Theo Bộ luật dân sự (BLDS) 2005, ở nước ta có 6 hình thức sở hữu (Điều 200 – Điều 232), bao gồm:
(1) sở hữu nhà nước;
(2) sở hữu tập thể;
(3) sở hữu tư nhân;
(4) sở hữu chung;
(5) sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
(6) sở hữu của tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
Còn theo BLDS 2015, quy định 3 hình thức sở hữu là:
(1) sở hữu riêng;
(2) sở hữu chung;
(3) sở hữu toàn dân.
Ta thấy, BLDS 2005 xác định các hình thức sở hữu là chưa khoa học, tạo ra sự phức tạp không cần thiết trong việc điều chỉnh pháp luật đối với các hình thức sở hữu này. Việc phân chia hình thức sở hữu dựa vào tính chất, chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể như vậy là không hợp lý. Bởi các lý do sau:
Thứ nhất, việc liệt kê chủ thể tỏ ra chưa khoa học vì sự liệt kê có thể chưa đầy đủ vì còn có nhiều loại hình tổ chức, các nhóm người phát sinh. Nếu như có một thành phần kinh tế mới xuất hiện trong xã hội thì BLDS lại phải sửa, như vậy tính ổn định của BLDS không cao. BLDS không nên cá biệt hóa một nhóm tổ chức nhất định thành một hình thức sở hữu.
Thứ hai, khi xác định một hình thức sở hữu nào đó thì phải xuất phát từ sự khác biệt về nội dung quyền sở hữu (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt), về phương thức thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản. Trong khi đó, nội dung của một số hình thức sở hữu được quy định trong BLDS 2005 là không có sự khác biệt ngoại trừ chủ sở hữu, vì thế không có ý nghĩa về mặt pháp lý khi không chỉ ra được sự khác biệt cơ bản giữa các hình thức sở hữu.
Thứ ba, theo quy định BLDS 2005 thì sở hữu tập thể là một hình thức sở hữu độc lập. Tuy nhiên, về cơ bản, đây chỉ là sở hữu của pháp nhân là hợp tác xã.
Vì các lẽ trên, BLDS 2015 đã cố gắng loại bỏ những bất cập trên bằng cách quy định thành 3 hình thức sở hữu (riêng, chung, toàn dân). Việc quy định sở hữu chung và sở hữu riêng là dựa trên việc một hay nhiều người (chủ thể) thực hiện quyền sở hữu (một người thực hiện quyền là sở hữu riêng; nhiều người thực hiện quyền là sở hữu chung), không có căn cứ vào việc xác định người (chủ thể) cụ thể thực hiện quyền sở hữu (như Nhà nước, cá nhân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội…). Ngoài ra, BLDS 2015 còn quy định một hình thức sở hữu đặc biệt là sở hữu toàn dân (thay thế cho hình thức sở hữu nhà nước trong BLDS 2005) là để phù hợp với Hiến pháp 2013.