Bất kỳ người nào tham gia lao động đều quan tâm đến những quyền lợi, chế độ mình được hưởng. Bên cạnh tiền lương, ngày nghỉ, bảo hiểm cũng là một vấn đề được nhiều sự quan tâm, đặc biệt trong những trường hợp gặp rủi ro trong lao động.
Theo Khoản 1 Điều 144 Bộ luật Lao động 2012 quy định:
“Điều 144: Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.”
Đồng thời, tại Điều 23 Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi 2014 quy định bãi bỏ những trường hợp KHÔNG được hưởng BHYT, trong đó, có nội dung “khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng đối với bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động”
Như vậy, theo pháp luật hiện hành, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ĐƯỢC hưởng BHYT.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể trường hợp này. Nếu người lao động bị tai nạn lao động sẽ được mức hưởng thế nào đối với từng trường hợp đúng tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến? Đồng thời, phần chi phí đồng chi trả giữa BHYT và người sử dụng lao động là bao nhiêu?