Mới đây, Thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng đưa tin vụ việc tài xế “chặt chém” du khách gấp 10 lần cước phí phải trả. Sự việc không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh nước nhà. Vậy hành vi tự ý nâng giá cước phí hay “chặt chém” du khách của các tài xế bị xử lý thế nào?
Trước các mùa du lịch, lượng du khách tăng đột biến, dẫn đến xuất hiện nhiều hành vi nhằm trục lợi từ một số tài xế. Cụ thế, họ nâng cước phí lên cao gấp mấy lần quy định, chèo kéo du khách để thu tiền cước xe có khi tăng đến gấp 10 lần. Hành vi này làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh nước nhà.
Để ngăn chặn tình trạng này, các hãng taxi cần chuẩn bị đủ phương tiện phục vụ vận chuyển. Kiên quyết đình chỉ lái xe, nhân viên phục vụ vi phạm quy định vận tải; cử cán bộ theo dõi thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe trong suốt hành trình xe chạy nhằm chấn chỉnh và nhắc nhở kịp thời lái xe chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ.
Đồng thời tăng cường kiểm soát, giám sát mọi hoạt động của phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe, tăng cường phương tiện các ngày cao điểm, giờ cao điểm để khắc phục tình trạng ùn khách, quá tải.
Đặc biệt, không để xảy ra hiện tượng chặt chém, chèo kéo du khách và yêu cầu các hãng taxi nghiêm cấm tài xế có các hành vi tự ý nâng giá cước, từ chối khách đi gần tại sân bay, nhà ga và bến xe…
Xử lý hành vi “chặt chém” du khách của tài xế
Căn cứ Điểm i, Khoản 3, Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
Điều khiển xe taxi không có đồng hồ tính tiền cước (đối với loại xe đăng ký sử dụng đồng hồ tính tiền) hoặc có nhưng không đúng quy định hoặc không sử dụng đồng hồ tính tiền cước theo quy định khi chở khách thì bị xử phạt 600.000-800.000 đồng.
Trường hợp người lái xe taxi trên là taxi dù, giả mạo taxi hãng để chở khách rồi "chặt chém" thì đây là hành vi lừa dối khách hàng. Tùy vào mức độ vi phạm mà tài xế sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, nếu tài xế trên đã từng bị xử phạt về hành vi lừa dối khách hàng mà tiếp tục vi phạm, hoặc lần đầu vi phạm nhưng chiếm đoạt số tiền từ 5.000.000 đồng trở lên, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa dối khách hàng, theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác để chiếm đoạt từ 05-50 triệu đồng thì bị phạt cảnh cáo, phạt từ 10-100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm.