Thông thường chúng ta dễ dàng nhận thấy trên các bao bì thuốc lá là những hình ảnh do tác hại của việc hút thuốc lá gây ra cho người dùng như ung thư phổi, vàng răng,... Vậy có phải bắt buộc các loại thuốc lá tại Việt Nam đều dán nhãn cảnh báo như vậy?
1. Bao bì thuốc lá có bắt buộc phải ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe?
Điều 15 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 bắt buộc cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc lá phải ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá trước khi bán ra thị trường.
- Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.
- Việc ghi nhãn đối với thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải được thực hiện bằng tiếng Việt, theo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá và bảo đảm các yêu cầu sau đây:
+ In cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh bảo đảm rõ ràng, dễ nhìn, dễ hiểu;
+ Dán tem hoặc in mã số, mã vạch; ghi ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng;
+ Ghi rõ số lượng điếu đối với bao thuốc lá dạng điếu hoặc trọng lượng đối với các loại thuốc lá khác;
+ Không được sử dụng từ, cụm từ làm người đọc, người sử dụng hiểu thuốc lá là ít có hại hoặc hiểu sai về tác hại của thuốc lá và khói thuốc lá đối với sức khoẻ con người.
- Nội dung cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá phải mô tả cụ thể tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe và thông điệp thích hợp khác, phải được thay đổi theo định kỳ 02 năm một lần.
- Hình ảnh cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá.
- Việc ghi nhãn trên bao bì thuốc lá xuất khẩu được thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
- Chính phủ quy định cụ thể mức tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe phù hợp với từng thời kỳ.
2. Trách nhiệm của địa điểm bán thuốc lá
Bên cạnh nhà sản xuất, phân phối thì các địa điểm bán lẻ thuốc lá cũng phải tuân thủ các quy định tại Điều 25 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 như sau:
- Việc bán thuốc lá phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
+ Doanh nghiệp, đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép bán thuốc lá theo quy định của Chính phủ;
+ Người chịu trách nhiệm tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc; không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100 mét (m) tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.
3. Mức phạt hành vi không dán nhãn cảnh báo sức khỏe trên thuốc lá
Ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là quy định bắt buộc đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc lá, việc ghi nhãn nhằm hạn chế, cảnh báo người dùng thuốc lá. Vì vậy nếu cá nhân kinh doanh không thực hiện quy định trên thì sẽ bị phạt tiền theo Điều 27 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng:
+ In cảnh báo sức khỏe không đúng mẫu, vị trí, diện tích và màu sắc theo quy định của pháp luật.
+ Không thay đổi định kỳ 2 năm một lần cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật.
+ Không ghi rõ số lượng điếu đối với bao thuốc lá dạng điếu hoặc trọng lượng đối với các loại thuốc lá khác.
+ Sử dụng từ, cụm từ làm người đọc, người sử dụng hiểu thuốc lá là ít có hại hoặc hiểu sai về tác hại của thuốc lá và khói thuốc lá đối với sức khỏe con người.
- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng:
+ Không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật đối với thuốc lá sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam.
+ Ký hợp đồng, sản xuất thuốc lá mang nhãn hiệu nước ngoài để tiêu thụ trong nước khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Lưu ý: Tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt gấp 2 lần.
Bên cạnh đó, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng.
Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc thu hồi sản phẩm và khắc phục, loại bỏ yếu tố vi phạm. Trường hợp không khắc phục được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy.
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi bất hợp pháp.
Như vậy, bắt buộc các loại thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu và bán tại Việt Nam đều phải dán nhãn cảnh báo sức khỏe trước bao thuốc lá. Trường hợp vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 80 triệu đồng.