ông biết vì sao Tổng giám đốc tập đoàn Kinh Châu Lưu Biểu lại để công ty Hoàng Tộc ta tiêu thụ màn hình cho họ?
    Lưu Bị nói:
    - Tôi với Lưu Biểu có họ nên được ông ta ưu đãi.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Đó không phải nguyên nhân chính. Giả sử ông bất tài, dù thân thiết bao nhiêu cũng không được ưu đãi.
    Lưu Bị hỏi:
    - Ý ông là sao?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Vì tập đoàn Kinh Châu thiếu một nhà lãnh đạo tài giỏi có thể mở mang cương vực như ông. Phụ trách khâu tiêu thụ đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao, người phụ trách không những phải giỏi xét thời lựa thế, mà còn cần một đội quân thiện chiến. Về mặt này, công ty Hoàng Tộc chiếm ưu thế. Trong lúc cần bán một lượng lớn sản phẩm mà chưa xây dựng được đội quân tiêu thụ thiện chiến, tập đoàn Kinh Châu bất đắc dĩ phải dùng lính đánh thuê. Khi tình thế ổn định, họ tất sẽ loại ta khỏi cuộc chơi.
    Lưu Bị khẽ gật đầu, nói:
    - Tôi biết chúng ta chỉ là lính đánh thuê, có điều không nghĩ xa được như tiên sinh. Song mấy năm gần đây. Hoàng Tộc đã xây dựng được mạng lưới tiêu thụ khắp cả nước, Kinh Châu có muốn thay ngựa giữa dòng cũng khó. Gia Cát Lượng nói:
    - Muốn thay ngựa giữa dòng, tập đoàn Kinh Châu tất sẽ bài binh bố trận, chúng ta vẫn chịu cả hai sức ép từ thị trường và tập đoàn Kinh Châu, không khéo là bị thành nhân bánh kẹp.

    2. Mười nguy cơ của kinh doanh tiêu thụ

    Lưu Bị hỏi dồn:
    - Theo ý tiên sinh, hiện chúng ta phải đối mặt với những nguy cơ nào? Gia Cát Lượng nói:
    - Thương trường như chiến trường, đâu cũng là nguy cơ cả. Còn kinh doanh tiêu thụ, đại khái có mười nguy cơ.
    Lưu Bị khẩn khoản:
    - Xin nghe tiên sinh giảng.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Nguy cơ thứ nhất: Chất lượng sản phẩm có vấn đề. Một khi người dùng nhận ra sản phẩm bị lỗi, chúng ta sẽ gặp rắc rối. Chưa nói tổn thất danh tiếng, việc trả hàng lại cũng khốn khổ. Kể cả việc trả lại hàng thông suốt, chúng ta cũng bị mất một phần tiền trả trước, đồng thời phải trả thêm lãi suất ngân hàng và phí vận chuyển.
    Lưu Bị nói:
    - Để tránh nguy cơ này, khâu nghiệm thu sản phẩm phải làm thật tốt. Lâu nay tôi muốn tăng cường cho khâu nghiệm thu, song tìm đâu ra kiểm nghiệm viên vừa giỏi kỹ thuật vừa có lương tâm đây?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Dù có kiểm nghiệm viên tốt, vẫn khó tránh khỏi sự cố. Ví như chúng ta không cách gì kiểm soát được nguyên liệu cũng như kỹ thuật sản phẩm. Tôi để ý, năm nay đã có bảy, tám vụ nổ màn hình. Những sự cố kỹ thuật như vậy không chỉ gây scandal mà còn làm lượng sản phẩm tiêu thụ rớt thê thảm. Đó là nguy cơ thứ hai mà chúng ta không cách gì dự phòng.
    Lưu Bị gật đầu:
    - Miền ngược phụ trách kỹ thuật, miền xuôi phụ trách thị trường. Chúng ta là miền xuôi, không cách gì dự phòng nguy cơ kiểu đó.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Nguy cơ thứ ba là giá xuống. Chiến tranh giá cả làm cho giá bán ra thấp hơn mua vào. Khi đó, chúng ta chẳng khác nào đi vào ngõ cụt.
    Lưu Bị nói:
    - Nghe tiên sinh dặn dò, tôi đã gọi điện cho Lưu Biểu. Ông ta nói lúc nào rảnh rỗi sẽ bàn về việc này. Nguy cơ này, chúng ta có thể giải quyết được. Gia Cát Lượng nói:
    - Nguy cơ thứ tư là thị trường rối loạn. Tuy chúng ta là đầu mối tổng tiêu thụ màn hình Hoàng Tộc, song thị trường vẫn có thể xuất hiện vài công ty lai lịch bất minh cũng tiêu thụ mặt hàng này. Không biết là mạng lưới của chúng ta rách hay cơ sở sản xuất bị rò rỉ.
    Lưu Bị thở dài:
    - Để xảy ra việc đó, chúng ta chỉ còn cách tự tổ chức chặt chẽ hơn. Còn nếu vấn đề ở công ty sản xuất, trừ phi có chứng cớ xác đáng, còn không chỉ có thể nhắm mắt làm ngơ.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Nguy cơ thứ năm là nhà sản xuất không giao hàng đúng hẹn khiến chúng ta lỡ cơ hội kinh doanh, khiến không còn tiền mà tái đầu tư.
    Lưu Bị nói:
    - Nguy cơ này ta có thể hợp tác giải quyết. Răng cắn phải lưỡi, đâu phải do ý người?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chi phí quảng cáo ngày càng lớn. Vì vậy, nguy cơ thứ sáu là phí quảng cáo lẹm vào vốn đầu tư. Nếu tập đoàn Kinh Châu không gánh ngay chi phí quảng cáo, vốn lưu động của chúng ta nguy to.
    Lưu Bị nói:
    - Tập đoàn Kinh Châu làm ăn còn rất quan liêu, chi phí quản lý lớn, guồng máy làm việc lề mề, ta rất khó tránh nguy cơ này.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Nguy cơ thứ bảy là một số nhà tiêu thụ thứ cấp hay cửa hàng bán lẻ cá biệt dùng hàng thật để mở thị trường, dùng hàng giả để thu lãi. Nhà tiêu thụ thứ cấp và cửa hàng bán lẻ còn mang đến cho ta nguy cơ thứ tám, đó là chậm thanh toán. Chậm thanh toán không chỉ tổn hại đến vốn lưu động của ta, mà nhiều khả năng là không thu hồi được. Hơn nữa, các cửa hàng bán lẻ có sức đề kháng rất kém, mỗi ngày có hàng nghìn, hàng vạn cửa hàng bán lẻ đóng cửa hay phải chuyển mặt hàng kinh doanh.
    Lưu Bị nói:
    - Đúng rồi. Nếu rắp tâm lừa dối là họ đem đến cho chúng ta nguy cơ thứ chín.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Nguy cơ thứ mười là bị nhà sản xuất "cắt cầu". Một khi tập đoàn Kinh Châu tìm được công ty tiêu thụ vừa ý hơn, hoặc giả họ chuẩn bị tự tiêu thụ, bao công khai phá thị trường của ta sẽ về tay kẻ khác.
    Lưu Bị nói:
    - Nhà sản xuất bị bức phải làm kinh doanh, nhà kinh doanh bị bức phải làm nhà sản xuất, hiện tượng đó rất phổ biến, đâu chỉ có ta và Kinh Châu?
    - Song, - Gia Cát Lượng nói dứt khoát:
    - Nếu không phá giải mười nguy cơ, chúng ta vĩnh viễn không bứt lên được. Chỉ có bước sải, tâm lý sợ hãi mới biến mất, nỗi lo rớt xuống hố không còn. Nếu cứ rón rén như thiếu nữ, e chúng ta chẳng làm nên trò trống gì.

    3. Thượng, trung, hạ sách ứng phó với biến động thị trường

    Lưu Bị nghe Gia Cát Lượng nói thì sốt ruột:
    - Tôi có nghe nói thế giới có ba loại người. Một loại có thể nắm bắt xu thế xã hội để tác động trước, đó là loại người dẫn dắt xã hội thay đổi; loại thứ hai dự cảm sự thay đổi của xã hội để tức tốc bắt kịp thay đổi, đó là loại người thích nghi; loại thứ ba không biết làm gì trước sự thay đổi, cuối cùng bị sự thay đổi đào thải. Tôi cũng biết thương trường sóng dữ, nay lên mai xuống, tình thế biến hóa khôn lường. Để sự thay đổi đào thải, chẳng thà ta ra tay để thay đổi. Tâm huyết với tương lai công ty như vậy, xin tiên sinh nghĩ kế vẹn toàn.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Tôi có ba kế sách: thượng, trung và hạ sách. Xin Tổng giám đốc Lưu nghe và tự có kiến giải.
    Lưu Bị chắp tay cung kính, nói:
    - Xin giảng thượng sách.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Thượng sách là đi theo con đường OEM.
    Lưu Bị hỏi:
    - OEM là gì?
    Gia Cát Lượng nói:
    - OEM là từ viết tắt của Original Equipment Manufacturer (Công ty sản xuất thiết bị gốc), tức là công ty A dán thương hiệu của mình lên sản phẩm của công ty B để kinh doanh. Còn có công ty ODM (Original Design Manufacturer), tức công ty A phụ trách kỹ thuật và thiết kế, công ty B chỉ gia công. Còn nếu gia công sản phẩm của người khác, sau đó dán tên sản phẩm cũng của người khác lên thì là OBM (Original Brand Manufacturer). Chúng ta có thể bắt đầu tư OEM, sau đó dần tiến lên ODM.
    Lưu Bị nói:
    - Ông bảo OEM là dán thương hiệu phải không? Tôi nghe nói hàng OEM không được tốt lắm, khách hàng cho rằng xuất xứ hàng OEM không rõ ràng, không thể tốt bằng hàng chính hãng sản xuất.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Ông chẳng bảo miền ngược phụ trách kỹ thuật, miền xuôi phụ trách thị trường sao? OEM tuy khó khăn về quản lý chất lượng và giá cả, song nó phát huy tối đa ưu thế hợp tác của hai công ty, rất có lợi cho việc nâng cao sức cạnh tranh của chúng ta.
    Lưu Bị nói:
    - Nhà máy Tân Dã là kết quả hợp tác của hai bên, ông bảo cần OEM, đó có phải là cần thay đổi phương thức hợp tác?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Nhà máy Tân Dã có cổ phần danh nghĩa của Hoàng Tộc, nó ra đời được là nhờ ông. Tuy nhiên, cổ phần là cổ phần, chẳng qua chỉ là một con số trong lợi nhuận của xưởng. Cũng có thể nói nó là kết quả hợp tác song phương, song trừ một chút liên quan tới quyết toán cuối năm, chúng ta không có một chút quyền khống chế. Phó tổng giám đốc tập đoàn Kinh Châu Sái Mạo đã nhiều lần rêu rao rằng chia lợi nhuận Tân Dã không hợp lý, chẳng phải muốn loại trừ ông sao? Nếu chúng ta không biết xét thời mà quyết đoán, tất sẽ bị người ta quyết đoán.
    Lưu Bị nói:
    - Chính xác, tên Sái Mạo này bề ngoài hợp tác, thực chất đã từng ép tôi nhảy ngựa qua khe Đàn. Kế OEM để tôi nghĩ thêm, xin tiên sinh giảng trung sách!
    Gia Cát Lượng nói:
    - Trung sách là mua lại quyền khống chế nhà máy Tân Dã của tập đoàn Kinh Châu. Khi đó hai bên mới thực sự thiệt cùng chia, lợi chung hưởng. Nếu không, chỉ cần gặp khó khăn là ai đi đường nấy, tập đoàn Kinh Châu chắc chắn sẽ không ngó ngàng gì tới chúng ta.
    Lưu Bị khẽ gật đầu, nói:
    - Nếu nhà máy Tân Dã và công ty Hoàng Tộc sáp nhập được, mà cổ phần khống chế lại trong tay chúng ta thì tốt quá rồi. Vậy còn hạ sách?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Cái gọi là hạ sách, thực chất là biến công ty kinh doanh Hoàng Tộc thành một tổng đại lý. Bất kể phí tiêu thụ, vận chuyển, quảng cáo là bao nhiêu, công ty Hoàng Tộc đều không chi tiền, chỉ làm đại lý mà thôi. Công ty Hoàng Tộc cũng không chịu rủi ro, chỉ hưởng phần trăm mà thôi.
    Lưu Bị nói:
    - Tốt lắm, chúng ta sẽ lấy trung sách làm chiến lược, lấy hạ sách là chiến thuật.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Tôi vẫn đắn đo về hạ sách. Nhìn bề ngoài, hạ sách không nguy hiểm, thực chất rất nguy hiểm. Tập đoàn Kinh Châu quan liêu như thế nào thì ông đã biết. Làm đại lý, tất việc lớn, việc nhỏ phải xin ý kiến Kinh Châu, việc nào cũng bị chậm trễ. Tuy Hoàng Tộc không có nguy cơ lỗ nhưng lại mất cơ hội phát triển.
    Lưu Bị giật mình, nói:
    - Tôi không nghĩ ra chuyện đó.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Vì vậy, trừ khi không còn cách nào khác, ta không thể dùng hạ sách được. Còn trung sách, tranh giành quyền khống chế cổ phần là chuyện rất khó. Với thượng sách, vì đối tác không chịu rủi ro tài chính nên nhiều khả năng họ sẽ vui vẻ đồng ý.

    4. Binh pháp lạc đà biến khách thành chủ

    Lưu Bị nhìn Gia Cát Lượng bán tín bán nghi:
    - Nói vậy, chúng ta chỉ có cách đi đường OEM?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Xét chiến lược, chỉ có thượng sách và trung sách hợp với binh pháp lạc đà, rất tốt để công ty Hoàng Tộc mở rộng. Trong đó, thượng sách rất tốt cho tự chủ kinh doanh. Mà điểm mạnh của tự chủ kinh doanh là chúng ta có thể phát huy toàn bộ năng lực sáng tạo.
    Lưu Bị nói:
    - Đã vậy, xin ông nói kỹ hơn về OEM!
    Gia Cát Lượng nói:
    - Hồi tôi cưới, người bạn ở Mỹ về tặng quà mừng là một món đồ điện tử nhập khẩu, bóc bao bì ra, mới giật mình thấy dòng chữ Made in China sau máy. Hóa ra các công ty Trung Quốc một năm xuất khẩu bao nhiêu bao nhiêu, kỳ thực là phần lớn gia công cho công ty nước ngoài, dán nhãn của họ rồi xuất khẩu. Trên thị trường Mỹ, hàng dệt may, đồ chơi, máy điện thoại… hầu hết sản xuất ở Trung Quốc nhưng dán mác ngoại. Người Tây chẳng phải ngu, họ thu lợi mà chẳng phải động chân động tay. Các hãng nổi tiếng thế giới như Nike, Pierre Cardin, Philips hầu hết là OEM.
    Mắt Lưu Bị chợt sáng lên:
    - Chà! Đã là kinh nghiệm tốt của Tây, ta ngại gì mà không dùng. Rốt cuộc cái hay của OEM là gì?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Đối với chúng ta, OEM là giảm giá sản phẩm để mở rộng thị trường, đồng thời chuyên nghiệp hóa kinh doanh. Cần biết rằng, khách hàng chỉ biết đến thương hiệu. Chúng ta đã tạo thương hiệu Hoàng Tộc được khách hàng tín nhiệm. Một khi hợp tác giữa chúng ta và Tân Dã đổ vỡ, chỉ cần chúng ta tìm một nhà sản xuất khác là không hề hấn gì.
    Lưu Bị hỏi:
    - Còn nhà máy Tân Dã có lợi gì không?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Nhà máy Tân Dã có thể bước vào con đường chuyên nghiệp chế tạo. Kỳ thực, OEM tại một số công ty Trung Quốc là bí mật chưa được công bố. Trường hợp xưởng sản xuất máy giặt Võ Hán dán hiệu Thiên Nga nhỏ rất đáng nghiên cứu. Nguyên Võ Hán sản xuất máy giặt hiệu Hoa Sen, vì kinh doanh ngày càng khốn đốn nên bất đắc dĩ nên bất đắc dĩ phải hợp tác với Thiên Nga nhỏ. Năm hợp tác thứ nhất, Võ Hán sản xuất 10.000 máy Thiên Nga nhỏ và 30.000 máy Hoa Sen; năm thứ hai là 30.000 máy Thiên Nga nhỏ và 30.000 máy Hoa Sen; năm thứ ba là 240.000 máy Thiên Nga nhỏ và 10.000 máy Hoa Sen; năm thứ tư là 350.000 ngàn máy Thiên Nga nhỏ và không sản xuất máy Hoa Sen nữa. Hiện tại, Võ Hán cam tâm tình nguyện làm cơ sở gia công cho Thiên Nga nhỏ. Vì sao vậy? Vì gia công cho Thiên Nga nhỏ có lãi suất ổn định 1.000quan/máy, lợi hơn nhiều so với tự sản xuất máy Hoa Sen. Trong khi Thiên Nga nhỏ không tốn tiền đầu tư cơ sở sản xuất mà vẫn tăng trưởng tới 120%/năm.
    Lưu Bị tỉnh ngộ:
    - Hóa ra đó là binh pháp lạc đà của ông, dùng thương hiệu để biến hai tập đoàn chế tạo lớn Kinh Châu, Ích Châu thành cơ sở gia công sản phẩm Hoàng Tộc. Rồi ta sẽ tiêu hóa dần họ, thực hiện mục tiêu rắn nuốt voi.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Cái gọi là binh pháp lạc đà chính là kế biến khách thành chủ. Khách cũng có nhiều loại: không trú được lại là khách tạm, trú lại được là khách thường, trú lâu mà không làm chủ được là khách sạn. Chúng ta là thân phận lính đánh thuê, ở lâu tất bị tập đoàn Kinh Châu chà đạp. Trong khi tinh túy của binh pháp lạc đà là "rình khe nhét chân" để nắm quyền chủ động. Từ góc độ kinh tế học mà nói, đó gọi là tối ưu hóa nguồn lực; từ góc độ quản lý học mà nói, trước khi bị người tối ưu hóa, chẳng thà tối ưu hóa người.
    Lưu Bị nói:
    - Tôi hiểu ý ông rồi, các gọi là tối ưu hóa thực chất là tiêu hóa. Chỉ có tối ưu hóa mới có thể tiêu hóa, nếu không, cái đầu con voi to vậy, lấy gì để ta tiêu hóa? Chỉ có con đường OEM mới biến khách thành chủ được.

    5. Nước mắt bôi trơn

    Lưu Bị quyết ý theo binh pháp lạc đà của Gia Cát Lượng, lập tức gọi điện thoại cho Lưu Biểu để khóc lóc kêu khổ. Dùng chiêu này rất mạo hiểm, dân gian có câu "Lưu Bị giả từ bi ném A Đẩu". Trình độ khóc lóc của Lưu Bị rất phi phàm, dù có giả vờ giả vịt cũng gây được hiệu quả tình thâm ý thiết. Quả nhiên Lưu Biểu tâm thần bấn loạn, nói lắp bắp:
    - Anh chỉ biết chú mặt mũi phúc hậu, hiền lành có tiếng trên giang hồ, rất thích hợp để mở mang thị trường. Nào ngờ chú phải chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi như vậy. Gần nhà tôi có quán ăn mới mở, hôm nay anh mời chú. Lưu Bị nói:
    - Bác là đại ca của em, bao năm nay đối xử với em thật tốt, em không làm gì được cho bác, sao dám để bác mời? Chỉ vì thương trường vô tình, em lại đứng ở tuyến đầu, tố khổ với bác chỉ để công việc tốt hơn. Chỉ cần bác thông cảm với khó khăn của em, thì chầu này để em hiếu kính đại ca mới phải.
    Lưu Biểu cười ha hả, nói:
    - Chú khách khí quá. Hừm, thế này nhé, chú gửi cho anh tài liệu, còn anh sẽ lập tức mở cuộc họp về tình huống của chú. Tin rằng anh sẽ làm chú vừa ý.

    LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
    Để phát triển thị trường tiêu thụ, bạn cần dùng nhiều cách thức phù hợp như thương mại điện tử, dán thương hiệu, nhượng quyền, third party, v. v… Trong rất nhiều trường hợp, bạn không thể không mời chuyên gia. Quản lý là một trò chơi mang tính điều khiển, kinh doanh lại càng như vậy. Nếu bạn không thể khống chế cục diện, bạn chỉ có thể để người khác quyết định vận mệnh.

     
    Báo quản trị |  
  • #17911   13/11/2008

    haminhgiap
    haminhgiap
    Top 500
    Sơ sinh

    Hải Phòng, Việt Nam
    Tham gia:18/09/2008
    Tổng số bài viết (183)
    Số điểm: 485
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 6 lần


    Chương 21: CHUYỆN KHỈ ĐUÔI DÀI, NGỰA VẰN VÀ SƯ TỬ

    1. Người mù cõng người què

    Lại nói chuyện Hạ Hầu Đôn giao đấu với Gia Cát Lượng trên thương trường mấy bận đều thảm bại. Không cách gì hoàn thành nhiệm vụ tiêu thụ, Hạ Hầu Đôn quay về tổng công ty chịu tội với Tào Tháo.
    Tào Tháo nổi giận:
    - Hùm không ra oai chẳng khác nào mèo hen. Hãy xem ta ra đòn sấm sét, không bức tên khốn Lưu Bị tới đường cùng không được.
    Hạ Hầu Đôn hỏi:
    - Tổng giám đốc Tào đã có kế rồi?
    Tào Tháo nói:
    - Ta đã xem xét kỹ lưỡng, tên Gia Cát Lượng này giỏi ngón "trổ hoa che đất", nay ta dùng ngón "đào đất khoét rễ" xem hắn ta mạnh hay yếu!
    Hạ Hầu Đôn hỏi:
    - Tổng giám đốc Tào khoét rễ hắn ở đâu?
    Tào Tháo nói:
    - Hoàng Tộc của Lưu Bị giỏi kinh doanh màn hình, song chẳng qua là lính đánh thuê cho Kinh Châu. Chỉ cần phá vỡ quan hệ làm ăn của hắn với Lưu Biểu là chặt đứt rễ hắn. Đến khi đó, bọn chúng không khác chó mất chủ.
    Hạ Hầu Đôn trầm trồ:
    - Sôi sùng sục không bằng rút củi đáy nồi. Tổng giám đốc Tào dùng kế này thật tuyệt diệu. Nhưng tình hình kinh doanh của công ty Hoàng Tộc hiện rất tốt, tập đoàn Kinh Châu sao có thể thôi hợp tác với hắn được?
    Tào Tháo cười:
    - Anh chỉ biết họ có lợi ích hợp tác trước mắt mà không biết về lâu dài hai bên chắc chắn sinh chuyện, hoặc bên này làm chủ, hoặc bên kia làm chủ. Với tập đoàn Kinh Châu, nếu không nắm được thị trường tất sẽ ăn ngủ không yên, thị trường chỉ hơi chút biến động cũng hoảng hốt. Chúng ta phải khoét sâu mâu thuẫn của họ mới giành đại thắng.
    Hạ Hầu Đôn nói:
    - "Rình khe nhét chân" là việc rất dễ dàng. Song, hợp tác của Lưu Bị với Kinh Châu như người mù cõng người què, không ai rời ai được. Người mù dù phải chịu gánh nặng người què, nhưng lại có được đôi mắt sáng.
    Tào Tháo nói:
    - Lưu Bị có mắt sáng, lẽ nào chúng ta không có mắt sáng sao? Huống hồ ta không phải người què, ta chẳng cần lưng ai cả, thay thế Lưu Bị bằng ta chẳng tốt hơn sao? Thay vì để tập đoàn Kinh Châu làm việc cho Lưu Bị, chẳng thà khiến Kinh Châu làm việc cho ta. Chúng ta có thể thôn tính Lưu Biểu, biến tập đoàn Kinh Châu thành một khu công nghiệp từ xa, chuyên sản xuất hàng cho Anh Hùng.
    Hạ Hầu Đôn vui mừng:
    - Được như vậy, chúng ta sẽ đánh bật được Lưu Bị ra khỏi thị trường.
    Tào Tháo nói:
    - Tôi đã soạn một công hàm thương vụ, phiền anh mệt nhọc một phen, đưa thư này đến cho Lưu Biểu. Đồng thời anh sao ra mấy bản gửi cho lãnh đạo tập đoàn Kinh Châu, tôi nghe nói Phó tổng giám đốc Kinh Châu Sái Mạo ghét Lưu Bị, anh phải tranh thủ hắn ta.

    2. Email của Tào Tháo

    Hạ Hầu Đôn và Sái Mạo gặp nhau ở bar Tam quốc diễn nghĩa. Hạ Hầu Đôn kể về lá thư của Tào Tháo, Sái Mạo nói:
    - Tôi hướng về Tổng giám đốc Tào từ lâu, nương cây lớn được hưởng bóng mát. Song chúng tôi hợp tác với Lưu Bị đã mấy năm, thành quả cũng không tồi. Hơn nữa, sếp Lưu Biểu lại có họ với Lưu Bị.
    Hạ Hầu Đôn nói:
    - Xưa kia Hán Cao tổ phong vương cho họ Lưu, nghĩ rằng từ đây thiên hạ thái bình. Ngờ đâu con cháu họ Lưu bắt đầu tranh giành quyền lực. Nếu như không có một người không phải họ Lưu đứng ra gánh vác triều chính thì lịch sử nhà Hán đã phải viết lại. Đừng để tình họ hàng làm mờ mắt, thân phận Lưu Bị chẳng qua là kẻ cầm đầu toán quân đánh thuê cho tập đoàn Kinh Châu mà thôi.
    Sái Mạo cười sằng sặc một hồi, sau đó nói:
    - Anh nói cũng đúng. Song đội làm thuê của Lưu Bị cũng có đóng góp nhất định cho tập đoàn Kinh Châu, nay đột nhiên phá bỏ hợp tác, tình lý nói sao đây?
    Hạ Hầu Đôn nói:
    - Anh là người sáng suốt, tất nhìn ra được điều lợi – hại của đội quân làm thuê. Anh thử lên net tra xem, rất nhiều công ty vì nguy cơ thị trường hay muốn có thêm vốn đã dẫn sói vào nhà, kết quả bị đối tác biến chủ thành khách, cơ nghiệp xây dựng bao năm tiêu tan. Vì sao vậy? Vì mục đích, lợi ích hai bên không giống nhau, đoàn quân làm thuê của Lưu Bị như quả bom nổ chậm đặt bên tập đoàn Kinh Châu, không biết nổ lúc nào.
    Sái Mạo thở dài, không nói gì. Hạ Hầu Đôn nói:
    - Có điều này, xin anh cứ yên tâm. Tổng giám đốc Tào nói, đợi sau khi hai công ty ta hợp nhất, công ty sẽ được kết cấu lại, các bộ phận màn hình, điều hòa, tủ lạnh, bình nóng lạnh sẽ được thiết lập. Anh sẽ được làm giám đốc bộ phận bình nóng lạnh, còn lương, sẽ gấp năm lần hiện nay.
    Bất giác Sái Mạo đờ ra, tim rộn lên. Hạ Hầu Đôn nói tiếp:
    - Tổng giám đốc Tào của chúng tôi còn nói, bất kể điều kiện của anh và tập đoàn Kinh Châu là gì, chúng tôi đều đáp ứng.
    Sái Mạo nói:
    - Anh có thể bố trí cho tôi gặp Tổng giám đốc Tào thương lượng được không?
    Hạ Hầu Đôn cười:
    - Nãy giờ tôi đợi lời vàng này của anh.
    Hạ Hầu Đôn với chiếc cặp bên cạnh, mở khóa kéo, bên trong lộ ra một chiếc máy tính bảng. Hạ Hầu Đôn nói:
    - Đây là con Tablet PC đời mới nhất, cấu hình cực cao. Tổng giám đốc Tào nói "bảo kiếm tặng anh hùng", xin anh nhận lấy.
    Tim lại rộn lên hồi nữa, Sái Mạo nói:
    - Thế này có phải là tôi nhận hối lộ không?
    Hạ Hầu Đôn nói:
    - Sao anh nghĩ vậy. Ý của Tổng giám đốc Tào là trong quá trình sáp nhập, sẽ có rất nhiều tài liệu, thư từ phải xử lý – máy này rất tiện cho anh. Ví như anh có thể liên lạc với Tổng giám đốc Tào qua thư điện tử, địa chỉ đã có sẵn trong máy, hy vọng anh sẽ giữ liên lạc thường xuyên.
    Sái Mạo được yêu quá hóa hoảng, nói:
    - Tổng giám đốc Tào đã có lòng yêu, Sái Mạo này quyết mai mối thành công.

    3. Năm ảnh hưởng tiêu cực của công ty tiêu thụ

    Vừa hay hôm sau Lưu Biểu mở hội nghị lãnh đạo tập đoàn để bàn về vấn đề của Lưu Bị. Lưu Biểu nói:
    - Hợp tác sản xuất – kinh doanh có lúc gặp trục trặc. Tôi cũng biết trong chúng ta cũng có người không vừa lòng với Lưu Bị. Nhưng dù thế nào, công xông pha tuyến đầu không thể xem nhẹ. Vì vậy, chúng ta cũng phải cân nhắc kỹ đề nghị của Lưu Bị rồi đưa ra giải pháp toàn diện.
    Sái Mạo nói:
    - Như đồng tiền có hai mặt, tôi nghĩ vấn đề của Lưu Bị chỉ là một mặt, mặt kia là vấn đề của ta. Cái gọi là "toàn diện", trước hết phải nhìn vấn đề từ hai phía. Thực tình, nếu không có Lưu Bị, chúng ta không thể có mạng lưới tiêu thụ màn hình; không có Lưu Bị, nhãn hiệu Hoàng Tộc cũng không thể có ảnh hưởng trên thị trường đến vậy. Công lao Lưu Bị quả không nhỏ. Song, chúng ta cũng nên tỉnh táo, do đặc thù quan hệ giữa tập đoàn Kinh Châu và Lưu Bị nên cũng tồn tại rất nhiều nhân tố bất lợi cho sự phát triển của chúng ta.
    Lưu Biểu biến sắc mặt, chau mày, hỏi:
    - Sái Mạo, ý anh là gì?
    Sái Mạo nói đều đều:
    - Ý tôi là, Lưu Bị đã tạo khai phá thị trường cho màn hình Hoàng Tộc. Tuy nhiên, việc gì cũng có hai mặt, ta cần phải có cái nhìn mới, công bằng về sự hợp tác này. Sau một thời gian dài suy ngẫm, tôi cho rằng quan hệ hợp tác này tạo năm ảnh hưởng tiêu cực tới tập đoàn Kinh Châu.
    Lưu Biểu nhìn Sái Mạo, cười miễn cưỡng. Sái Mạo nói: - Ảnh hưởng tiêu cực thứ nhất là dựa vào công ty tiêu thụ một thời gian dài đã khiến sức ì lớn nghiêm trọng. Từ khi Lưu Bị tới, màn hình Hoàng Tộc từ không thành có, thị phần từ nhỏ thành lớn. Tôi nghĩ, nếu không có Lưu Bị, nếu chúng ta tự tiêu thụ, công việc phải làm sẽ rất nhiều, khó khăn phát sinh sẽ không ít. Song nếu chúng ta vì sợ khó mà dựa tất vào Lưu Bị, e chúng ta vĩnh viễn không hiểu thế nào là kinh doanh tiêu thụ chứ không nói gì đến bước chân vào thị trường tiêu thụ. Tất cả người nghe đều im lặng. Sái Mạo đã chỉ ra nỗi đau của tập đoàn Kinh Châu.
    Sái Mạo nói:
    - Ảnh hưởng tiêu cực thứ hai là để công ty kinh doanh phụ trách thị trường nên sức khống chế thị trường của chúng ta rất yếu. Dù màn hình Hoàng Tộc có làm mưa làm gió trên thị trường thế nào, thì đó cũng không phải là thị trường của chúng ta, mà là thị trường của Lưu Bị. Thực tế, chúng ta không tạo được một gợn sóng nhỏ trên thị trường.
    Lưu Biểu hừm một tiếng, nói:
    - Mưa gió cái gì? Anh chỉ nghe người ta gièm pha. Lưu Bị thì ở đây ai cũng quá hiểu, đó là người đôn hậu, nhân nghĩa, rất đáng tin cậy. Thay người khác thì không thể có hợp tác tốt đẹp như hiện nay.
    Sái Mạo nói:
    - Nhân nghĩa của Lưu Bị chỉ là nhân nghĩa hiện trên mặt để che đậy dã tâm. Vấn đề hợp tác khó khăn giữa hai bên chẳng phải do Lưu Bị khơi ra sao? Đúng là "gió từ Lưu Bị nổi, sóng từ Lưu Bị dâng".
    Lưu Biểu nói:
    - Sao anh cứ bé xé ra to vậy?
    Sái Mạo nói lạnh lùng:
    - Chúng ta đóng cửa bàn bạc là đã đề phòng chuyện nhỏ rồi.
    Lưu Biểu mở miệng định nói nhưng lại dừng. Sái Mạo nói:
    - Vì sao lại có sóng gió giữa hai bên vậy? Vì mỗi bên đều có những lợi ích và cách thức theo đuổi lợi ích riêng. Cũng từ đây xung đột phát sinh. Đó chính là ảnh hưởng tiêu cực thứ ba. Mục đích kinh doanh tiêu thụ thường khó tránh khỏi sai lệch với mục tiêu của chúng ta.
    Lưu Biểu hỏi:
    - Còn gì nữa?
    Sái Mạo nói:
    - Còn ảnh hưởng tiêu cực thứ tư. Do bên tiêu thụ khống chế thị trường nên chúng ta bị rơi vào thế yếu khi đàm phán. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến hầu bao của chúng ta.
    Lưu Biểu hừm một tiếng, nói:
    - Mục tiêu của từng nhân viên còn khó khớp với mục tiêu công ty, huống hồ là Lưu Bị? Còn ảnh hưởng thứ tư, không thể chỉ nhìn thấy khó khăn của chúng ta mà không để ý tới khó khăn của người. Nếu muốn, anh cứ thủ tự mình xông pha ra thị trường một phen xem thế nào?
    Sái Mạo nói:
    - Anh đừng nóng vậy. Còn ảnh hưởng tiêu cực thứ năm nữa. Do không có đội ngũ thiện chiến dưới quyền, chúng ta không cách gì chủ động đuổi theo lợi nhuận.
    Lưu Biểu nhìn trần nhà, mãi mới nói:
    - Theo anh, chúng ta nên làm gì?
    Sái Mạo nói:
    - Chẳng phải Tào Tháo đã chuyển cho anh công hàm thương vụ sao? Kinh doanh ai cũng phải xu thời phụ thế, tìm lành tránh dữ, vì sao chúng ta không dựa vào quả núi lớn mà cứ trói mình dưới gốc cây lung lay vậy?

    4. Câu chuyện khỉ đuôi dài, ngựa vằn và sư tử

    Lưu Biểu ngạc nhiên, hỏi:
    - Làm sao anh biết có công hàm thương vụ của Tào Tháo?
    Sái Mạo nói:
    - Hôm nay chắc các vị ngồi đây đều đã nhận được bản sao công hàm thương vụ đó. Mọi người đang chờ sự trả lời của anh!
    Lưu Biểu ngửa người trên ghế, vừa như ngẫm nghĩ vừa nói chầm chậm:
    - Trên thảo nguyên, một chú ngựa vằn tìm bạn để cùng nhau đi săn. Có sư tử mạnh mẽ, khỉ đuôi dài thông minh, các anh sẽ cho rằng ngựa vằn sẽ hợp tác với con nào?
    Sái Mạo nói:
    - Tất nhiên là vua sư tử rồi!
    Lưu Biểu lấy ra một cuốn tựa đề "Ngụ ngôn quản lý", lật một trang đánh dấu sẵn và đưa ra trước bàn Sái Mạo, nói:
    - Anh đọc câu chuyện này đi!
    Ngựa vằn cùng với khỉ đuôi dài hợp tác đi săn. Khỉ đuôi dài trèo lên cao nên phát hiện mục tiêu dễ dàng, ngựa vằn chạy khỏe nên săn bắt rất nhanh. Một lần ngựa vằn cãi nhau với khỉ đuôi dài, ngựa vằn bực dọc: "Con khỉ này thật xảo trá, chuyên môn chọn việc nhẹ, còn mình làm hùng hục".
    Ngựa vằn bỏ khỉ đuôi dài, tìm gặp sư tử đề nghị hợp tác. Ngựa vằn nghĩ rằng cả hai đều cùng chạy thì không ai có thể lười. Nào ngờ, khi đi săn về, sư tử chia mồi làm ba phần và nói với ngựa vằn: "Vì tao là vua sư tử nên được phần thứ nhất; tao giúp mày săn nên được phần thứ hai; còn giờ nếu mày không chạy nhanh thì phần thứ ba sẽ làm mày mất mạng đấy! "
    Sái Mạo đọc xong, đưa trả lại Lưu Biểu.
    Lưu Biểu nói:
    - Công ty chúng ta là ngựa vằn, chọn đúng đối tác là vấn đề sinh tồn.
    Sái Mạo lắc đầu phản đối:
    - Chưa chắc Lưu Bị đã là khỉ đuôi dài.
    Lưu Biểu nói:
    - Lưu Bị có thể không phải là khỉ đuôi dài, nhưng chắc chắn Tào Tháo là sư tử.
    Sái Mạo nói:
    - Anh ví Tào Tháo như sư tử hung tợn, tôi lại ví ông ta như cá heo hiền lành. Ví dụ nào cũng rất phiến diện và không giải quyết được vấn đề cụ thể. Tào Tháo đã có thành ý hợp tác, sao chúng ta lại dùng một câu chuyện ngụ ngôn so sánh què quặt để từ chối?
    Lưu Biểu chợt nổi giận:
    - Tào Tháo có là anh rể của anh không mà sao anh cảm tình với hắn đến vậy?
    Sái Mạo nói:
    - Ai đọc "Tam quốc diễn nghĩa" đều biết chính anh mới là anh rể tôi. Chương 40 trong "Tam quốc diễn nghĩa" là "Sái phu nhân bàn hiến Kinh Châu, Gia Cát Lượng hỏa thiêu Tân Dã", Sái phu nhân chính là chị tôi đấy! Lưu Biểu cười nhạt, nói:
    - Chẳng phải anh và chị muốn hiến Kinh Châu mà không xong?
    Sái Mạo phản đối:
    - Sao có thể thế được? Lẽ nào tôi và chị muốn hại anh?
    Lưu Biểu nói:
    - Anh chị không có bụng hại tôi, nhưng vì ngây thơ nên bị người lợi dụng, trở thành công cụ gây hại cho tôi và tập đoàn Kinh Châu.
    Vẻ mặt ngây thơ, Sái Mạo nói:
    - Làm thế nào để anh tin tôi đây?
    Lưu Biểu ngẫm nghĩ rồi nói:
    - Anh hãy nói với Tào Tháo, nếu ông ta có thành ý thì chúng ta không thể không hợp tác. Song có hai điều kiện: tập đoàn Kinh Châu phải có cổ phần khống chế và quyền bổ nhiệm nhân sự trong công ty mới.
    Đêm đó, Sái Mạo viết email thuật ý Lưu Biểu gửi Tào Tháo. Mãi mà Tào Tháo không trả lời. Giục giã mấy lần, cuối cùng Tào Tháo cũng gửi email kể một câu chuyện.
    Sư tử yêu và cầu hôn cô ngựa vằn. Không muốn gửi gắm đời mình vào một con mãnh thú, nhưng cô ngựa vằn không dám từ chối, bèn nghĩ ra một cách. Cô ngựa nói với sư tử: "Ngài là anh hùng trong vương quốc động vật, tôi rất muốn lấy ngài. Nhưng tôi rất sợ răng nhọn, móng sắc của ngài. Nếu ngài cắt nanh và vuốt, tôi sẽ lập tức cưới ngài".
    Sư tử đồng ý, cắt sạch răng và móng, thế là ngựa không còn sợ sư tử nữa. Khi sư tử đến bên người tình trong mộng, cô ngựa quay người, đá hậu một cú làm sư tử ngã quay.
    Tào Tháo chú dưới câu chuyện: "Sư tử sở dĩ là sư tử, chính vì có răng và móng sắc. Trong hợp tác, mất quyền bổ nhiệm nhân sự và cổ phần khống chế khác nào sư tử mất nanh vuốt? "
    Sái Mạo run rẩy như ngựa vằn sắp bị thịt. Ông ta đờ đẫn nhìn màn hình giống như đang nhìn một bộ mặt sư tử nhe nanh.

    LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
    Trò chơi sáp nhập không bao giờ là cuộc "hôn nhân mỹ mãn". Giả sử có cuộc "hôn nhân mỹ mãn", thì đó cũng là giả. Khi bên A nắm quyền, họ sẽ không còn quan tâm đến lợi ích bên B nữa.
    Tuy nhiên bên B phải từ bỏ quyền khống chế là có nguyên nhân. Có lẽ họ không thể cải thiện nổi tình hình công ty, bắt buộc phải chọn giải pháp đầu hàng, trong đó sáp nhập là lựa chọn tốt nhất. Cũng có lẽ họ dùng trá thuật lấy nhu khắc cương, chấp nhận mất quyền khống chế nhưng lại có thể thực hiện được mục đích khác. Sau đó, họ sẽ lần lượt bỏ đi và tái xuất giang hồ dưới bộ mặt khác.
    Bất kể bạn là bên A hay bên B, bạn cần hiểu rõ:
    1. Sáp nhập là một cách giải quyết vấn đề, nhưng bạn vẫn có thể chọn cách khác.
    2. Không nên phức tạp hóa vấn đề, cũng như khối ung thư, bạn càng động chạm đến nó, nó càng hại bạn.
    3. Thứ duy nhất bạn cần, đó là kỹ thuật giải quyết vấn đề.

     
    Báo quản trị |  
  • #17912   13/11/2008

    haminhgiap
    haminhgiap
    Top 500
    Sơ sinh

    Hải Phòng, Việt Nam
    Tham gia:18/09/2008
    Tổng số bài viết (183)
    Số điểm: 485
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 6 lần


    Chương 22: QUẢN LÝ LÀ MỘT LOẠI HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA

    1. Chiêu khích tướng của Gia Cát Lượng

    Lại nói Tào Tháo muốn thôn tính Kinh Châu nên nóng lòng đợi cơ hội. Từ bên Kinh Châu nhìn sang bên kia sông là đại bản doanh công ty màn hình Tiểu Bá Vương của tập đoàn Đông Ngô. Theo chiến lược của Tào Tháo, sau khi thôn tính được Kinh Châu, Đông Hán sẽ tấn công Đông Ngô để thống nhất thiên hạ. Ngày Tào Tháo mong chờ đã đến, con ngựa đốm Lưu Biểu bỗng trúng gió, sóng gió nổi lên trong tập đoàn Kinh Châu.
    Điều tệ hại nhất cuối cùng đã xảy ra, Gia Cát Lượng nói:
    - Lưu Biểu tuổi đã cao, bệnh kỳ này e không dậy được. Tập đoàn Kinh Châu sẽ thay chủ mới, chúng ta phải tính trước thôi.
    Lưu Bị nói:
    - Cơ sở sự nghiệp của tôi đặt hết ở Kinh Châu, giờ lâm đại nạn, tôi biết chạy đi đâu?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Trước mắt hãy đến tập đoàn Đông Ngô của Tôn Quyền. Một khi Tào Tháo hạ Kinh Châu, mục tiêu tiếp theo sẽ là Đông Ngô. Chỉ cần hai bên kề vai sát cánh là cơ sự có thể cứu vãn.
    Lưu Bị nói:
    - Đông Ngô là tập đoàn lớn, nhân tài chen chúc, không biết họ có dung chúng ta không?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Đại địch đã trước mặt, Đông Ngô tất phải phản ứng. Hôm qua, giám đốc thị trường tập đoàn Đông Ngô Lỗ Túc đã gọi điện cho tôi để nghe ngóng tình hình Kinh Châu. Tôi đã hẹn với Lỗ Túc sang Đông Ngô gặp chủ tịch hội đồng quản trị Tôn Quyền.
    Lưu Bị nói:
    - Đã vậy, ông hãy mau tới để thiết lập quan hệ với Đông Ngô. Một khi Kinh Châu chìm xuồng. Tôn Quyền có lẽ sẽ quẳng cho chúng ta cọng cỏ cứu mệnh.
    Gia Cát Lượng lập tức lấy vé đi Đông Ngô. Ngày hôm đó, Lưu Biểu lặng lẽ từ trần. Tào Tháo và quan chức Bộ Công nghiệp Điện tử đích thân đến tập đoàn Kinh Châu dâng vòng hoa viếng.
    Trưa hôm sau, được Lỗ Túc dẫn tiến, Gia Cát Lượng gặp chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Đông Ngô Tôn Quyền. Tôn Quyền hỏi:
    - Nghe nói Tào Tháo sắp lấy Kinh Châu, anh còn chạy đến chỗ tôi làm gì? Gia Cát Lượng hỏi lại:
    - Tôi là quân của công ty Hoàng Tộc, Tào Tháo lấy Kinh Châu thì việc gì đến tôi?
    Tôn Quyền cười cười, lại hỏi:
    - Tào Tháo là cao thủ đầu tư, hôm nay nuốt Kinh Châu, không biết ngày mai sẽ nuốt ai? Tiên sinh hiện là đương kim Gia Cát Lượng, chắc chắn có kiến giải độc đáo về thế cục trước mắt.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Tào Tháo được Kinh Châu, chắc chắn sẽ phóng tầm mắt xuống Giang Nam, mục tiêu tới đây không phải Đông Ngô thì là gì?
    Tôn Quyền vẫn tiếp tục hỏi:
    - Theo ý tiên sinh, tôi nên bắt chước tập đoàn Kinh Châu theo Tào, hay là cùng hắn ta so một trận cao thấp trên thương trường?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Tôi đến diện kiến ngài vì nghĩ chủ tịch hội đồng quản trị Tôn là bậc anh hùng. Nay ngài hỏi như vậy, rõ ràng là không đủ tự tin. Đã vậy, tôi khuyên ngài chủ động theo Tào là xong.
    Tôn Quyền sững người, rồi cười nhạt:
    - Tiên sinh muốn trêu tôi sao? Xin hỏi tiên sinh, vì sao Lưu Bị không theo Tào?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Lúc còn sống, Lưu Biểu đã ví Tào Tháo với sư tử hung ác. Theo sư tử, chẳng phải là tự nằm lên thớt sao? Nay Lưu Biểu chết đi, tập đoàn Kinh Châu rơi vào tay Tào Tháo, truyện ngụ ngôn của Lưu Biểu đã ứng nghiệm. Hoàng Tộc tuy là công ty nhỏ, song tổng giám đốc Lưu của chúng tôi là người khí cốt, thà chết không khuất phục. Hàng Tào Tháo sao được?
    Chợt Tôn Quyền nổi giận, quát:
    - Lẽ nào trong mắt anh tôi chỉ là phường tham sống sợ chết?
    Vừa nói, Tôn Quyền vừa đứng dậy, đi nhanh ra khỏi phòng khách, để lại Gia Cát Lượng chơ vơ một mình. Lát sau, Lỗ Túc vào phòng và trách Gia Cát Lượng:
    - Chủ tịch hội đồng quản trị của chúng tôi là người phóng khoáng, làm sao ông lại khiến ông ta giận dữ đến vậy?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Tự ông ta thấy khó chịu, trách gì tôi. Tôi đến đây để bàn bạc kế đối phó Tào Tháo, tôi cũng giận đây này!
    Lỗ Túc nói:
    - Tiên sinh có diệu kế gì? Thay mặt chủ tịch Tôn, tôi xin ông thỉnh giáo! Gia Cát Lượng nói:
    - Thế lực Tào Tháo bề ngoài tuy rất mạnh, nhưng với tôi, chẳng qua chỉ là thiêu thân mà thôi. Chỉ cần tôi vung tay một cái, bọn họ sẽ nát như cám.

    2. Bí quyết Trương Phi đại náo cầu Tràng Bản

    Lỗ Túc đến phòng chủ tịch hội đồng quản trị gặp Tôn Quyền, Tôn Quyền nói:
    - Tên Gia Cát Lượng này đã có mưu hay, cố tình dùng kế khích tướng để khiến tôi nổi giận. Tôi vì thiển kiến mà lỡ mất đại sự.
    Nói rồi, Tôn Quyền quay lại phòng khách xin Gia Cát Lượng tiếp tục trình bày. Gia Cát Lượng vội đáp lễ, nói: Vừa rồi lỡ mạo phạm, xin chủ tịch Tôn mở lượng hải hà.
    Tôn Quyền cầm tay Gia Cát Lượng mời dùng trà chiều, Lỗ Túc theo sau. Ba người tới quán trà nghệ thuật "Nghìn tầng tuyết", chọn một bàn sát cửa sổ, vừa pha trà vừa đàm luận binh pháp.
    Lỗ Túc nói:
    - Vừa qua nghe ông bảo có diệu kế phá Tào, có thể nói cho chủ tịch hội đồng quản trị chúng tôi nghe được không?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Nhìn bề ngoài, Tào Tháo sừng sững như núi dựng trước mặt, là một công ty quy mô rất lớn. Trên thực tế, hắn chẳng qua chỉ là núi giấy. Trận Xích Bích năm xưa, liên quân Lưu – Tôn há chẳng phải đã đốt 130.000 quân Tào sao? Quân hùng tướng mạnh như vậy, hóa ra không chịu nổi một mồi lửa. Xem ra hắn vẫn chưa rút ra được bài học năm xưa, vẫn theo vết xe đổ.
    Tôn Quyền "ầy" một tiếng, nói:
    - Ngày xưa khác, ngày nay khác. Tiên sinh đừng nhìn người bằng con mắt người xưa nữa.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Công ty có thành công hay không, quan trọng là nó mạnh như thế nào, chứ không phải nó to như thế nào. Công ty Tào Tháo nay "hư" thì to, "thực" thì lắm bệnh, lẽ nào chịu nổi một đòn?
    Tôn Quyền nói:
    - Ông bảo công ty Tào Tháo lắm bệnh, là bệnh gì vậy?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Công ty Tào Tháo mắc bệnh "đau đầu tổng hợp", bệnh này có hai triệu chứng điển hình: một là "hoa mày, chóng mặt, tai ù", thứ hai là "bụng rát, lưng đau, khí huyết hư".
    Tôn Quyền hỏi:
    - Thế nào là "hoa mày, chóng mặt, tai ù"?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Nói "hoa mày chóng mặt tai ù" để chỉ quyết sách kinh doanh của Tào Tháo. Từng có thời nhà sáng nghiệp Tào Tháo hành động thận trọng, tư duy lạnh lùng, giỏi chớp thời cơ và khéo tránh nguy hiểm. Mọi người chắc còn nhớ chuyện "Tào Tháo dâng dao". Vốn Tào Tháo cầm dao tới định giết Đổng Trác, thấy tình huống bất lợi bèn vội dâng dao cán ngọc tặng Đổng Trác. Song, Tào Tháo nay hành động không còn thận trọng như xưa, thành công làm ông ta trở thành kẻ trên tiên, tưởng không việc gì trên đời này mình không làm được nên nhắm mắt tung hoành. Vì chứng "chóng mặt" nên ông ta đã mất năng lực quan sát thị trường tinh mẫn của mình, dẫn đến chứng "hoa mày" khi quyết định chiến lược, cứ nghĩ rằng dễ dàng "hát để vịnh chí". Thực hiện chiến lược, ông ta chỉ dựa vào kinh nghiệm, ý ta ta làm, tai ù không nghe lời trung thực. Một khi xảy ra "địa chấn" là cơ nghiệp sụp đổ.
    Tôn Quyền lại hỏi:
    - Thế còn "bụng rát, lưng đau, khí huyết hư"?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Nói "bụng rát, lưng đau, khí huyết hư" để chỉ trách nhiệm, hiệu quả công việc của Tào Tháo. Khi Công ty mới thành lập, các cấp quản lý còn ít, thông tin nội bộ thông suốt kịp thời, ý thức hợp tác giữa các bộ phận còn mạnh. Nhưng khi công ty phát triển tới một quy mô nhất định, các sự vụ quản lý sẽ trăm đầu nghìn mối, cơ cấu phòng ban chồng chéo, quan hệ nội bộ công ty phức tạp, quản lý và nhân viên lao vào đấu đá. Khi đó, nhiều giám đốc chi nhánh sẽ không còn nghĩ tới tiến thủ, ngoài miệng hô hào nhưng trong thì đục khoét công ty. Giống như người béo bệu, đi một bước lại thở hổn hển, bất kỳ lúc nào cũng có thể trúng gió hay nhồi máu cơ tim mà chết.
    Tôn Quyền nói:
    - Ông bảo công ty Tào Tháo mang bệnh, có gì chứng thực không?
    Gia Cát Lượng hỏi:
    - Các ông nghe chuyện hai vị anh hùng ở dốc Tràng Bản chưa?
    Lỗ Túc nói:
    - Tất nhiên nghe rồi. Một vị là Triệu Vân đơn thương độc mã bảy lần tiến, bảy lần rút giữa trăm vạn quân Tào để cứu A Đẩu con Lưu Bị. La Quán Trung có thơ khen rằng: "Hổ thiêng vùng vẫy trong quân Tháo; Rồng nhỏ nằm trọn bọc Tử Long". Vị kia là Trương Phi, cũng đơn thương độc mã đứng đầu cầu Tràng Bản mà hét lớn, quân tướng Tào sợ hãi nhất tề bỏ chạy, người ngựa giẫm đạp nhau, chết không biết bao nhiêu mà kể. La Quán Trung có thơ khen rằng: "Bên tai một tiếng vang như sấm; Khiếp vía quân Tào vội rút nhanh". Công ty Lưu Bị tuy nhỏ nhưng lại có nhân viên kiệt xuất khiến người đời phải cảm phục!
    Gia Cát Lượng cười thoải mái:
    - Vì sao Triệu Vân có thể đơn thương độc mã, bảy lần tiến, bảy lần rút giữa trăm vạn quân Tào? Ngoài chuyện anh ta dũng cảm, còn nguyên nhân khác là nhân viên công ty Tào Tháo thiếu tinh thần hợp tác. Tục ngữ có câu "mãnh hổ nan địch quần hồ", đừng nói là trăm vạn, chỉ cần trăm người đồng tâm hiệp lực thì Triệu Vân có chạy đằng trời.
    Tôn Quyền gật đầu vẻ ngẫm ngợi. Gia Cát Lượng nói:
    - Còn kết quả tiếng thét của Trương Phi khiến người ta không thể hiểu nổi. Điều đó chứng minh công ty Tào Tháo béo bệnh, sợ đến cả một tiếng thét. Tôn Quyền nói:
    - Hóa ra Tào Tháo ngoài mạnh trong yếu, nhưng rốt cuộc nguyên nhân do đâu?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Sở trường của Tào Tháo chẳng qua là khéo đầu cơ. Ông ta xuất thân từ xí nghiệp nông thôn, sau đó dùng phương thức quốc hữu dân doanh để kinh doanh đồ nhựa ở Sùng Châu, Sơn Đông, rồi phất lên nhờ đầu tư nhà đất ở Hứa Xương, Hà Nam, cuối cùng là nhờ Hán Nam Đế mà Tào Tháo lắc mình một cái thành Tổng giám đốc công ty nhà nước Đông Hán. Nói thực, nhiều khả năng Tào Tháo không biết gì về cái gọi là quản lý công ty.
    Tôn Quyền nói:
    - Tối qua tôi vừa đọc trên mạng thấy kết quả cuộc điều tra hệ thống lần thứ bảy về giới kinh doanh Trung Quốc, hầu hết các nhà kinh doanh đều lấy kinh nghiệm để quản lý công ty. Họ không hề qua lớp huấn luyện về hệ thống quản lý công – thương nghiệp, cũng lơ mơ về kỹ năng, phương pháp và khoa học quản lý. Ban đầu những khiếm khuyết này không lộ rõ, phát triển đến một giai đoạn nhất định, nó sẽ hết sức nguy hại.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Chủ tịch Tôn nói rất đúng. Suy cho cùng, quản lý công ty là một hình thức hoạt động văn hóa. Hai công ty sáp nhập, nền văn hóa công ty hai bên không dung hợp tất gây xung đột. Năm xưa Tào Tháo thôn tính Viên Thiệu, tuy lập kỳ tích rắn nuốt voi, song cái đầu voi chưa tiêu hóa hết vẫn làm khổ cái dạ dày rắn. Đến giờ vẫn còn nhiều cấp dưới cũ của Viên Thiệu giữ chí hướng khác, không thực bụng theo Tào. Nay Tào Tháo lại lập đại công sáp nhập được Kinh Châu, cái dạ dày ông ta lại sắp đau một chập đây.
    Tôn Quyền nghĩ ngợi, hỏi:
    - Tiên sinh cho rằng chúng tôi nên ra đòn thế nào?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Chúng ta nên chuẩn bị ứng chiến thật tốt. Tào Tháo tin rằng với tốc độ phát triển như thế này, ông ta sẽ nén cơn đau dạ dày để xơi nốt đại tiệc Đông Ngô. Xưa Trương Phi đã thét một tiếng lui trăm vạn quân Tào, nay chúng ta cũng nên cho ông ta một mồi lửa nữa thôi!

    3. Lửa thiêu màn hình, trận Xích Bích mới

    Bỗng Gia Cát Lượng nhớ tới một người, bèn hỏi:
    - Chủ tịch Tôn, sao không thấy CEO mới của tập đoàn Đông Ngô Chu Du? Tôn Quyền nói:
    - Anh ta đang tham gia đại hội quảng cáo của đài truyền hình trung ương. Tôi vừa gọi điện mời anh ta ngày mai quay về.
    Chu Du bay về và mang theo tin tức mới nhất về Tào Tháo. Tại đại hội trưng bày quảng cáo của đài truyền hình trung ương lần này, công ty của Tào Tháo trên bậc quần hùng không ngại gì mà chiếm ngay một chỗ to nhất.
    Tào Tháo vung bút lớn làm chấn động thị trường quảng cáo Trung Quốc. Dòng chữ điện tử Anh Hùng được quảng cáo liên tục trên đài truyền hình trung ương. Mật độ quảng cáo quá dày khiến màn hình ti-vi nóng rực, vì thế mọi người gọi là "đại chiến Xích Bích".
    Tôn Quyền vội gọi Chu Du, Gia Cát Lượng bàn cách chung sức đối phó. Chu Du khách sáo với Gia Cát Lượng mấy câu rồi đi thẳng vào vấn đề:
    - Lần đốt tiền của Tào Tháo này thật điên rồ, mà cũng thật đáng sợ!
    Gia Cát Lượng cười:
    - Tào Tháo tự chuốc diệt vong, anh sợ làm gì?
    Chu Du sững người, hỏi:
    - Tiên sinh có thể nói rõ hơn được không?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Trước tiên nói về quảng cáo. Tác dụng của quảng cáo là gì? Để nổi tiếng, đúng không? Song nổi tiếng chưa đủ, phải còn có tiếng tốt. Nếu không có tiếng tốt, người xem quảng cáo vẫn mua hàng của hãng khác.
    Chu Du thấy hứng thú, nói:
    - Làm người cũng vậy, có người danh thơm muôn thuở, có người tiếng xấu vạn niên. Cùng nổi tiếng song kết quả ngược nhau.
    Gia Cát Lượng lấy bút tiến tới chiếc bảng, nói:
    - Phân tích mối quan hệ giữa nổi tiếng và tiếng tốt, chúng ta nhận thấy những tình huống sau: 
            1. Nổi tiếng = tiếng tốt > 0 Đó là danh xưng thực, thương hiệu ở tình trạng tốt nhất, phản ánh mối quan hệ tương tác tích cực giữa nổi tiếng và tiếng tốt, rất có lợi phát triển thương hiệu. 
            2. Nổi tiếng > tiếng tốt > 0 Đó là danh quá thực. Công ty nên giảm quảng cáo thái quá mà hãy bám vào thực tế, khổ luyện nội công, chú trọng quản lý chất lượng và xây dựng văn hóa công ty, loại bỏ bong bóng trong thương hiệu. 
            3. Nổi tiếng > tiếng tốt = 0 Danh không xứng thực, thương hiệu là bong bóng, có ngày sẽ biến mất không dấu vết. 
            4. Nổi tiếng > 0, tiếng tốt < 0 Người ta thường gọi đó là tai tiếng. Thương hiệu này tất như ném sỏi xuống vực, không thể có ngày gặp lại.
    Gia Cát Lượng nói
    - Hiện nay thương hiệu Anh Hùng của Tào Tháo danh quá thực chất, bên trong đã sủi nhiều bong bóng mà người ngoài chưa được biết. Một khi bong bóng nổi lên, tiếng xấu nhất định sẽ lan nhanh, đẩy Tào Tháo tới chỗ không còn đất mà chôn.
    Chu Du nói:
    - Vậy hay lắm. Tôi sẽ phái ngay Hoàng Cái tới nằm vùng.
    Thế là Chu Du với Hoàng Cái liền diễn một vở kịch. Trong một hội nghị lãnh đạo quản lý tập đoàn, Hoàng Cái đề nghị Đông Ngô theo Tào Tháo. Chu Du nổi giận đùng đùng, kết tội Hoàng Cái theo chủ nghĩa thất bại. Mâu thuẫn hai người lên tới đỉnh điểm, Chu Du bắt Hoàng Cái viết bản kiểm điểm, Hoàng Cái lập tức từ chức, bỏ sang công ty của Tào Tháo.
    Chu Du mới làm CEO cho tập đoàn Đông Ngô có nửa năm, còn ít kinh nghiệm nên khiến nhiều bậc lão thành trong tập đoàn Đông Ngô bất mãn. Vì vậy Tào Tháo không nghi ngờ gì Hoàng Cái, ngược lại còn an ủi và giao trọng trách.
    Thời gian trôi nhanh, thoắt cái đã cuối năm, mùa mua sắm đồ điện tử đã tới. Mọi sự chuẩn bị đã xong, liên quân Lưu – Tôn chỉ còn "thiếu gió đông". Khi đó, Nhật báo Tam quốc phối hợp với các phương tiện truyền thông và cục Quản lý chất lượng tổ chức cuộc triển lãm rầm rộ "Chất lượng Tam Quốc", thu hút rất nhiều chú ý.
    Ngày 25 tháng 12, lễ Giáng sinh của phương Tây, trên tờ "Nhật báo kinh tế Tam quốc", Hoàng Cái viết một bài chuyên đề "Về mặt nạ Anh Hùng, xem mặt thật Tào Tháo". Bài báo dùng một lượng lớn bằng chứng để phản ánh tình trạng quản lý hỗn loạn và chất lượng sản phẩm không tốt của công ty Tào Tháo. Điều làm người tiêu dùng phẫn nộ nhất là công ty Tào Tháo dùng chiêu bài khuyến mại giảm giá sản phẩm để bán ra một lượng lớn hàng tồn kho kém chất lượng, gây ra một số vụ tai nạn bi thảm do ti-vi phát nổ. Như trò chơi domino, bài báo đã gây ra phản ứng dây chuyền, tai nạn liên tiếp giáng xuống đoàn quân hùng mạnh của Tào Tháo, kênh truyền hình nào cũng đưa ti-vi Anh Hùng phát nổ. Cùng lúc, Chu Du cầm đầu đoàn quân đầy khí thế thừa cơ xuất kích, chiếm một thị phần lớn.

    4. Mượn gà mái đẻ, lập thế thương chiến Tam quốc

    Sau trận Xích Bích, doanh số bán ra hàng tháng của tập đoàn Đông Ngô tăng vọt, Tôn Quyền đắc ý, suốt ngày cười không khép nổi miệng. Nhưng một hôm lại gặp chuyện đau đầu, ông ta bèn gọi Chu Du tới bàn bạc.
    Ông ta nói Chu Du hay: Lưu Bị tìm ông ta vay tiền. Chu Du hỏi:
    - Vì sao lại vay tiền?
    Tôn Quyền nói:
    - Tào Tháo thua to, không còn sức lo đến Kinh Châu. Mấy dây chuyền sản xuất của tập đoàn Kinh Châu đã ngừng hoạt động. Lưu Bị thấy giá hời nên muốn mua lại.
    Chu Du nói:
    - Không phải khoản nhỏ đâu!
    Tôn Quyền thở dài, nói:
    - Kể ra vừa rồi Lưu Bị cũng vất vả vì tập đoàn Đông Ngô, lẽ ra nên báo đáp mới phải.
    Chu Du nói:
    - Chúng ta có thể trả ơn bằng cách khác. Cho ông ta vay tiền mua dây chuyền sản xuất chẳng hóa nuôi lớn đối thủ cạnh tranh sao?
    Tôn Quyền nói:
    - Tôi cũng nghĩ tới điều đó. Song tên Lưu Bị này cũng tài, tán ngay được em gái tôi. Cô em xui mẹ tạo sức ép, tôi biết làm sao đây?
    Chu Du nói:
    - Việc này rất hệ trọng, xin ông quyết cưỡng lại. Song Tôn Quyền cảm thấy không thể cưỡng nổi. Không nghĩ ra cách, ông ta chỉ còn biết tìm Lỗ Túc. Lỗ Túc nói:
    - Việc này ông nên giúp. Có năm lý do: Thứ nhất, Lưu Bị đang yêu em gái ông và sắp cưới; thứ hai, nếu Lưu Bị không mua mấy dây chuyền sản xuất kia, người khác cũng sẽ mua, chẳng thà để nó vào tay Lưu Bị còn hơn vào tay người khác; thứ ba, Tào Tháo tuy thua một trận to nhưng vẫn còn dư sức, chúng ta vẫn cần hợp tác với Lưu Bị; thứ tư, tuy Lưu Bị có thể trở thành đối thủ của chúng ta, nhưng vẫn là một đối thủ có ích, có thể thiết lập mối quan hệ vừa cạnh tranh vừa hợp tác, thúc đẩy chúng ta làm tốt hơn; thứ năm, giúp Lưu Bị, chúng ta vẫn cần ra điều kiện.
    Tôn Quyền hỏi:
    - Ý anh là Lưu Bị phải đáp ứng điều kiện gì?
    Lỗ Túc nói:
    - Chỉ cần một điều kiện, đó là khoản vay có lãi cao và trong hai năm phải trả cả gốc lẫn lãi, tài sản thế chấp sẽ là toàn bộ công ty Hoàng Tộc. Nếu không trả được, toàn bộ công ty Hoàng Tộc phải được gán cho tập đoàn Đông Ngô, kể cả mấy dây chuyền sản xuất kia.
    Tôn Quyền nói:
    - Vì sao lại cần điều kiện đó?
    Lỗ Túc nói:
    - Gia Cát Lượng chẳng từng nói sáp nhập công ty sẽ tạo xung đột văn hóa sao? Xét tình thế trước mắt, chỉ có Lưu Bị mới đáng làm chủ tập đoàn Kinh Châu. Tập đoàn Kinh Châu được sắp xếp ổn thỏa là sẽ được giao cho chúng ta. Nay cho Lưu Bị vay tiền mua dây chuyền sản xuất, chẳng qua để ông ta vất vả thay cho chúng ta mà thôi.
    Tôn Quyền hỏi một cách nghi ngờ:
    - Nếu họ trả được nợ đúng hạn thì sao? Chẳng hóa ta lấy rổ múc nước sao? Lỗ Túc nói:
    - Vạn nhất Lưu Bị trả được nợ, chúng ta cũng kiếm được một khoản lợi tức kha khá, sao gọi là lấy rổ múc nước được?
    Khi Lưu Bị nhận được hợp đồng vay do Lỗ Túc chuyển đến thì giật bắn mình. Ông hỏi Gia Cát Lượng:
    - Sao lãi cao vậy, chúng ta có trả được không?
    Gia Cát Lượng hỏi lại:
    - Chúng ta còn đường nào khác không? Lưu Bị im lặng.
    Gia Cát Lượng nói trầm trầm:
    - Vay thôi. Vay thôi. Mấy dây chuyền sản xuất có thể là máy in tiền, có máy in tiền lại không lo trả được lãi sao? Đó gọi là "mượn gà đẻ trứng". Thêm nữa, nhỡ gà toi trứng vỡ, họ đã dám cho vay, sợ gì ta không dám cầm. Một khi tiểu thư Tôn Thượng Hương thành vợ ông, cô ta vẫn có thể nói với mẹ, cô ta và mẹ vẫn có thể nói đỡ cho ông kia mà!

    LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
    Trong việc hàng ngày quản lý công ty, một số nhà quản lý hay nhân nhượng vô nguyên tắc khiến nội tình công ty rối như canh hẹ. Song họ lại không nhận ra điều đó, vì sao vậy? Tục ngữ có câu "ngửi lâu quen thối" chính là để chỉ hiện tượng đó. Thông thường, mùi thối chỉ có nhân viên mới mới ngửi thấy, song ngày qua ngày, nhân viên mới cũng "ngửi lâu quen thối". Trong bối cảnh văn hóa công ty bị đầu độc, thất bại là kết cục tất yếu.

     
    Báo quản trị |  
  • #17913   13/11/2008

    haminhgiap
    haminhgiap
    Top 500
    Sơ sinh

    Hải Phòng, Việt Nam
    Tham gia:18/09/2008
    Tổng số bài viết (183)
    Số điểm: 485
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 6 lần


    Chương 23: THUYẾT LÀM THẾ NÀO ĐỂ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ

    1. Gia Cát Lượng còn là nhà điều hành giỏi

    Lại nói liên quân Lưu – Tôn mượn gió đông "triển lãm chất lượng Tam quốc" khiến quân Tào đại bại, thành lập thế chân vạc trên thị trường Tam quốc. Còn Lưu Bị vui lại thêm vui, một là gặp dữ hóa lành, hai là chiếm được tình yêu của tiểu thư Tôn Thượng Hương. Đêm động phòng hoa chúc, Lưu Bị mặt rạng rỡ, thì thầm vào tai Tôn Thượng Hương:
    - Anh hùng kiếm được mỹ nhân, Lưu Bị này hôm nay có em làm bạn, có thể nói là thỏa nguyện!
    Tôn Thượng Hương hỏi ngạc nhiên:
    - Sao ai lại nói "kiếm được mĩ nhân"? Anh cho em là gì? Là công việc kinh doanh lợi nhuận sao?
    Lưu Bị hoảng hốt, vội giải thích:
    - Ấy chết, lỡ lời. Chỉ tại thuyết của Gia Cát Lượng, ông ta thích so sánh kinh doanh với theo đuổi người đẹp.
    Tôn Thượng Hương nói:
    - Truyền thuyết nói Gia Cát Lượng lắm mưu nhiều kế, hóa ra tài ông ta chỉ là tán gái?
    Lưu Bị nói:
    - Em đừng trêu anh. Như anh, lăn lộn thương trường mười mấy năm, vẫn chỉ như chú khỉ xuống núi trong sách giáo khoa cấp một, trèo ngô hái đào, trèo đào hái dưa hấu, vất vả không kể hết mà tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Từ khi có Gia Cát Lượng, tình thế thay đổi hoàn toàn. Học thức người đó nắm vững, quản lý công tỉ cùng tài tình.
    Tôn Thượng Hương nói:
    - Không phải em trêu anh. Cũng là tổng giám đốc, vì sao Tào Tháo không mời Gia Cát Lượng mà chỉ mình anh mời được?
    Lưu Bị nói:
    - Em không hiểu rồi. Các công chủ Trung Quốc thích tự mình làm CEO, ông chủ làm tổng giám đốc điều hành, tổng giám đốc điều hành cũng là ông chủ. Trong quyết đoán đầu tư, ông chủ can đảm, dám mạo hiểm, song trong quản lý công ty, họ lại như những chú học trò cấp một. Anh nhận ra rằng, ông chủ làm CEO dễ gây lẫn lộn trong quản lý. Vì sao vậy? Bởi vì ông chủ là người điều hành công ty "khác tính chất" cũng như đàn ông là đàn ông, đàn bà là đàn bà, một khi xảy ra hiện tượng "xáo trộn giới tính" là kéo theo bao phiền toái.
    Tôn Thượng Hương nói:
    - Anh đúng là học trò của Gia Cát Lượng, mở miệng ra là đàn ông đàn bà. Em không tin, làm sao ông chủ làm CEO lại dẫn đến tình trạng "xáo trộn giới tính" vậy?
    Lưu Bị nói:
    - Binh pháp Tôn Tử viết: "Quân lấy kỉ luật để lập kỳ tích" (binh dĩ chính hợp kỳ dị thắng). Xét hành vi quản lý, ông chủ chính là chữ "kỳ", người điều hành chính là chữ "chính". Ông chủ theo đuổi sự biến hóa, người điều hành giữ ổn định. Ông chủ thường cảm tính, rất dễ bộc phát, trong khi lý tính và khả năng kiềm chế là phẩm chất tất yếu của người quản lý. Ông chủ coi trọng anh hùng, người quản lý coi trọng tổ chức. Ông chủ hào sảng, chí cao chín tầng mây, người quản lý dù mưa sa gió thổi vẫn lặng lẽ ngồi thuyền buông câu. Nếu ông chủ kiêm điều hành, hai vai không thể nào cũng diễn tốt, ông chủ sẽ đem "tân", "kỳ", "biến", "dị" vào công tác quản lý thường ngày, khiến guồng máy công ty trục trặc. Lúc đại chiến Xích Bích, đã có người gọi Tào Tháo là "một tên điên cầm đầu một bầy ngốc". Vì sao vậy? Vì Tào Tháo tham công lớn, thích nhanh chóng khuếch trương, thưởng phạt tùy tiện, thăng chức hạ chức một cách khinh suất, tổ chức công ty lỏng lẻo khiến thần kinh nhân viên điên đảo. Kết quả, chỉ một tiếng thét của Trương Phi mà trăm vạn quân Tào như bầy kiến vỡ tổ.
    Tôn Thượng Hương nói:
    - Em hiểu ý anh rồi. Tướng tùy tiện, quân không trọng, quản lý đúng là một môn khoa học. Song mấy năm gần đây, không ít ông chủ theo theo các khóa MBA, được học hành bài bản, như thế chẳng làm được CEO sao? Lưu Bị nói:
    - Không phải vậy. Ông chủ là người cao nhất trong công ty. Nếu quyết cách trộn lẫn với chấp hành và nếu ông chủ thích gì làm nấy, sẽ dẫn tới tình trạng sáng ra lệnh, chiều sửa lệnh. Như vậy, nhân viên chỉ nhìn nét mặt của ông chủ mà làm việc, nhiều người sẽ cho rằng bổn phận của nhân viên là lấy lòng ông chủ, kết quả họ biến thành một bầy sống hai mặt. Có những nhân viên lấy việc hầu ông chủ chơi tá lả, chở con ông chủ làm tự hào. Hầu hết các ông chủ đều ý thức được tác hại của việc tự mình điều hành, nhưng trên thực tế, họ vẫn chìm trong sự mê man của người trong cuộc.
    Tôn Thượng Hương "ư" một tiếng, nói:
    - Anh ám chỉ Triệu Vân chứ gì? Em thấy A Đẩu rất thân thiết với anh ta. Lưu Bị nói:
    - Năm xưa ở dốc Trường Bản. Triệu Vân là người "máu nhuốm chiến bào thấm giáp hồng". Trung dũng còn ai hơn được công. Tuy nhiên, loại trung dũng, lao lực đó không vì việc công, mà chỉ vì việc riêng của nhà họ Lưu ta. Vậy anh còn biết nói gì? Trong lúc tâm trạng đang rối bời đó, anh chỉ còn cách vứt A Đẩu xuống đất, nói một câu trong "Tam quốc diễn nghĩa": Vì đứa con hư này mà ta suýt mất một đại tướng!
    Tôn Thượng Hương cảm thán:
    - Mọi người hay trách ông chủ chỉ biết dùng người trong họ, hóa ra bên trong còn nhiều tình cảm rối rắm đến vậy. - Lưu Bị nói:
    - Nói về tình cảm, anh và Quan Vũ, Trương Phi là tình huynh đệ còn hơn cốt nhục. Song Quan Vũ vì tư giao mà tùy tiện tha Tào Tháo ở đường Hoa Dung; em bảo phải làm sao với anh ta? Xử phạt ư? Sợ tổn thương tình anh em mười mấy năm, không xử phạt ư? Sợ phá hoại quy chế công ty. May có Gia Cát Lượng thay anh điều hành, tránh cho anh một việc khó xử.
    Tôn Thượng Hương tỉnh ngộ:
    - Mọi người đều nói Gia Cát Lượng là nhà lập kế hoạch, hóa ra ông ta còn giỏi quản lý.
    Lưu Bị nói:
    - Mọi người vẫn còn có chút hiểu lầm về tài của Gia Cát Lượng. Trên thực tế, nói ông ta là nhà lập kế hoạch thông minh không chính xác bằng nói là một nhà quản lý giỏi.

    2. Treo chuông lên cổ mèo

    Tôn Thượng Hương mỉm cười như vẻ ghen:
    - Rốt cuộc tài của Gia Cát Lượng là gì mà được anh xem trọng đến vậy? Lưu Bị ôm Tôn Thượng Hương vào lòng nói:
    - Anh kể cho em nghe câu chuyện ngụ ngôn nước Anh, nghe xong em sẽ hiểu.
    Thiên đường của bầy chuột
    Tại một thành phố cổ nọ, có bầy chuột sống rất hạnh phúc. Bầy chuột yêu thương nhau, không lo lắng, sung sướng như thần tiên.
    Một hôm chuột Có học cảm thán: Đây đúng là thiên đường của loài chuột. Bỗng một ngày, có con mèo tới phá tan thiên đường thanh bình của loài chuột. Chỉ vì một con mèo hoang màu đen mà cả họ hàng nhà chuột tan nát, ngày đêm sống trong sợ hãi.
    Bầy chuột mở hội nghị bàn cách đối phó với con mèo đen đáng ghét. Bọn chuột đua nhau tố khổ, quyết tìm cách tránh được nanh vuốt mèo.
    Khi đó, con chuột Có học vuốt râu nói:
    - Tôi có ý kiến, chỉ cần đeo lên cổ mèo một cái chuông là xong. Như thế, mỗi khi mèo tới gần là ta nghe được tiếng chuông có thể kịp chạy trốn.
    - Ý kiến hay lắm! - Nhưng... Một con chuột hỏi nghi ngờ:
    - Làm sao để treo chuông lên cổ mèo đây? Bầy chuột im bặt.
    Câu chuyện cho thấy, chỉ có cách nghĩ thôi thì chưa được gì, mà tất phải có cách làm hiệu quả. Lưu Bị nói:
    - Trước khi Gia Cát Lượng xuống núi, anh như một chú chuột đầy ảo tưởng, ảo tưởng như mây trắng trôi qua, tuy có lúc là một trận gió, có lúc là cơn mưa, song ảo tưởng vẫn chỉ là ảo tưởng. Rất nhiều người cũng vậy, có cách nghĩ mà không có cách làm. Gia Cát Lượng không như vậy. Ông ta biết cách treo chuông lên cổ mèo.
    Tôn Thượng Hương thấy thú vị:
    - Hai anh, một là người nghĩ, một người làm, một người thực hiện chiến lược, một người thực hiện chiến thuật. Có thể nói, anh và Gia Cát Lượng là cặp bài trùng tuyệt vời!
    Lưu Bị cười:
    - Đúng đấy! Trong công việc, anh và Gia Cát Lượng là một cặp bài trùng tuyệt vời, còn trong cuộc sống, anh với em là một cặp tuyệt vời.
    Tôn Thượng Hương nhảy khỏi giường, khép rèm cửa sổ, quay lại hôn Lưu Bị bằng cặp môi đầy khiêu khích, nói:
    - Em là cô gái rất bốc lửa, anh có cặp được không?

    3. Làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ

    Sau đại chiến Xích Bích, Tào Tháo dằn đau đớn để củng cố văn hóa công ty. Lịch sử chép lại: Xuân Kiến An thứ 15, Tào Tháo mở tiệc mừng khánh thành đài Đồng Tước, quan võ diễn tài tài cung tên, quan văn mừng văn chương thi phú. Có thể hình dung buổi tiệc tưng bừng thế nào.
    Uống liền mấy li, say lúc nào không biết, Tào Tháo gọi người mang bút nghiên tới định để viết: "Đài thơ Đồng Tước". Vừa hạ bút, một thư ký trên là Trình Dục báo cáo Tào Tháo tin Lưu Bị mới lấy vợ. Thoạt nghe, Tào Tháo đã hoảng hốt đánh rơi bút xuống đất.
    Trình Dục nhặt bút lên, hỏi:
    - Sao tổng giám đốc Tào lại giật mình như vậy?
    Tào Tháo nói:
    - Lưu Bị là rồng giữa đám người, nay được Kinh Châu, chẳng khác nào rồng khốn cùng thoát ra bể lớn, làm sao không giật mình được?
    Trình Dục nói:
    - Lưu Bị có tài gì mà dám so với tống giám đốc Tào? Chẳng qua dựa hết vào Gia Cát Lượng mà thôi. Nếu tổng giám đốc Tào quyết, có thể từ nhân viên công ty đào tạo nên một Gia Cát Lượng.
    Tào Tháo hỏi:
    - Anh nói rõ hơn xem!
    Trình Dục nói:
    - Có một câu châm ngôn nhiều người biết: Có cách nghĩ đúng đắn là đã thành công một nửa. Trên thực tế, giành được nửa thành công kia cực kỳ khó khăn. Người ta chỉ thường quen nêu vấn đề, còn lại đẩy việc giải quyết vấn đề - phần xương xẩu nhất, vào tay người khác. Chỉ có người nào thực sự lăn lộn trong công việc quản lý công ty mới hiểu rằng: Sự khác biệt giữa một công ty với đối thủ cạnh tranh thường không ở chiến lược cao cấp, mà ở năng lực điều hành. Điều đó cũng như tình hình đêm tân hôn Lưu Bị với Tôn Thượng Hương. Yêu nồng nhiệt không bằng thì thầm nồng nhiệt, thì thầm nồng nhiệt không bằng thực hành nồng nhiệt.
    Tào Tháo khẽ gật đầu:
    - Anh nói hay lắm, cứ tiếp đi!
    Trình Dục nói:
    - Ở nhiều mặt, Lưu Bị là người tháo vát, nhưng trong quản lý công ty, chưa chắc ông ta là người tháo vát. Người tháo vát chính là Gia Cát Lượng. Địa vị Gia Cát Lượng trong công ty Lưu Bị tương ứng với giám đốc điều hành, mà sự quan trọng của ông ta đối với Lưu Bị chính là ở chỗ "chấp hành".
    Tào Tháo thở dài:
    - Anh nói không sai. Vì sao trăm vạn quân ta đại bại trận Xích Bích? Suy cho cùng, thua chính là ở chỗ "chấp hành". Cuối cùng tôi cũng hiểu, trên đời này có nhiều kiểu đấu trí, nghĩ ra một kế hoạch cũng chỉ là một kiểu. Biến kế hoạch vĩ đại thành từng nhiệm vụ khả thi còn phức tạp hơn, trong đó việc dùng quyết tâm và trí tuệ để giải quyết những vấn đề trước mắt lại còn một cuộc đấu tâm, đấu trí khác. Tinh túy của "chấp hành" chính là bài toán "làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ". Ôi, Chu Du ghen tài Gia Cát Lượng cuối cùng bị mắng chết, ta ghen với Lưu Bị chỉ vì ông ta có Gia Cát Lượng mà thôi.
    Chợt Trình Dục nảy ra một ý:
    - Chúng ta tìm một công ty head-hunting để đưa Gia Cát Lượng về, có được không?
    Tào Tháo nói:
    - Anh có thể thử xem, nhưng e khó. Bởi Lưu Bị có một sức hút như nam châm hút sắt, có thể thu hút những người tài năng nhất về làm cho ông ta. Năm xưa tôi đã cho Quan Vũ một chế độ đãi ngộ hậu hĩnh mà hắn vẫn còn một mình một xe với Lưu Bị, trở thành bậc anh hùng. Quan Vũ còn như thế, nói gì đến Gia Cát Lượng.

    4. Cơ hội phát triến mới

    Sau Đổng Trác, Tào Tháo, Lưu Bị là người thứ ba được báo chí bình chọn là doanh nhân tiêu biểu nhất Trung Quốc. Tổng giám đốc tập đoàn Ích Châu Lưu Chương đọc tin đó, lập tức viết thư cầu viện. Do quản lý không tốt, Ích Châu thua lỗ mấy năm liền.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Công ty hưng suy, ông chủ hữu trách. Có những ông chủ giỏi kích thích "năng lượng" nhân viên, có những ông chủ lại giỏi khơi lòng nhiệt tình của nhân viên. Ông là loại đầu, Lưu Chương là loại sau. Vì thế lần này Lưu Chương thuê chúng ta làm quản lý, dù chúng ta có tốt tới đâu cũng không làm được gì cho tập đoàn ông ta.
    Lưu Bị hỏi:
    - Vậy chúng ta nên làm gì?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Ông quên binh pháp lạc đà rồi sao? Nhân cơ hội làm quản lý xuất khẩu này, chúng ta sẽ như chiếc đinh đóng sâu vào những bộ phận quan trọng nhất của tập đoàn Ích Châu. Khi thời cơ chín muồi, chúng ta có thẻ biến chủ thành khách, thu về được tập đoàn Ích Châu.
    Lưu Bị cao hứng:
    - Hay lắm! Trước trận đại chiến Xích Bích, chúng ta đã không thực hiện được binh pháp lạc đà. Cuối cùng ta cũng có thể đem ra thực hành. Hai người hẹn nhau, Gia Cát Lượng giữ Kinh Châu, phụ trách những công việc thường nhật của công ty Hoàng Tộc, Lưu Bị cầm đầu một nhóm quản lý xuất khẩu tới Ích Châu. Cũng cần nói thêm, Bàng Thống "phượng sồ" (phượng non) – người sánh với biệt danh "ngọa long" (rồng nằm) của Gia Cát Lượng là một cốt cán trong nhóm. Một hôm, Bàng Thống đang chỉ đạo cộng tác ở một phân xưởng của tập đoàn Ích Châu thì gặp tai nạn, chết ngay khi đang làm nhiệm vụ.
    Không lâu sau, tập đoàn Ích Châu sáp nhập với công ty Hoàng Tộc, đổi tên thành tập đoàn xí nghiệp – công ty hữu hạn Hán Thục. Quan Vũ làm giám đốc chi nhánh Kinh Châu, Gia Cát Lượng thì bay tới Thành Đô làm CEO cho tập đoàn.

    5. Tạo ra cơ chế mới làm khách hàng vừa ý

    Tập đoàn Ích Châu vốn có một bộ máy khá quan liêu. Do quản lý lỏng lẻo, tập đoàn tựa như một câu lạc bộ, quan chức chỉ lo đấu đá, nhân viên lười biếng thành nếp. Làm thế nào để dọn dẹp đống hỗn độn của tập đoàn cũ là thách thức lớn của Gia Cát Lượng vừa từ Thành Đô tới. Điều làm người ta dở khóc dở cười là trên sảnh lớn của trụ sở tập đoàn có gắn hàng chữ vàng lấp lánh: "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi".
    Gia Cát Lượng hỏi Pháp Chính.
    - Hàng chữ này có tác dụng gì?
    Pháp Chính đáp:
    - Đó chỉ là khẩu hiệu, không có tác dụng gì cả.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Nó không thể chỉ là khẩu hiệu, nó phải thành cơ chế. Tôi tra tư liệu, công việc kinh doanh của các anh trước kia chỉ nhờ vào may mắn của người bán hàng, vậy sao làm hài lòng khách được?
    Pháp Chính hỏi:
    - Anh có cách gì không?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Củng cố thể chế, tăng cường pháp chế, chỉnh đốn lề lối công ty. Thử nghĩ, thương trường như chiến trường, không có một đội ngũ kinh doanh ra sinh vào tử, làm sao thắng được?
    Pháp Chính nghĩ ngợi rồi nói:
    - Khi xưa Hán Cao tổ tiến vào Quang Trung đã thực hiện chính sách khoan hòa, chỉ dựa vào ước pháp đơn giản mà dân theo. Nay công ty vừa mới sáp nhập, anh lại vừa từ Thành Đô tới, liệu lạm dụng quyền uy như vậy có thỏa đáng lắm không? Tôi nghĩ anh nên học Hán Cao tổ, bớt cấm đoán, bớt hình phạt, tranh thủ tình cảm cấp dưới, nhất là cán bộ cấp giữa, để họ ủng hộ chúng ta.
    Gia Cát Lượng cười nói:
    - Tiên sinh chỉ biết một mà không biết hai. Khi xưa Tần Thủy Hoàng ngược đãi dân chúng, trăm họ bị áp bức quá mà phải làm phản. Hán Cao tổ biết điểm tệ hại của nhà Tần nên khoan dung để lấy lòng thiên hạ, điều đó rất đúng. Nhưng nay tình hình Ích Châu so với thời nhà Tần khác nhau xa. Sở dĩ Lưu Chương nhu nhược vì ông ta đã dùng biện pháp lấy lòng để được phái "thực lực" trong tập đoàn ủng hộ. Cấp trên lấy lòng cấp dưới khiến đặc quyền hoành hành, chính lệnh không thông. Tôi mà không chỉnh đốn lề lối công ty thì khác gì Lưu Chương?
    Pháp Chính đầy hồ nghi:
    - Lẽ nào anh tự coi mình hơn Hán Cao tổ? Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, thời thế chuyển từ hà khắc sang khoan dung, từ khoan dung chuyển sang hà khắc. Anh chỉ là một trí thức, có bản lĩnh gì mà xoay chuyển thời thế?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Chỉ cần phương pháp thích hợp là có thể xoay chuyển thời thế. Pháp Chính "a" một tiếng hỏi: - Anh lại có bí quyết gì vậy?
    Gia Cát Lượng xòe bốn ngón tay ra, nói:
    - Bí quyết của tôi là xây dựng "bốn hóa": Chuyên nghiệp hóa kết cấu, tiêu chuẩn hóa cách thức làm việc, chế độ hóa quản lý, chức nghiệp hóa nhân viên. Pháp Chính cười đầy ngạc nhiên:
    - Xây dựng bốn hoá? Khẩu hiệu nghe lạ tai nhỉ. Tiên sinh nói đi, thế nào là chuyên nghiệp hóa kết cấu? Kết cấu công ty thì ảnh hưởng gì tới chất lượng, hiệu quả kinh doanh?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Cùng do nguyên tố carbon cấu tạo nên, vì sao kim cương khác than chì, vì sao giá trị hai loại khác nhau? Vì kết cấu tinh thể chúng không giống nhau. Sở dĩ chúng ta phải thiết kế kết cấu mới cho tập đoàn Thục Hán chính là để phối hợp công tác hiệu quả hơn, dùng cả guồng máy để thỏa mãn nhu cầu khách hàng.
    Pháp Chính lại hỏi:
    - Vậy tiêu chuẩn hóa cách thức việc làm là thế nào?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Tục ngữ có câu: "Không quy củ, chẳng ra vuông tròn". Không chỉ khâu sản xuất cần tiêu chuẩn hóa, các hạng mục quản lý khác cũng cần tiêu chuẩn hóa về trình tự và phương pháp. Trong một công ty được tiêu chuẩn hóa cao độ, quyền hạn của mỗi nhân viên đều được qui định rất chặt chẽ, một khi có xáo trộn nhân sự, guồng máy công ty vẫn có thể hoạt động trơn tru. Trong công việc thường ngày, tiêu chuẩn hóa trình tự và cách thức làm việc tạo thuận lợi cho giám sát, chỉ đạo và đánh giá.
    Pháp Chính khẽ gật đầu, nói:
    - Chỉ có quy củ mới tránh được lộn xộn, nếu không còn thể thống (hệ thống) gì?
    Gia Cát Lượng nói:
    - Để duy trì hệ thống, chúng ta còn cần chế độ họa quản lý. Gọi là "chế độ hóa", chính là ghi thành văn bản các quy định về trình tự, phương pháp, yêu cầu và cấm kị trong công ty. Như vậy mới có cơ sở cho việc chỉ đạo, chấp hành, thưởng, phạt...
    Pháp Chính nói:
    - Tôi nghĩ có thể hiểu ý anh. Song, chỉ mình tôi hiểu chưa đủ, còn bao người khác phản đối.
    Gia Cát Lượng nói:
    - Đó chính là điều tôi muốn nói trong "hóa" thứ tư: Chức nghiệp hóa nhân viên. Tôi có thể qua các khóa huấn luyện để thúc đẩy tiến trình chức nghiệp hóa nhân viên, để biểu hiện công việc của họ phù hợp với yêu cầu, phương pháp, trình tự làm việc theo chế định của công ty, đồng thời để họ hiểu rằng lời nói việc làm của họ phù hợp với "bốn hóa" sẽ được khen thưởng, phá hoại "bốn hóa" sẽ bị kỉ luật nặng.
    Pháp Chính chợt thấy kính trọng Gia Cát Lượng, nói:
    - Tôi hiểu rồi, "bốn hóa" thực chất là thắt chặt các mối quan hệ trong công ty. Có chuyên nghiệp hóa kết cấu tổ chức mới có thể tiêu chuẩn hóa cách thức làm việc, có tiêu chuẩn hóa cách thức làm việc, tất cả sẽ có chế độ hóa quản lý, có chế độ hóa quản lý mới bảo đảm nhân viên được chức nghiệp hóa.
    Gia Cát Lượng bổ sung:
    - Có một đội ngũ nhân viên chức nghiệp hóa mới có thể chấp hành chiến lược làm hài lòng khách hàng của công ty. Đó gọi là cơ chế.
    Pháp Chính nói:
    - Anh đã tính được chu toàn đến vậy, tôi là người đầu tiên ủng hộ anh. Không ngờ tôi lại bị anh "chế độ hóa" rồi.
    Công việc quản lý Thục của Gia Cát Lượng đã trở thành kinh điển. Ông tự gương mẫu chấp hành, lấy tinh thần "cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi" để không ngừng hoàn thiện cơ chế quản lý làm khách hàng vừa lòng. Khác với nhiều nhà lãnh đạo thích nghiên cứu chiến lược và quản lý học ở tầm vĩ mô, Gia Cát Lượng toàn tâm toàn ý để thực hiện kế hoạch. Ông có mặt ở rất nhiều khâu quan trọng, cuối cùng ông mắc bệnh và chết ở gò Ngũ Trượng. Công lao của Gia Cát Lượng đối với quản lý học có thể khái quát trong một câu đối:
    Chiếm lòng người, nếu không đại bại
    Không xét thời, thưởng phạt lầm to
    Câu nói trên nói về cuộc chiến thương trường, câu dưới nói về ý nghĩa của quản lý nguồn lực con người. Với công lao như thế, Gia Cát Lượng trở thành vị giám đốc điều hành ưu tú nhất Trung Quốc.

    6. Sức ép trong công tác quản lý

    Có người cho rằng Gia Cát Lượng việc gì cũng nhúng tay vào, không những mua việc mà còn không có lợi cho đào tạo đội ngũ kế cận, khiến tập đoàn sau này rơi vào cảnh khốn "Thục không đại tướng". Một ví dụ hay bị nêu ra là Gia Cát Lượng tự mình xét đến cả những khoản phạt 30 quan.
    Ý kiến kiểu đó rõ ràng xem thường Gia Cát Lượng. Nhưng chỉ có CEO mới hiểu được CEO, vì thế mới có câu thơ than muôn thuở: "Xuất sư vị tiệp thân tiên tử, trường sử anh hùng lệ mãn khâm". Trên thực tế, Gia Cát Lượng không hề ăn ít làm nhiều mà việc nhiều không còn thời gian ăn. Để giảm trừ những áp lực kiểu đó, Gia Cát Lượng đã dùng rất nhiều biện pháp, trong đó gồm:

    1. Dự báo
    Dự báo thúc đẩy tiến độ là một trong những biện pháp hiệu quả nhất của Gia Cát Lượng. Biện pháp đó tránh cho Gia Cát Lượng rất nhiều công việc không tên tuổi làm phiền.

    2. Giữ sự bận rộn
    Gia Cát Lượng tự mình phạt những khoản từ 30 quan trở lên là để giữ sự bận rộn. Nhiều nhà quản lý biết rằng, bận rộn làm giảm sức ép tâm lý một cách hiệu quả.

    3. Kịp thời hành động
    Kịp thời hành động là một trong những biện pháp để giảm sức ép. Khi bạn lao vào giải quyết khó khăn, khó khăn không còn đáng sợ.

    4. Chuyên tâm công tác
    Chuyên tâm công tác làm quên đi bao nỗi buồn vẩn vơ, hơn nữa, công việc còn làm thỏa mãn vì đạt được kết quả. Trâu gỗ, ngựa gỗ Gia Cát Lượng phát minh ra chính là thành quả của sự chuyên tâm, nó đã giải quyết khó khăn về vận chuyển hàng hóa của công ty.

    5.Giảm động trước những người bình thường
    Gia Cát Lượng có tâm hồn lương thiện bẩm sinh. Bất kể là ai, chỉ cần tận tụy với công ty, có ích cho xã hội là ông ghi nhớ trong lòng, dù họ có là kẻ thù thì cũng khen thưởng. Thưởng phạt phân minh, một mặt khiến mình cảm thấy thanh thản, một mặt sẽ nhận được sự ủng hộ của người xung quanh, từ đó cải thiện môi trường công việc của mình.
    Gia Cát Lượng là một nhà quản lý chất lượng cao. Nhờ sự điều hành của ông, tập đoàn Thục Hán từ một cơ sở yếu kém, thiếu nhân tài, đã trở thành một trong ba công ty lớn nhất cả nước.
    Ông tận tâm, tận lực làm việc đến ngày quên ăn, đêm quên ngủ, vì thế dẫn đến bệnh ung thư dạ dày. Không ai biết rằng, lúc làm việc, ông cảm thấy trong lòng tràn trề niềm hạnh phúc vô bờ.

    LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
    Tác dụng của toàn bộ quản lý học là nó giúp bạn tạo ra một cơ chế khiến khách hàng vừa lòng. Bạn càng hiểu sâu sắc điều đó, sự quản lý của bạn càng hữu hiệu. Đồng thời bạn cũng sẽ nhận thức được rằng: Văn hóa công ty kỳ thực là một quá trình quản lý, mỗi công đoạn đều thể hiện văn hóa công ty một cách hoàn hảo. Bắt tay vào việc, bạn nên học tập sự tận tụy của Gia Cát Lượng. Rất nhiều nhà lãnh đạo chỉ giỏi lý thuyết quản lý, dốc tâm dốc sức vào hàn lâm hóa, thậm chí logic hóa vấn đề. So với Gia Cát Lượng, họ chỉ biết mà không hiểu, lại còn chê trách Gia Cát Lượng sa đà vào việc vặt. Bạn không nên bắt chước họ đánh trận trên giấy, bởi nếu bạn thực sự là người được việc, sự chú ý của bạn sẽ hướng tới việc vận hành công ty. Bạn đặt hết tâm trí vào mục tiêu, quyết không để xảy ra "đê nghìn dặm vỡ vì tổ kiến". 

                                                                   HẾT

     
    Báo quản trị |